Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính đất liền và không gian biển của TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
- Phía bắc, đông bắc và phía tây, tây nam giáp vùng trung du và miền núi phía bắc.
- Phía nam giáp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
- Phía đông giáp Vịnh Bắc Bộ.
Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch về mặt không gian được mở rộng đến các khu vực có ảnh hưởng và tác động đến vùng đồng bằng sông Hồng về các mặt kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường, quốc phòng-an ninh, liên kết vùng và hợp tác quốc tế.
Các phương pháp tiếp cận
Việc lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng được thực hiện dựa trên các phương pháp tiếp cận: Cách tiếp cận tổng thể, hệ thống, trong đó xem vùng đồng bằng sông Hồng là một bộ phận quan trọng của tổng thể phát triển quốc gia; các tiểu vùng, địa phương trong vùng là một bộ phận của tổng thể phát triển vùng; các yếu tố, điều kiện về kinh tế, xã hội và môi trường trên lãnh thổ vùng phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Cách tiếp cận chiến lược trong quy hoạch vùng cần tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm, mang tính chiến lược đối với sự phát triển dài hạn thông qua lựa chọn các bước đi và định hướng ưu tiên phát triển của vùng trong từng giai đoạn phù hợp với khả năng huy động nguồn lực.
Cách tiếp cận từ tiềm năng, lợi thế (bao gồm cả lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh) phải được phân tích, đánh giá trên cơ sở phát huy các thế mạnh, đặc điểm riêng của vùng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trình độ ứng dụng khoa học-công nghệ, bản sắc văn hóa... để xác định mục tiêu, phương hướng phát triển vùng; kết hợp giữa các tiềm năng, lợi thế của quốc gia, vùng với điều kiện của các địa phương trong vùng, qua đó, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội.
Cách tiếp cận dựa trên không gian phải được xem xét, đánh giá toàn diện các tác động của các phương án phát triển để đưa ra các giải pháp phù hợp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và cân bằng của toàn vùng, giữa các tiểu vùng và các địa phương trong vùng.
Cách tiếp cận tích hợp đa ngành nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực, hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các ngành; nâng cao hiệu quả tổng thể dựa trên sự phát triển tương hỗ giữa các ngành, lĩnh vực;...
Đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức
Nội dung chính của Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.
Theo đó, phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng.
Dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển vùng các mặt kinh tế, xã hội và môi trường và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển.
Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển vùng; xây dựng phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng; xây dựng phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; phương hướng xây dựng, tổ chức không gian.
Xây dựng phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng vùng; xây dựng phương hướng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng.
Xây dựng phương hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trên lãnh thổ vùng; xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư; luận chứng danh mục dự án quan trọng của vùng, thứ tự ưu tiên và phân kỳ thực hiện các dự án; xác định các giải pháp và dự kiến nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Chấp thuận chủ trương đầu tư 2 Dự án hạ tầng khu công nghiệp tại tỉnh Long An
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại tỉnh Long An.
Dự án hạ tầng khu công nghiệp Tandoland có quy mô 250 ha
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tandoland, tỉnh Long An; nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tandoland.
Dự án được thực hiện tại xã Lương Hòa và xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An với quy mô 250 ha.
Vốn đầu tư dự án là 3.144,549 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 550 tỷ đồng, vốn huy động 2.594,549 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Dự án hạ tầng khu công nghiệp Lộc Giang có vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Lộc Giang, tỉnh Long An; nhà đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn - Tây Bắc.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Lộc Giang có quy mô 466 ha tại xã Tân Mỹ, xã An Ninh Đông và xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Vốn đầu tư của dự án là 5.198,23 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 779,730 tỷ đồng, vốn huy động là 4.418,5 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày 19/4/2022.
UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An hướng dẫn Nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện 2 Dự án nêu trên, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tình hình triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 19/4/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tình hình triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Thông báo nêu rõ: Qua kiểm tra hiện trường đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho thấy: tiến độ xây lắp của 02 Dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Cam Lộ - La Sơn) cơ bản đáp ứng yêu cầu (đoạn Cam Lộ - La Sơn đã đạt 81,8%, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đạt 57,5%). Trên công trường đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, tinh thần, khí thế lao động tập trung cao, các hạng mục công trình lớn như: hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi, cầu Núi Đọi và toàn bộ nền đường đã dần được hình thành. Đối với 02 tuyến còn lại (Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) đạt 32-38,5% giá trị hợp đồng, trong đó đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 13,3% giá trị hợp đồng (chậm 02 tháng so với kế hoạch), do đó cần phải cố gắng, quyết tâm hơn nữa.
