Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Mức giảm giá cước dịch vụ bưu chính không vượt quá 50% giá cước gần nhất
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính.
Trong đó, Nghị định bổ sung Điều 15đ về khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính.
Cụ thể, việc khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.
Mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo theo quy định.
Công khai giá cước dịch vụ bưu chính
Nghị định cũng bổ sung Điều 15c công khai giá cước dịch vụ bưu chính.
Cụ thể, đối tượng thực hiện gồm: Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; đại lý cung ứng dịch vụ bưu chính có quyền quyết định, điều chỉnh giá cước dịch vụ bưu chính.
Nội dung công khai: Giá cước dịch vụ bưu chính bằng đồng Việt Nam, đã gồm các loại thuế, phụ phí của dịch vụ; thông tin liên quan khác (nếu có). Thời điểm công khai kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ.
Hình thức công khai: Dưới một hoặc một số hình thức như niêm yết tại điểm phục vụ, thông báo bằng văn bản, đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc các hình thức khác để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của mọi tổ chức, cá nhân.
Giá cước dịch vụ bưu chính được công khai phải thống nhất với giá cước mà doanh nghiệp, tổ chức đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
Bổ sung quy định thông tin về dịch vụ bưu chính, người gửi, người nhận
Nghị định cũng bổ sung Điều 15b thông tin về dịch vụ bưu chính, về người gửi, người nhận và liên quan đến bưu gửi.
Cụ thể, trước khi cung ứng dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp cho người sử dụng dịch vụ bằng một hoặc một số hình thức (như niêm yết tại điểm phục vụ, thông báo bằng văn bản, đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc các hình thức khác) các thông tin sau đây: Loại dịch vụ; chất lượng dịch vụ; giá cước dịch vụ; nguyên tắc bồi thường thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính; những thông tin liên quan khác.
Trước khi sử dụng dịch vụ bưu chính, người gửi có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính thông tin về người gửi, người nhận, thông tin liên quan đến bưu gửi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các thông tin đã cung cấp, cụ thể như sau:
Thông tin về người gửi, người nhận, gồm: Họ và tên, địa chỉ và số điện thoại (nếu có); thông tin liên quan đến bưu gửi, gồm: Nội dung gói, kiện hàng hóa. Trường hợp hàng hóa phải có các giấy tờ đi kèm khi vận chuyển theo quy định của pháp luật, người gửi có trách nhiệm cung cấp bản chính hoặc bản sao hóa đơn, chứng từ, giấy phép chuyên ngành, giấy chứng nhận hoặc giấy tờ khác có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
Thông tin về thời gian, địa điểm chấp nhận bưu gửi bằng một trong các hình thức: Đóng dấu ngày, viết tay, in, dán nhãn hoặc thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử.
Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm lưu trữ thông tin về người gửi, người nhận và thông tin liên quan đến bưu gửi tối thiểu 1 năm kể từ ngày được cung cấp.
Nghị định số 25/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6/2022.
Phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 448/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.
Mục tiêu là bảo đảm nhiệm vụ huy động vốn vay thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách Nhà nước, bao gồm huy động vốn vay để thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, bảo đảm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt; thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước.
Tổng mức vay giai đoạn 2022-2024 tối đa khoảng 2.044 nghìn tỷ đồng
Về dự kiến chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024, Quyết định nêu rõ: Tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 tối đa khoảng 2.044 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách Trung ương khoảng 1.927 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 117.000 tỷ đồng.
Tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 khoảng 1.116 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 971.000 tỷ đồng, trả nợ vay lại khoảng 145.000 tỷ đồng.
Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ. Về bảo lãnh Chính phủ, mức bảo lãnh Chính phủ bảo đảm tốc độ tăng dư nợ Chính phủ bảo lãnh không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước và trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt.
Đối với 2 ngân hàng chính sách, mức bảo lãnh hàng năm cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2022-2024 tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn hàng năm (15.737 tỷ đồng); mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2022-2024 tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn hàng năm (3.851 tỷ đồng) cộng với nghĩa vụ phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15) tối đa 38.400 tỷ đồng.
Quán triệt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương, khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2024 khoảng 0,3% GDP hàng năm.
Năm 2022, trả nợ của Chính phủ khoảng 335.815 tỷ đồng
Về Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022, Kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 673.546 tỷ đồng, gồm: Vay cho cân đối ngân sách Trung ương tối đa 646.849 tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương tối đa là 450.700 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc không quá 196.149 tỷ đồng; vay về cho vay lại 26.697 tỷ đồng.
Nguồn huy động linh hoạt từ các công cụ phát hành trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm, trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền phát hành bằng ngoại tệ; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; và trong trường hợp cần thiết vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trả nợ của Chính phủ khoảng 335.815 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 299.849 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại 35.966 tỷ đồng.
Về vay được Chính phủ bảo lãnh, mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 20.400 tỷ đồng (bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong năm 1.400 tỷ đồng cộng hạn mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội tối đa là 19.000 tỷ đồng). Trường hợp năm 2022 không sử dụng hết hạn mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển sang năm 2023 để thực hiện, bảo đảm tổng khối lượng phát hành thực tế trong 2 năm không vượt quá 38.400 tỷ đồng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong năm. Mức phát hành trái phiếu cụ thể đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, số rút vốn không vượt quá số trả nợ gốc trong năm.
Về Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay trong nước khác khoảng 28.637 tỷ đồng.
Trả nợ của chính quyền địa phương 6.111 tỷ đồng, gồm chi trả gốc 3.637 tỷ đồng và chi trả lãi 2.474 tỷ đồng.
Đối với vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa 7.300 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 25% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2021.
Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 13/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngăn chặn suy thoái môi trường
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể là chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi; tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Chiến lược thực hiện chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường như phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường; chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu; chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới.
Đồng thời, Chiến lược tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên; chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính…
Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 451/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, Khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha thuộc 2 huyện: Vạn Ninh và Ninh Hoà.
Vân Phong trở thành vùng động lực phát triển
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao.
Xây dựng Khu kinh tế Vân Phong theo mô hình phát triển thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến; nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển.
Kinh tế biển là nền tảng
Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.
Đến năm 2050 đưa Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động, thông minh, bền vững, bản sắc, có sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là khu vực đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao và hạnh phúc; là một khu kinh tế có tính cạnh tranh cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trên cơ sở rà soát, kế thừa các yếu tố hợp lý của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 17/3/2014; phân tích đánh giá các định hướng chiến lược của quốc gia và tỉnh Khánh Hòa đối với khu vực Vân Phong nhằm khai thác phát triển tối ưu các quỹ đất, tiềm năng phát triển từng khu vực; đề xuất các khu chức năng, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hợp lý cho khu kinh tế.
Nội dung nghiên cứu thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng và làm rõ một số nội dung sau: Đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng; phân tích, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và động lực phát triển; đề xuất mô hình phát triển và chiến lược phát triển Khu kinh tế Vân Phong./.