Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 17/12/2024 thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc (Phó Trưởng ban Thường trực); Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Các ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Quốc phòng; Công an; Xây dựng; Giao thông vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Nội vụ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Văn phòng Chính phủ; Tư pháp; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban Dân tộc.
Ủy viên Ban Chỉ đạo còn có: Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến phòng, chống lãng phí.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác trong phòng, chống lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế.
Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan tổ chức có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác trong phòng, chống lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế.
Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 17/12/2024 phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục đích chung của Đề án là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhất là người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc cung cấp và sử dụng có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Mọi người dân đều được cung cấp thông tin, được hướng dẫn, hỗ trợ, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến để có khả năng tự sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu cá thể hóa; đồng thời tích cực tham gia, phản hồi để cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đến 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu xếp hạng Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến của Liên Hợp Quốc
Mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% cơ quan nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên tục cải tiến chất lượng để phục vụ người dân tốt nhất. 70% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
100% học sinh trung học phổ thông, sinh viên trên toàn quốc được phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua các hoạt động học tập, bồi dưỡng, tập huấn.
Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về xếp hạng Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến (OSI) của Liên Hợp Quốc.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện từ nay đến năm 2030 gồm: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua các hệ thống thông tin cơ sở; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua các phương thức khác; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; định hướng nội dung, hoạt động và xây dựng, biên tập các tài liệu tuyên truyền thuộc phạm vi của Đề án.
Để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Đề án tiến hành tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề hoặc lồng ghép vào các hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương để truyền thông cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của dịch vụ công trực tuyến.
Tổ chức hoặc cử cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia thiết kế, quản trị, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức.
Rà soát, nâng cấp, thiết kế, thiết kế lại giao diện, trải nghiệm người dùng của hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, ưu tiên các dịch vụ công thiết yếu, có nhiều người sử dụng. Đặc biệt chú trọng tới việc cung cấp thông tin hướng dẫn đơn giản, trực quan, dễ hiểu, dễ làm, giúp người dân có thể tự hiểu và tự thực hiện một cách dễ dàng, thuận tiện.
Triển khai Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để lưu giữ dữ liệu giải quyết dịch vụ công, phục vụ chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu trong thực hiện dịch vụ công.
Cung cấp các giải pháp, nền tảng hỗ trợ bộ, ngành, địa phương có thể theo dõi hiệu quả hoạt động, từ đó xác định những điểm còn hạn chế, có kế hoạch đưa ra các phương án nâng cao chất lượng và hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu. Định kỳ hằng tháng, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 17/12/2024 phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Hới, Chủ tịch HĐND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 17/12/2024./.