Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các bộ ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá các công trình trụ sở hiện hữu thuộc phạm vi quản lý để sắp xếp lại, bố trí, sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng đảm bảo hiệu quả - Ảnh minh họa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 20/5/2025 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai sắp xếp, xử lý trụ sở, cơ sở vật chất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Để bảo đảm việc rà soát tổng thể và sắp xếp, bố trí lại trụ sở, cơ sở vật chất đã được trang bị phù hợp với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo Kết luận số 1340-KL/TW ngày 14 tháng 3 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trên cơ sở tận dụng tối đa tài sản hiện có đảm bảo hiệu quả, minh bạch, bền vững và phù hợp với thực tiễn của đơn vị hành chính cấp cơ sở, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Chủ động thực hiện sắp xếp, điều hòa các cơ sở nhà, đất trong nội bộ Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để bảo đảm trụ sở làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong quá trình thực hiện tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; hoàn thành trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính được phê duyệt.
b) Căn cứ thực tế biên chế, số lượng thực tế cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp để tổ chức rà soát, đánh giá các công trình trụ sở hiện hữu thuộc phạm vi quản lý để sắp xếp lại, bố trí, sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng đảm bảo hiệu quả; ưu tiên sắp xếp, bố trí cho y tế, giáo dục, văn hóa cộng đồng; có phương án, kế hoạch quản lý, xử lý sắp xếp ngay các trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và tài sản công, không để thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
c) Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá những công trình, dự án trụ sở đang thi công để xem xét, có biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể theo thẩm quyền và quy định pháp luật; xem xét, thực hiện thủ tục dừng kỹ thuật các hạng mục không thể tiếp tục triển khai thi công để tổ chức nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng và thanh quyết toán theo quy định. Tuyệt đối không để lãng phí ngân sách nhà nước, phát sinh khiếu kiện.
d) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền (nếu có).
đ) Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các bộ, cơ quan, địa phương kịp thời có văn bản gửi Bộ Tài chính để được hướng dẫn.
e) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, tăng cường công tác hạch toán, quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm kiểm kê đầy đủ, chính xác xe ô tô, tài sản hiện có để làm cơ sở bàn giao, tiếp nhận và lập phương án xử lý tài sản dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, không để thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp. Gắn công tác kiểm kê tài sản công với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
g) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, bảo đảm tiến độ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc phát sinh; thực hiện kiểm tra công tác tổ chức thực hiện của các bộ, cơ quan, địa phương.
3. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc; xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này.
4. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Một góc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng vừa ký văn bản số 562/TTg-QHĐP ngày 20/5/2025 về chủ trương điều chỉnh quy hoạch tỉnh Quảng Bình.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự, thủ tục rút gọn như đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình trên cơ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình thực hiện theo một số nguyên tắc và nội dung sau: Thực hiện đúng quy định tại Điều 51 Luật quy hoạch năm 2017 và Điều 54a Luật số 57/2024/QH15; bảo đảm không làm thay đổi quan điểm, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2023); bảo đảm tính liên kết, tính phù hợp, tính đồng bộ, kế thừa, ổn định giữa các quy hoạch.
Xác định rõ, cụ thể các nội dung mâu thuẫn, chưa phù hợp giữa Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2023) với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc về thời điểm thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Quảng Bình, do Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quy hoạch tại Kỳ
họp thứ 9; đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tiến hành rà soát, hoàn thiện báo cáo về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo địa giới hành chính mới (văn bản số 3782/VPCP-NN ngày 30 tháng 4 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia); tránh phải thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tỉnh nhiều lần.
Phó Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình: Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về: Nội dung đề xuất chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn tại văn bản số 898/UBND-TH ngày 10 tháng 5 năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình; nội dung Quyết định điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan; chỉ đạo lập, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Quảng Bình theo đúng các quy định pháp luật hiện hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo quy định.
Ngành sầu riêng cần làm chắc từ khâu sản xuất, siết chặt kiểm soát chất lượng và xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - doanh nghiệp - cơ quan quản lý
Ngày 20/5/2025, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4446/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với thông tin phản ánh của báo chí về "Sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất vàng O".
Trước đó, tổng hợp thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có thông tin “Sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất vàng O”. Trong đó nêu rõ phản ánh của báo chí: Sự sụt giảm của xuất khẩu sầu riêng không chỉ là chuyện chất lượng mà còn phản ánh rõ nét hệ lụy của một quá trình phát triển thiếu bền vững. Trong khi Thái Lan làm rất bài bản, quản lý từ gốc đến ngọn thì khâu sản xuất sầu riêng tại Việt Nam gần như chỉ do nông dân tự trồng theo kinh nghiệm truyền tai nhau, quy trình kỹ thuật thế nào, loại phân bón nào chứa cadimi đều không được công bố rộng rãi. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua khi phải gom nhiều nơi, chất lượng sầu riêng không đồng đều và khó kiểm soát được dư lượng.
Ngay cả thời điểm đầu năm nay khi Trung Quốc siết chặt kiểm định chất vàng O, cả Việt Nam cũng chỉ có vài trung tâm kiểm định là đủ năng lực xét nghiệm tập trung ở các thành phố lớn, ở các vùng nguyên liệu không có trung tâm nào kiểm định được.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nêu vấn đề hiện nay một lượng lớn sầu riêng được tiêu thụ trong nước, bán cho người dân ăn, nhưng lại không có đơn vị nào kiểm định chất lượng, đó là một lỗ hổng rất lớn. Nhiều ý kiến cho rằng ngành sầu riêng cần làm chắc từ khâu sản xuất, siết chặt kiểm soát chất lượng và xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - doanh nghiệp - cơ quan quản lý. Chỉ khi "sạch từ gốc", trái sầu riêng Việt mới có thể thực sự ngọt lâu, giữ vững được vị thế trong lòng người tiêu dùng quốc tế.
Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu thông tin báo chí nêu trên, chủ động chỉ đạo, xử lý theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao./.