Phó Thủ tướng hoan nghênh, biểu dương Bộ Giao thông vận tải, các Ban quản lý dự án, nhà thầu của 04 Dự án đã cố gắng, nỗ lực, khắc phục những khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thường xuyên, cụ thể tại hiện trường; các Ban Quản lý dự án chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp điều hành sâu sát, quyết liệt. Về tổng thể, các dự án rất thuận lợi, trong đó giải phóng mặt bằng cơ bản xong (đạt 99,99%), nguồn vốn đã được bố trí đủ…, tuy nhiên, hiện còn một số tồn tại như: Tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết tỉnh Bình Thuận còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời, còn thiếu 0,9 triệu m3 tại 02 mỏ chưa được cấp phép; giá nhiên, vật liệu tăng cao…
Chính phủ đã thông qua mục tiêu trong năm 2022 hoàn thành, đưa vào khai thác 04 đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài 361 km. Đây là tiền đề rất quan trọng để bảo đảm đến năm 2025 hoàn thành 2.500 km đường bộ cao tốc. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan phải tập trung, nỗ lực cao hơn nữa trong thời gian tới để giải quyết triệt để một cách khách quan, đúng theo quy định pháp luật, quyết tâm phải hoàn thành mục tiêu này.
Bộ Xây dựng phát huy kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về quản lý chi phí xây dựng, trong đó có giá vật tư, vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng…, khẩn trương thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022 về biến động giá nhiên, vật liệu đối với các dự án công trình xây dựng giao thông để tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu khó khăn cho các nhà thầu xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hiện trường, chấn chỉnh kịp thời các đơn vị không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện Dự án theo nhiệm vụ giao tại Thông báo số 71/TB-VPCP ngày 14/3/2022.
Kiểm soát chặt chất lượng đường bộ
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá kinh nghiệm thời gian qua, tiếp tục phát huy phương thức, cách làm hiệu quả như: bám sát công trường, phối hợp chặt chẽ với địa phương; chỉ đạo các cơ quan đánh giá tiến độ theo cam kết của nhà thầu, chỉ đạo Ban quản lý dự án dứt khoát điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu không đủ năng lực…; tiếp tục kiểm soát khối lượng từng ngày, từng gói thầu, từng tuyến để kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp, kiên quyết xử lý thật nghiêm Ban Quản lý dự án, nhà thầu vi phạm cam kết và Hợp đồng đã ký.
Các Ban Quản lý dự án phải tiếp tục điều hành, quản lý quyết liệt, sâu sát, dứt điểm từng việc…; phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tiến độ, chất lượng công trình theo đúng cam kết. Các Ban Quản lý dự án đặc biệt lưu ý phải bảo đảm chất lượng công trình, dự án lên hàng đầu, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng; chất lượng công trình gắn với trách nhiệm của từng cá nhân; Ban Quản lý dự án cùng với Tư vấn giám sát, kỹ thuật viên phải kiểm tra thường xuyên, liên tục… bảo đảm tuân thủ đúng quy trình quy phạm, hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật…
Các đơn vị tư vấn, Nhà thầu phải nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như vinh dự trong triển khai dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Thời gian tới, tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn đồng thời phải tận dụng tối đa điều kiện thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp, bổ sung trang thiết bị, nhân lực đi đôi động viên, khuyến khích để người lao động tích cực nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh tiến độ, bù đắp khối lượng chậm… Song song với bảo đảm tiến độ, các đơn vị phải kiểm soát chặt về chất lượng, tuyệt đối không được để xảy ra sai phạm, thi công sai quy định ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án.
Chuyển mục đích sử dụng đất tại thành phố Hà Nội
Tại Công văn số 358/TTg-NN ngày 19/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chấp thuận UBND TP. Hà Nội quyết định chuyển mục đích sử dụng 39,51 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định thực hiện dự án và việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật đất đai cũng như quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật./.