Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.
Nghị định số 88/2025/NĐ-CP quy định rõ các điều kiện, căn cứ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.
Điều kiện hỗ trợ
Theo Nghị định số 88/2025/NĐ-CP, doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 193/2025/QH15 khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành triển khai tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G trên toàn quốc (tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) được nghiệm thu đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ ngày 19/2/2025 đến hết ngày 31/12/2025;
- Trạm 5G lắp đặt tại các vị trí hạ tầng sẵn có hoặc được triển khai mới. Mỗi trạm 5G chỉ được tính cho một nhà mạng duy nhất;
- Trạm 5G được lắp đặt ngoài trời (outdoor), sử dụng các thiết bị 64T64R, 32T32R, 16T16R, 8T8R, 4T4R. Mỗi trạm có từ 1 khối thu phát vô tuyến trở lên;
- Doanh nghiệp viễn thông đã đề xuất kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G với Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.
Căn cứ hỗ trợ doanh nghiệp
Căn cứ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G gồm:
- Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận kết quả triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G cho doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ tài chính;
- Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ, được xác định theo từng chủng loại và xuất xứ hàng hóa của nhà sản xuất (nước phát triển hoặc nước đang phát triển);
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G;
- Đã bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nghị định nêu rõ, ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G từ nguồn chi đầu tư phát triển khác của ngân sách trung ương.
Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G đáp ứng điều kiện hỗ trợ tài chính theo quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị định này là khoản hỗ trợ tài chính không hình thành tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thực hiện hạch toán khoản hỗ trợ tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán doanh nghiệp. Trường hợp hạch toán có vướng mắc, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm lập đoàn kiểm tra thực tế nếu có dấu hiệu doanh nghiệp báo cáo chưa chính xác về số lượng trạm phát sóng 5G đã triển khai trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính.
Các trường hợp doanh nghiệp phải bồi hoàn chi phí hỗ trợ
Đồng thời, Nghị định cũng quy định các trường hợp doanh nghiệp sau phải thực hiện bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính để triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G:
- Không đáp ứng điều kiện quy định ở trên khi được cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thực tế theo quy định;
- Giả mạo hồ sơ, sử dụng chứng từ bất hợp pháp; báo cáo, kê khai không chính xác thông tin, số liệu dẫn đến việc xác định số tiền hỗ trợ tài chính được hưởng cao hơn mức thực tế đáp ứng.
Ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp vi phạm các trường hợp quy định trên còn phải thực hiện bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G như sau:
Trường hợp doanh nghiệp không hoàn thành mục tiêu 20.000 trạm phát sóng 5G đáp ứng điều kiện quy định, doanh nghiệp phải nộp trả lại ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền đã được hỗ trợ, đồng thời nộp vào ngân sách nhà nước số tiền phạt bằng số kinh phí tính theo lãi suất tiền vay bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước cùng thời điểm, số tiền phạt vi phạm tính từ thời điểm doanh nghiệp nhận kinh phí hỗ trợ đến thời điểm nộp phạt.
Trường hợp doanh nghiệp hoàn thành vượt mục tiêu 20.000 trạm phát sóng 5G và đáp ứng điều kiện quy định, nhưng trong đó có số lượng trạm phát sóng 5G không đáp ứng điều kiện khi kiểm tra thực tế, doanh nghiệp phải nộp trả lại ngân sách nhà nước số tiền đã được hỗ trợ tương ứng với số tiền nhận hỗ trợ đối với các trạm phát sóng 5G không đáp ứng điều kiện theo quy định; đồng thời doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước số tiền phạt vi phạm tính trên số tiền đã nhận hỗ trợ đối với các trạm phát sóng 5G không đủ điều kiện và lãi suất tiền vay bình quân của ngân hàng thương mại nhà nước cùng thời điểm, số phạt vi phạm tính từ thời điểm doanh nghiệp nhận kinh phí hỗ trợ đến thời điểm nộp phạt.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xác định số tiền doanh nghiệp phải nộp bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra thực tế việc triển khai hạ tầng mạng 5G của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này.
Thời hạn doanh nghiệp phải nộp trả tiền vi phạm vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ xác định doanh nghiệp phải nộp bồi hoàn chi phí hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.
Quy định trên có hiệu lực từ ngày 13/4/2025.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 13/4/2025 về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ đánh giá cao Thanh tra Chính phủ đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bảo đảm về nội dung và tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, cơ quan liên quan đã tích cực tham gia ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) với tinh thần trách nhiệm cao.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã thể chế đúng chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Kết luận số 134-KL/TW ngày 28 tháng 3 năm 2025 về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ tại Tờ trình số 518/TTr-TTCP ngày 28 tháng 3 năm 2025.
Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Giao Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội chậm nhất là ngày 15 tháng 4 năm 2025.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 89/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12d Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Nghị định số 89/2025/NĐ-CP quy định các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được một trong các tổ chức sau: Nhà chức trách Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), Nhà chức trách hàng không Brazil, Nhà chức trách hàng không Canada, Nhà chức trách hàng không Liên bang Nga, Nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh, Nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC) cấp hoặc Bộ Xây dựng cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận loại.
