• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4/2022.

16/04/2022 10:03

Quy định mới về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 26/2022/NĐ-CP về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định này hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 về thủ tục chấp thuận viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam và quy chế hoạt động của viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.

Lãnh sự danh dự thực hiện chức năng lãnh sự không vì mục tiêu lợi nhuận

Về nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự, Nghị định nêu rõ: Cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự chỉ được phép thực hiện các chức năng lãnh sự tại khu vực lãnh sự nhất định tại Việt Nam sau khi được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Lãnh sự danh dự thực hiện một số hoặc toàn bộ chức năng lãnh sự quy định tại Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, theo sự ủy nhiệm của Nước cử và được Bộ Ngoại giao chấp thuận. Lãnh sự danh dự thực hiện chức năng lãnh sự không vì mục tiêu lợi nhuận hay lợi ích về kinh tế mà nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Nước cử và Việt Nam.

Lãnh sự danh dự có thể đồng thời thực hiện chức năng lãnh sự được Nước cử ủy nhiệm và thực hiện các hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại sinh lợi của cá nhân tại Việt Nam; phù hợp với quy định tại các điều ước quốc tế mà Nước cử và Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam.

Cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự không được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho Lãnh sự danh dự ngoài phạm vi thực hiện chức năng lãnh sự hoặc khi thực hiện các công việc kinh doanh, thương mại của cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam và không được sử dụng danh nghĩa lãnh sự danh dự cho hoạt động nghề nghiệp thương mại của cá nhân hoặc ngoài phạm vi thực hiện chức năng lãnh sự.

Tiêu chuẩn của ứng viên Lãnh sự danh dự

Người được chấp thuận làm Lãnh sự danh dự phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1- Có quốc tịch Nước cử hoặc quốc tịch Việt Nam. Trường hợp là người có quốc tịch của nước thứ ba hoặc người có hai hay nhiều quốc tịch thì phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao theo trình tự thủ tục quy định. Sự đồng ý về quốc tịch này có thể bị rút lại vào bất kỳ lúc nào mà không cần nêu lý do. Trong trường hợp này, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm thông báo đến Nước cử.

2- Thường trú tại Việt Nam hoặc đã cư trú, làm việc ít nhất 1 năm tại khu vực lãnh sự.

3- Không phải là cán bộ công chức, viên chức hoặc người lao động nhận lương từ ngân sách nhà nước của bất kỳ nước nào.

4- Bố trí trụ sở làm việc hoặc nơi cư trú trong khu vực lãnh sự của Cơ quan lãnh sự mà người đó dự kiến đứng đầu.

5- Có lý lịch tư pháp rõ ràng.

6- Có khả năng tài chính, uy tín trong xã hội.

Các trường hợp Lãnh sự danh dự chấm dứt hoạt động

Nghị định cũng quy định Lãnh sự danh dự chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

+ Thời hạn nhiệm kỳ hoạt động chấm dứt và Nước cử không thông báo về việc gia hạn tư cách Lãnh sự danh dự của người này.

+ Lãnh sự danh dự bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

+ Lãnh sự danh dự có nguyện vọng thôi không làm Lãnh sự danh dự và được Nước cử chấp thuận.

+ Lãnh sự danh dự bị Bộ Ngoại giao thu hồi Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự. Việc thu hồi Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự có thể được Bộ Ngoại giao thực hiện bất kỳ lúc nào mà không cần nêu rõ lý do.

+ Nước cử có công hàm thông báo Cơ quan lãnh sự danh dự chấm dứt hoạt động.

Nghị định có hiệu lực từ 1/6/2022.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 15/4/2022 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa phát triển vùng Đông Nam Bộ thành vùng năng động, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Theo Quyết định, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ với phạm vi ranh giới về hành chính gồm: Toàn bộ lãnh thổ  đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc địa phận 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.

Quy hoạch vùng bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ

Quyết định nêu rõ việc lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ vùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng;

Bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế-xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế của cộng đồng dân cư. Quá trình lập quy hoạch cần kết hợp với các chính sách khác thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững của người dân.

Lập quy hoạch phải bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa thông tin

Nguyên tắc lập quy hoạch phải bảo đảm tuân thủ các quy định về quy trình, nội dung, nguyên tắc lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; bảo đảm tính khả thi trong triển khai, phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực trong giai đoạn 2021-2025; 2026-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng lập, tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch vùng theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ…; trình cấp có thẩm quyền thẩm định và trình phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Khẩn trương triển khai các giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng

Xét báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về ảnh hưởng của biến động giá nhiên, vật liệu xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông.

Cụ thể, tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, chủ  đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.

Bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu

Tại Công văn số 2327/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, cơ quan: Công Thương, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước và các văn bản chỉ đạo liên quan; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Bổ sung vốn Dự án đường kết nối Pháp Vân-Cầu Giẽ với Vành đai 3

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 15/4/2022 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 (Dự án).

Theo đó, Dự án trên được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 2.535.141 triệu đồng lên thành 3.248.668 triệu đồng. Nguồn vốn từ ngân sách TP. Hà Nội.

Đồng thời, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2025.

Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 141/QĐ-TTg ngày 21/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện đối với kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về thông tin số liệu báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; chịu trách nhiệm bố trí vốn đầy đủ và kịp thời theo đúng quy định hiện hành, triển khai thực hiện và hoàn thành Dự án đúng theo tiến độ được phê duyệt; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí.

Ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về quy hoạch Cảng hàng không Đồng Hới

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2343/VPCP-CN ngày 15/4/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về quy hoạch Cảng hàng không Đồng Hới.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch Cảng hàng không Đồng Hới.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Bình tiếp thu ý kiến của Bộ Giao thông vận tải; chủ động nghiên cứu, kêu gọi các hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ đi/đến Cảng hàng không Đồng Hới; làm việc với Bộ Giao thông vận tải khi khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển thành cảng hàng không quốc tế.

Giao cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự  án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát

Xét đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về việc giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, thực hiện đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh trong giai đoạn 2021-2030), tại Công văn số 346/TTg-CN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có ý kiến như sau:

Đồng ý giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu-Xa Mát.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm cân đối từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh để tham gia đầu tư Dự án; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải triển khai Dự án theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư.

UBND Quảng trị là cơ quan thẩm quyền triển khai Dự án đường Cam Lộ - Lao Bảo

Tại Công văn số 350/TTg-CN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung đề xuất.

Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, giám sát UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện Dự án phù hợp quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai 2 Chương trình mục tiêu quốc gia

Tại Công văn số 2386/VPCP-NN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị sẽ diễn ra vào sáng ngày 21/4/2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, tài liệu, hoàn thiện chương trình, kịch bản điều hành; bảo đảm Hội nghị được tổ chức thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19./.