• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/02/2025 (1)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/02/2025 (1).

12/02/2025 18:36

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2025/NĐ-CP ngày 10/2/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/02/2025 (1)- Ảnh 1.

Sửa đổi quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Trong đó, Nghị định số 20/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm d, k và bổ sung điểm m khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về các bên có quan hệ liên kết.

Điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định các bên liên kết là: d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

Nội dung trên được sửa tại Nghị định số 20/2025/NĐ-CP như sau: d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện tổng dư nợ các khoản vốn vay của doanh nghiệp đi vay với doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng dư nợ tất cả các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

Quy định tại điểm d nêu trên không áp dụng với các trường hợp sau:

d.1) Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2024 không tham gia trực tiếp, gián tiếp điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp được bảo lãnh theo quy định tại các điểm a,c,đ,e,g,k,l và m khoản này.

d.2) Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đi vay hoặc được bảo lãnh không trực tiếp, gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư của một bên khác theo quy định tại các điểm b, e và i khoản này.

Điểm k khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định các bên liên kết: k) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia.

Nội dung trên được sửa tại Nghị định số 20/2025/NĐ-CP như sau: k) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp (bao gồm cả chi nhánh hạch toán độc lập thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia;

Bổ sung trường hợp các bên liên kết

Nghị định số 20/2025/NĐ-CP cũng bổ sung điểm m khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định các bên liên kết là: m) Tổ chức tín dụng với Công ty con hoặc với Công ty kiểm soát hoặc với Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước

Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp cụ thể có giao dịch liên kết trên cơ sở danh sách do Cơ quan thuế yêu cầu, bao gồm dữ liệu về kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ trả lãi, trả gốc, thực tế rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) và các thông tin liên quan khác (nếu có).

Ngoài quy định trên, Nghị định số 20/2025/NĐ-CP bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước phải phối hợp cung cấp thông tin được báo cáo theo quy định pháp luật về người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng; người có liên quan của cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng; Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo hệ thống thông tin dữ liệu quản lý của Ngân hàng Nhà nước khi cơ quan thuế đề nghị".

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 27/3/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Thủ tướng ủy quyền 3 Bộ, cơ quan thông báo mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia

Thủ tướng Chính phủ có công văn số 114/TTg-QHĐP ngày 12/2/2025 về việc ủy quyền thông báo mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/02/2025 (1)- Ảnh 2.

Thủ tướng ủy quyền 3 Bộ, cơ quan thông báo mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia

Công văn nêu: Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 195/TTr-BKHĐT ngày 8/1/2025 về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của từng chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022, số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022; kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 được cấp có thẩm quyền giao các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021 đến hết năm 2024 để rà soát, thông báo đầy đủ và điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2025 của các bộ, cơ quan, địa phương đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã đề ra của giai đoạn 2021 - 2025, phù hợp điều kiện về nguồn vốn và tình hình thực tiễn triển khai của các cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trường hợp việc điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể làm thay đổi tổng số vốn được giao tại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 hoặc dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước.

Các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền ở trên, gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 của các bộ, cơ quan, địa phương theo từng chương trình mục tiêu quốc gia, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến việc giảm tiền thuê đất năm 2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 12/2/2025 về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến việc giảm tiền thuê đất năm 2024 và ban hành Nghị định của Chính phủ quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm tiền thuê đất năm 2024 và ban hành Nghị định của Chính phủ quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024 như nội dung trình của Bộ Tài chính tại Tờ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ số 405/TTr-BTC ngày 27 tháng 12 năm 2024 và hồ sơ liên quan kèm theo.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xin ý kiến việc giảm tiền thuê đất năm 2024 và ban hành Nghị định của Chính phủ quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024.

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam

Ngày 12/02/2025, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 40/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/02/2025 (1)- Ảnh 3.

Quảng Nam cần xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025

Tỉnh Quảng Nam có vị trí chiến lược quan trọng, có nguồn lực phong phú với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi, riêng có, đặc thù và nhiều dư địa để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Quảng Nam là vùng đất "địa linh nhân kiệt", giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, trung dũng, kiên cường, đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị; các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XXII... Vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XXII; trên cơ sở đó đề ra kế hoạch, giải pháp thực hiện và nỗ lực, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất.

Thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ; tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp.

Quảng Nam cần xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025. Chú trọng duy trì, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới (phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; trí tuệ nhân tạo; chuyển đổi số; chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; các ngành kinh tế mới nổi như sản sản xuất chíp, bán dẫn; công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…).

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 2 để bảo đảm đi vào hoạt động bình thường từ tháng 3 năm 2025. Tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị định số 177/2024/NĐ-CP, số 178/2024/NĐ-CP, số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, trong đó có việc đi cơ sở.

Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dịch vụ và công nghiệp

Tỉnh Quảng Nam cần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dịch vụ và công nghiệp, lấy khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ làm nền tảng để thúc đẩy; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của tỉnh và các ngành trong tỉnh.

Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó chú trọng rà soát các vướng mắc về thể chế, báo cáo kịp thời với các bộ, cơ quan trung ương để xem xét, xử lý; chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng chiến lược (hạ tầng giao thông; hạ tầng y tế, giáo dục; hạ tầng xã hội; hạ tầng thể thao…).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Quảng Nam rà soát lại cách huy động nguồn lực theo phương châm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo và sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp. Huy động hiệu quả nguồn lực cho các dự án trọng điểm và hạ tầng chiến lược; tăng thu, tiết kiệm chi, mở rộng cơ sở thu, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, thương mại điện tử.

Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát theo phát động của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng công tác xây dựng nhà ở xã hội; thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Chú trọng và bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hoá, xã hội; coi trọng công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển nhanh nhưng phải bền vững; chú trọng phát triển xanh và tận dụng năng lượng mặt trời.

Bên cạnh đó, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, gắn với tổ chức Đại hội Đảng các cấp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phải cùng chung tay, giúp sức để xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Nam theo phương châm đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; xử lý công việc theo tinh thần không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm và phải có đầu ra cho các kiến nghị, đề xuất của Tỉnh, phải có thời hạn xử lý cụ thể.

Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Nam

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, về Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới đô thị cổ Hội An, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại văn bản số 976/VPCP-KGVX ngày 08/02/2025 của Văn phòng Chính phủ về tổ chức thẩm định và hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trong tháng 02/2025.

Về đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam: (i) Khẩn trương và chủ động triển khai thực hiện việc đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo thẩm quyền; (ii) Chủ trì phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính rà soát, giải quyết dứt điểm việc bàn giao phần diện tích đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Nam trong tháng 02/2025; (iii) Kêu gọi đầu tư khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo quy hoạch và định hướng hình thành hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay; (iv) Phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư trong 06 tháng đầu năm 2025 và hoàn thành việc xây dựng cảng hàng không trong thời gian 02 năm.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo việc hoàn thiện Quy hoạch cảng hàng không Chu Lai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và phê duyệt theo thẩm quyền trong Quý II năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tỉnh Quảng Nam trong quá trình triển khai thực hiện. Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo và giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai...

Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP

Văn phòng Chính phủ có văn bản số 996/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến nên nghiên cứu rút ngắn quy trình thẩm định, không kéo dài quá 2 tuần. Hội đồng thẩm định nên gọn lại, chỉ những người có chuyên môn, cơ quan có liên quan. Ngoài ra, cần phân cấp phân quyền mạnh mẽ, giao trách nhiệm cho địa phương./.