* Trước đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 89/2019/NĐ-CP quy định: Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại tàu bay.
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính ký Quyết định số 756/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.
Tổng diện tích lập quy hoạch là 104,96 ha
Cầu Hiền Lương - Bến Hải.
Về quy mô quy hoạch, Quyết định nêu rõ: Tổng diện tích lập quy hoạch là 104,96 ha, thuộc địa bàn xã Hiền Thành và xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh), xã Trung Hải (huyện Gio Linh), tỉnh Quảng Trị và khu vực cảnh quan, không gian mặt nước và cây xanh có liên quan; trong đó:
- Khu vực bảo vệ của di tích có diện tích là: 21,99 ha; bao gồm các điểm di tích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
- Khu vực cảnh quan thiên nhiên, làng xã dọc hai bên bờ sông Hiền Lương (có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới quần thể các điểm di tích thành phần), không gian mặt nước sông Sa Lung, sông Bến Hải chảy qua di tích và khu vực mở rộng nhằm hoàn chỉnh tổng thể không gian cảnh quan lịch sử về khu vực "giới tuyến quân sự tạm thời và vùng phi quân sự", phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, có diện tích là 82,97 ha.
Xây dựng khu vực di tích trở thành công viên lịch sử - văn hóa đặc sắc
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử về cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại và hào hùng của dân tộc thông qua các di tích, điểm di tích hiện còn của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; góp phần hình thành địa điểm tham quan về nguồn, nghiên cứu, tìm hiểu, giáo dục truyền thống cách mạng, cũng như tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình của Nhân dân ta cho các thế hệ mai sau.
Xây dựng khu vực di tích trở thành công viên lịch sử - văn hóa đặc sắc, điểm du lịch về nguồn hấp dẫn, góp phần tôn tạo cảnh quan sinh thái hai bờ sông Bến Hải, đưa di tích trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Quảng Trị; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích cách mạng của tỉnh Quảng Trị, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và cả nước...
Tổ chức tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan di tích
Quy hoạch tổ chức không gian của các khu vực chức năng của di tích thành các điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan; trong đó:
- Cụm di tích bờ Bắc, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh: Tập trung các công trình kiến trúc lớn đáp ứng vai trò là Trung tâm đón tiếp với các công trình được xây dựng mới (Quảng trường Thống nhất, nhà trưng bày, khu quản lý và điều hành...) thực hiện chức năng đón tiếp, tổ chức sự kiện, dịch vụ hậu cần và hình thành một số không gian cây xanh.
- Cụm di tích bờ Nam, xã Trung Hải, huyện Gio Linh: Xây dựng các công trình kiến trúc thấp tầng đáp ứng vai trò là Trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương và vùng cảnh quan sinh thái.
- Khu vực phía Tây di tích: xây dựng Công viên văn hóa với một số công trình công cộng mới mang tính biểu tượng cho khát vọng Hòa Bình (Biểu tượng, khu cắm trại, Thể dục thể thao, bãi đỗ xe, sân tổ chức sự kiện...).
- Khu vực không gian chung: Thực hiện bảo vệ, giữ gìn cảnh quan và môi trường bao quanh di tích; xây dựng một số công trình bảo vệ bờ sông, bến thuyền du lịch và các công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cảnh quan.
Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
Về định hướng thị trường khách du lịch: Thị trường khách du lịch đến với di tích gồm khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa; trong đó khách nội địa là thị trường trọng điểm.
Về phát triển sản phẩm du lịch: Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc gắn với tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, trong đó lấy điểm di tích cột cờ Hiền Lương, nhà Liên hợp, đồn Công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh là trung tâm; hoạt động du lịch về nguồn, thăm chiến trường xưa, tham quan cảnh quan sinh thái nông nghiệp vùng ven sông Hiền Lương và khu vực phụ cận; du lịch đêm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Thành cổ Quảng Trị - Bến thả hoa sông Thạch Hãn...; du lịch sinh thái biển - đảo; du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn...
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên các hoạt động văn hóa truyền thống gắn với di tích, như: Lễ hội Thống nhất non sông; lễ hội Vì Hòa bình; lễ hội Hoa đăng; đua thuyền trên sông; hội Bài Chòi; trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể, tìm hiểu phong tục tập quán, trò chơi dân gian và phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với các đặc sản của địa phương.
Văn phòng Chính phủ có văn bản 3100/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giao cơ quan quản lý nút giao Túy Loan thuộc Dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện điều chỉnh Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi theo đúng quy định của pháp luật, trong đó điều chỉnh nút giao Túy Loan ra khỏi phạm vi đầu tư của dự án như ý kiến của Bộ Xây dựng; hoàn thành trước ngày 16/4/2025.
Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/4/2025 về nguồn vốn đầu tư nút giao Túy Loan.
Sau khi Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Quyết định về việc giao UBND thành phố Đà Nẵng quản lý nút giao Túy Loan, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/4/2025./.