Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kết luận của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo trực tuyến với các địa phương
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 246/TB-VPCP ngày 12/8 kết luận của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) tại Phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo trực tuyến với các địa phương.
Tại Thông báo trên, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia ghi nhận, biểu dương và chia sẻ với những khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh của các lực lượng tuyến đầu, các địa phương, của người dân, doanh nghiệp trong hơn 2 năm phòng, chống dịch vừa qua. Đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường; tuy nhiên, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp khắc phục hậu quả của dịch bệnh vẫn đang tác động tới sức khỏe, tâm lý, đời sống người dân và nền kinh tế đất nước.
Dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới; dịch đang bùng phát trở lại tại nhiều nước phát triển, có nền y tế hiện đại. Trong nước, nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn; một số địa phương tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa bảo đảm tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; cùng với đó là nguy cơ suy giảm khả năng bảo vệ của vaccine theo thời gian.
Do vậy, Ban Chỉ đạo yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương cần tập trung nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh; đánh giá nghiêm túc, thực tế, khách quan về tình hình dịch bệnh; không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch đã được ban hành, nhất là thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống dịch theo thẩm quyền được giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Quy chế làm việc của Chính phủ.
Thực hiện tốt 3 mục tiêu
Thời gian tới, công tác phòng, chống dịch tập trung thực hiện các mục tiêu: (1) Không để dịch bệnh bùng phát trở lại; cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân; (2) Hoàn thành việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng chỉ định trên 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; (3) Bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tiếp tục khẳng định và quán triệt các quan điểm chỉ đạo: (1) Kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội; (2) Đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; (3) Phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; (4) Tiêm chủng vaccine phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân; tổ chức đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vaccine và phòng, chống dịch.
8 nhiệm vụ trọng tâm
Các ngành, các cấp, địa phương tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1- Các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch. Chú trọng truyền thông những thành tựu, kết quả đã đạt được của Đảng, Nhà nước, nhân dân; đồng thời biểu dương, lan tỏa các điển hình người tốt việc tốt, những tấm gương hy sinh, cống hiến vì tính mạng, sức khỏe người dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức theo tinh thần "lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực".
2- Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine, coi vaccine là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Y tế bảo đảm đủ số lượng, phân bổ kịp thời vaccine; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo về việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại địa phương, bảo đảm tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia. Các cơ quan báo chí, truyền thông bố trí thời lượng, thời điểm phát sóng phù hợp để tuyên truyền đẩy mạnh tiêm vaccine.
3- Khẩn trương triển khai các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế. Bộ Y tế tiếp tục đánh giá, phân tích, tìm nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu. Bộ Tài chính triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn kinh phí. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế trên địa bàn.
4- Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tích cực triển khai, đôn đốc các địa phương chưa làm tốt một số chính sách hỗ trợ, nhất là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã được phê duyệt tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
5- Bảo đảm an toàn, an ninh, an dân trong phòng, chống dịch bệnh; ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, xuyên tạc, thông tin sai sự thật để chống phá Đảng, Nhà nước.
6- Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo sinh kế, công ăn việc làm, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
7- Đảm bảo tài chính, hậu cần phòng, chống dịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch.
8- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực về tài chính, chuyên môn kỹ thuật; đồng thời thể hiện trách nhiệm đóng góp phù hợp với cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch.
Ban Chỉ đạo đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai vận động các nguồn lực cho phòng, chống dịch theo chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai hiệu quả công tác dân vận, nắm chắc tình hình cơ sở; tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên, biểu dương người tốt, việc tốt.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thể hiện trách nhiệm, thống nhất về nhận thức và hành động trong phòng, chống dịch bệnh; quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, xác định trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Rà soát các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các vấn đề vượt thẩm quyền để kịp thời giải quyết.
Kiện toàn thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương vừa ký Quyết định số 84/QĐ-HĐPH kiện toàn thành viên Hội đồng này.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm Ủy viên Hội đồng thay bà Bùi Thị Hòa-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam làm Ủy viên Hội đồng thay bà Vũ Việt Trang-Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Trung tướng Khuất Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam làm Ủy viên Hội đồng thay Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Nghiên cứu kiến nghị về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng cao
Sau khi xem xét các kiến nghị của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, tại Công văn số 5142/VPCP-NN ngày 12/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Công Thương về chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp và về hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân để có tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời.
Hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 5133/VPCP-CN ngày 12/8/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt.
Cụ thể, xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến như sau:
Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
Ý kiến của Phó Thủ tướng về chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 2 dự án tại Long An
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Trần Anh-Tân Phú và Dự án Khu dân cư-Tái định cư tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Sau khi xem xét kiến nghị trên, tại Công văn số 5140/VPCP-NN ngày 12/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và các cơ quan có liên quan kiểm tra thực địa khu đất thực hiện Dự án Khu công nghiệp Trần Anh-Tân Phú và Dự án Khu dân cư-Tái định cư tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; làm rõ việc tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở... trong việc quyết định chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án trên; trên cơ sở đó hoàn thiện hồ sơ thẩm định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.