Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng sẽ là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước - Ảnh minh họa
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 13/5/2025 triển khai Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Dự án).
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP nhằm thể chế hóa và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án.
Đồng thời, xác định rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm, thời gian thực hiện để các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai; làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
3 nhiệm vụ thực hiện triển khai Dự án
Dự án có quy mô lớn, phạm vi trải dài, áp dụng công nghệ kỹ thuật mới, tích hợp nhiều chuyên ngành, là dự án đường sắt điện khí hóa triển khai đầu tiên tại Việt Nam trong điều kiện nguồn nhân lực đường sắt còn mỏng, yếu và thiếu với thời gian nghiên cứu, thực hiện ngắn; Dự án được Quốc hội cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai thực hiện. Để việc tổ chức thực hiện Dự án đáp ứng chất lượng, tiến độ yêu cầu, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ cụ thể.
1- Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Nghị quyết nêu rõ, các chính sách đặc thù, đặc biệt của Dự án quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 187/2025/QH15 đã được Quốc hội cho phép áp dụng tương tự như Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn như đối với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; riêng đối với chính sách quy định tại khoản 18 Điều 3 Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội được tích hợp vào Nghị định hướng dẫn thiết kế kỹ thuật tổng thể do Bộ Xây dựng chủ trì.
2- Triển khai thực hiện Dự án
Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Dự án và tổ chức triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu. Chính phủ yêu cầu cần thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư, bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung sau: Quyết định giao chủ đầu tư thực hiện dự án; Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong quá trình thực hiện; Chấp thuận Danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án; Chấp thuận hồ sơ thiết kế các yếu tố cơ bản của Dự án trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi (hướng tuyến, nhà ga,…) làm cơ sở để Chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương thực hiện.
Ủy ban nhân dân các địa phương: chủ trì tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên cơ sở hồ sơ từng phần trong phương án giải phóng mặt bằng do Chủ đầu tư bàn giao; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương quyết định đầu tư hoặc giao người đứng đầu cơ quan trực thuộc của địa phương quyết định đầu tư các dự án liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông,…) phục vụ Dự án và không phải lập chủ trương đầu tư.
Các tỉnh, thành phố chủ động ứng trước vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án.
Về tiến độ thực hiện, Chính phủ yêu cầu hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan trong tháng 5 năm 2025.
Thực hiện các thủ tục chỉ định thầu liên danh tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể trong tháng 5 năm 2025.
Khảo sát, lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể (bao gồm dự toán) từ tháng 6 năm 2025 và hoàn thành một số gói thầu trong tháng 9 năm 2025.
Phối hợp với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để đàm phán, ký kết Hiệp định xây dựng cầu chung tại biên giới hai nước trong tháng 7 năm 2025; phấn đấu hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan trong tháng 7 năm 2025.
Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong tháng 8 năm 2025.
Tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trong tháng 12 năm 2025.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lập, phê duyệt dự án xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tổ chức khởi công đồng loạt các khu tái định cư trong năm 2025; các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng bởi Dự án từ tháng 4 năm 2025 đến tháng 9 năm 2026.
Chính phủ yêu cầu triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.
Bộ Xây dựng rà soát, đăng ký nhu cầu vốn; Bộ Tài chính chủ trì tham mưu Chính phủ cân đối bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện.
3- Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) tại các ga đường sắt
Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chủ trì rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nếu cần) để triển khai dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD.
Tổ chức lập, phê duyệt dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD tại các ga đường sắt; bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển vùng lân cận và tổ chức đấu giá quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt để phát triển đô thị theo quy định của pháp luật.
Nút giao Túy Loan nối giữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc Túy Loan - Hòa Liên, cắt qua quốc lộ 14B
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 905/QĐ-TTg ngày 13/5/2025 về việc giao Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quản lý Nút giao Quốc lộ 14B với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (nút giao Túy Loan).
Quyết định số 905/QĐ-TTg nêu rõ: Giao Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quản lý Nút giao Quốc lộ 14B với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (nút giao Túy Loan) để đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội và khả năng bố trí nguồn lực của địa phương.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm tiếp nhận nút giao Túy Loan được giao và tổ chức thực hiện theo đúng mục đích được giao; bảo đảm quy mô, cấp công trình không thấp hơn quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được duyệt;
Bảo đảm nguồn lực để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì nút giao Túy Loan được giao; lập dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Tuý Loan theo quy mô hoa thị hoàn chỉnh kể từ khi được giao phù hợp theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được duyệt; bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ về tải trọng, phương tiện tham gia giao thông trên nút giao Túy Loan được giao quản lý với tuyến cao tốc Hoà Liên - Tuý Loan và Đà Nẵng - Quảng Ngãi và thực hiện các quy định của Luật Đường bộ, Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm bàn giao nút giao Túy Loan cho Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; lập hồ sơ điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng để quản lý, sử dụng và khai thác; thực hiện các quy định của Luật Đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 223/TB-VPCP ngày 13/5/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ Công tác số 2 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Theo Thông báo, Phó Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng của các Bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 2 trong giải ngân vốn đầu tư công. Biểu dương 7 địa phương thuộc Tổ công tác số 2 (Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Giang và Hòa Bình) đã triển khai rất tốt nhiệm vụ với tỷ lệ giải ngân cao hơn nhiều mức bình quân chung của cả nước. Đối với các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước (Đại học Quốc gia Hà Nội: 5,8%; Thành phố Hà Nội: 10,9%; Quảng Trị: 10,8%; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: 12,21%; Bộ Nông nghiệp và Môi trường 12,4%; Bộ Xây dựng: 14,5%) cần rút kinh nghiệm, đẩy nhanh triển khai thủ tục đầu tư, triển khai thi công trong thời gian tới.
Tổ công tác số 2 là một trong những Tổ công tác có lượng vốn giao lớn nhất trong 7 Tổ công tác của Chính phủ (được giao 253.255 tỷ đồng, chiếm 30,6% tổng kế hoạch vốn đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao của cả nước). Do vậy, kết quả giải ngân của Tổ công tác số 2 ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải ngân chung của cả nước.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan trung ương và yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; trong đó cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn một cách thực chất, hiệu quả theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Giải quyết các kiến nghị của các Bộ, cơ quan, địa phương
Các nội dung liên quan đến phân bổ, bổ sung vốn, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, kéo dài kế hoạch vốn năm 2024 sang năm 2025 và kiến nghị của tỉnh Quảng Trị cho phép địa phương được chủ động điều chuyển số vốn ngân sách Trung ương đã giao của Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua khu vực Cửa Tùng và Cửa Việt nhưng không giải ngân hết năm 2025 cho dự án khác trong nội bộ tỉnh, địa phương bố trí đủ phần vốn này năm 2026: Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp thu, nghiên cứu để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền nếu vượt thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 15 tháng 5 năm 2025.
Bộ Xây dựng chủ trì xử lý dứt điểm các nội dung vướng mắc liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại các dự án do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh quản lý trong tháng 5 năm 2025.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xử lý dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội trong tháng 5 năm 2025, bảo đảm không làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân dự án.
Các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan thuộc Tổ công tác số 2 để chủ động xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; đối với nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý theo đúng quy định pháp luật./.