• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2.

15/02/2022 08:45

Phê duyệt thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 14/2/2022 phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, (Phó Trưởng Ban thường trực); ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.  

Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Ngoài ra, Ủy viên Ban Chỉ đạo còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan; Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy.

Ủy viên Ban Chỉ đạo còn có: Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền; Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Ngô Minh Hiển; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đinh Đăng Quang; Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải; Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Ngô Văn Cương; Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ; Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng (Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ).

Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 14/2/2022 và thay thế Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 20/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Nghiên cứu thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 40/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia tại cuộc họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Thông báo nêu rõ, cần tiếp tục quán triệt quan điểm và thống nhất nhận thức về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc thực hiện cam kết tại COP 26, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đối tác chiến lược của ta để đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, nhất là tài chính, công nghệ, trình độ quản trị, đào tạo nhân lực..., phục vụ phục hồi phát triển kinh tế và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu. Đây là chủ trương nhất quán của ta đồng thời phù hợp xu thế tất yếu của thế giới.

Các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo cần tiếp tục khẩn trương thực hiện hiệu quả Chương trình công tác và các nhiệm vụ trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo (văn bản số 30/TB-VPCP ngày 30/1/2022 của Văn phòng Chính phủ).

Các Bộ, ngành liên quan, theo chức năng và nhiệm vụ đã được phân công trong Ban Chỉ đạo, báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các chiến lược, kế hoạch về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, trong đó có nội dung về các cam kết tại COP 26 của Bộ, ngành mình, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo nhằm giúp đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm pháp luật, quản trị quốc gia trong lĩnh vực này.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề xuất dự án hỗ trợ kỹ thuật đề nghị Vương quốc Anh và các đối tác phát triển giúp Việt Nam nội luật hóa các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, bao gồm các cam kết tại COP 26.

Bộ Thông tin và Truyền thồng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án truyền thông, bao gồm việc thiết lập các trang thông tin về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng xanh, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức tốt các phiên họp định kỳ và đột xuất, trước mắt là phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Long Thành

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 192/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai.

Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Hoàn thiện dự thảo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Ngày 14/2/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 41/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và tình hình thực hiện chuẩn bị đầu tư, thẩm định, thiết kế, đấu thầu của Dự án.

Trong đó, về thành lập Ban chỉ đạo Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Ban chỉ đạo), Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến các Bộ dự họp, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo và Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, trên cơ sở bám sát quy định của pháp luật, đúng chức năng, thẩm quyền, bảo đảm mục tiêu nhiệm vụ của Ban chỉ đạo kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành Dự án CHK quốc tế Long Thành vào năm 2025 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội; trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/02/2022.

Về áp dụng mô hình Ban Quản lý dự án (Ban Quản lý), Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô lớn, áp dụng công nghệ mới. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được giao thẩm quyền là Người quyết định đầu tư đối với Dự án thành phần 3, là dự án thành phần quan trọng nhất của Dự án. Do đó, ACV cần có Ban Quản lý dự án có đủ năng lực (về nhân sự; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị) và tư cách pháp nhân (có con dấu và tài khoản riêng); hoàn thành trước ngày 18/2/2021.

Phó Thủ tướng yêu cầu ACV khẩn trương thành lập để Ban Quản lý hoạt động trong thời gian sớm nhất. Trong đó, lưu ý các nội dung sau:

- Ban Quản lý quyết định theo thẩm quyền việc thuê Tư vấn giám sát, Tư vấn thẩm tra và chuyên gia giỏi để thực hiện các công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

- Trụ sở Ban Quản lý dự án phải đáp ứng đủ quy mô, điều kiện làm việc (Phòng, Ban chuyên môn; Hội trường; Khu lưu trữ hồ sơ, bản vẽ…). Đồng thời, Văn phòng làm việc của các nhà thầu tư vấn phải được bố trí tại vị trí thuận lợi với Ban Quản lý dự án để đáp ứng yêu cầu tiến độ công việc.

Về tiến độ thiết kế, thẩm định, yêu cầu ACV phối hợp và nộp báo cáo giữa kỳ thiết kế nhà ga hành khách cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng chậm nhất vào ngày 18/02/2022 để các đơn vị đóng góp ý kiến.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đầu tư các Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 14/2/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đầu tư các Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đã rất nỗ lực, tích cực trong công tác chuẩn bị hồ sơ, triển khai các thủ tục thẩm định các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025. Đây là các dự án có quy mô dự án rất lớn, trong đó có 05 Dự án quan trọng quốc gia và 04 dự án nhóm A. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có các tuyến đường bộ cao tốc này. Với tổng chiều dài các Dự án khoảng 865 km và 729 km của Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 khi hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn tới, đồng thời sẽ đạt được mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc đến năm 2025 và 5.000 km đến năm 2030 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023 nhằm góp phần phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng nền kinh tế; đồng thời, với vai trò, ý nghĩa của các tuyến đường bộ cao tốc trong phát triển kinh tế xã hội các vùng kinh tế (Vùng Thủ đô, Vùng Đông Nam Bộ, đồng Bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc), yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm chính trị, vì lợi ích của đất nước cần quyết tâm, tập trung hơn nữa trong quá trình triển khai các Dự án.

Báo cáo Dự án vành đai 3,4 trong tháng 2/2022

Cụ thể, đối với các dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, Hội đồng thẩm định nhà nước, các địa phương, cơ quan liên quan thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số 21/TB-VPCP ngày 24/1/2022, số 23/TB-VPCP ngày 25/1/2022, số 29/TB-VPCP ngày 30/1/2022 của Văn phòng Chính phủ, trong đó đặc biệt lưu ý phải hoàn thành đầy đủ thủ tục để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội trước ngày 20/3/2022.

Do thời gian rất gấp, đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước khẩn trương có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Hội đồng thẩm định nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/2/2022 đối với đường Vành Đai 4 Vùng Thủ đô và trong tháng 2/2022 đối với đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Lập Hội đồng thẩm định dự án đường Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Đối với 02 Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình để Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước trước ngày 16/2/2022.

Riêng Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề, Hội đồng thẩm định nhà nước được thành lập theo Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 03/9/2021 tiếp tục thẩm định Dự án theo hình thức đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ. Hội đồng thẩm định nhà nước, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương thẩm định các Dự án bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Đối với dự án có quy mô nhóm A, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương làm việc, tính toán kỹ lưỡng để thống nhất cụ thể các nội dung (hình thức đầu tư, quy mô đầu tư, phân tách dự án thành phần, nguồn vốn đầu tư, trách nhiệm triển khai…), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 3/2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương, kịp thời xây dựng, bố trí vốn cho từng Dự án; chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý dự án thực hiện các đoạn tuyến cao tốc qua địa bàn.

Các địa phương chịu trách nhiệm hoàn thành các thủ tục về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng tiến độ yêu cầu; quản lý chặt chẽ các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đáp ứng đủ nhu cầu các Dự án./.