Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quy định mới về nghi lễ đối ngoại
Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2022/NĐ-CP ngày 18/2/2022 về nghi lễ đối ngoại.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/4/2022; thay thế nội dung Nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài (từ Chương 8 đến Chương 13) tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.
Nghị định này quy định nghi lễ đối ngoại, bao gồm:
+ Đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân, quá cảnh; đón, tiếp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương và một số đoàn khách quốc tế khác;
+ Tiễn, đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao;
+ Nghi lễ dành cho Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài, bao gồm Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, Trưởng cơ quan đại diện lãnh sự và Trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Nghị định số 18/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao (Điều 35) như sau: Bộ Ngoại giao chủ trì kiến nghị và dự thảo thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao kiến nghị, trình Tổng Bí thư duyệt điện mừng, thăm hỏi của Tổng Bí thư gửi Nguyên thủ một số nước, Người đứng đầu một số Đảng có quan hệ đặc biệt.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp Bộ Ngoại giao kiến nghị, trình Chủ tịch Quốc hội duyệt, ký thư mừng, thăm hỏi, chia buồn gửi Người đứng đầu Nghị viện các nước có quan hệ đặc biệt.
Ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
Quyết định nêu rõ 9 tiêu chí đánh giá phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh. Cụ thể, 9 tiêu chí đánh giá gồm: Quy hoạch đô thị; giao thông đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; an ninh, trật tự đô thị; thông tin, truyền thông đô thị; việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị; văn hóa, thể thao đô thị; y tế, giáo dục đô thị; hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.
Để được xét công nhận đạt chuẩn văn minh, phường, thị trấn phải đạt 9 tiêu chí trên; có đăng ký phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp huyện; thời gian đăng ký 2 năm, đối với công nhận lần đầu và 5 năm, đối với công nhận lại; có từ 90% trở lên người dân hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận phường, thị trấn đạt chuấn đô thị văn minh.
Đối với quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh, điều kiện xét công nhận và công nhận lại gồm: Có đăng ký quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đạt 9 tiêu chí trên; thời gian đăng ký 2 năm, đối với công nhận lần đầu và 5 năm, đối với công nhận lại; có 100% phường, thị trấn trực thuộc được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh và có 100% xã trực thuộc (nếu có) được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn nông thôn mới.
Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.
Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 219/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện và thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.
Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía bắc.
GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD
Về kinh tế, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 15-16%, trong đó: Công nghiệp-xây dựng tăng 17-18%/năm (công nghiệp tăng 18-19%/năm, xây dựng tăng 12-13%/năm); dịch vụ tăng 10-11%/năm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2-3%/năm.
Cơ cấu kinh tế năm 2030: Ngành công nghiệp-xây dụng chiếm khoảng 66-67% (công nghiệp chiếm 60%); ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 6-7%; ngành dịch vụ chiếm 24-25% và thuế sản phẩm 2-3%.
GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD (giá hiện hành).
Ngành công nghiệp phát triển theo hướng bền vững
Về phương hướng phát triển, Bắc Giang sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Phát triển ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững; phát triển đột phá một số dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao, đưa Bắc Giang trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng. Hình thành và phát triển các khu du lịch quốc gia, đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Phát triển đồng bộ cả dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và dịch vụ công.
Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại
Nền nông nghiệp được xây dựng theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Phát triển lâm nghiệp, thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Song song với đó là phát triển văn hóa, gia đình bảo đảm giữ gìn bản sắc của vùng đất và người Bắc Giang; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích đã xếp hạng bị xuống cấp, các di tích có giá trị phát triển du lịch. Tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Phát triển sâu rộng và bền vững hoạt động thể dục thể thao, phát triển thể thao thành tích cao, tập trung vào các môn thế mạnh, môn thể thao olympic…/.