• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/8

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/8/2022.

20/08/2022 19:58

Thông báo kết luận Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số 

 Ngày 20/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 253/TB-VPCP kết luận Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 08/8/2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp này.

Thông báo kết luận nêu rõ, chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường, các chuỗi cung ứng, sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, càng khó khăn, thách thức càng phải đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc cũng là quan điểm xuyên suốt. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích va chạm.

Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và mỗi cá nhân, tổ chức. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ trực tuyến thông qua tuyên truyền, hướng dẫn. Mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số.

Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc chuyển đổi số được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp và thực hiện một cách thực chất, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Phải nói đi đôi với làm, "không đánh trống bỏ dùi", đặc biệt tránh mọi biểu hiện hình thức. Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều nhưng người dân sử dụng ít; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông thấp. Các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế chia sẻ, dùng chung để khai thác hiệu quả dữ liệu và phải có nguồn lực để đầu tư tiếp.

Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ nay đến hết năm 2022 và thời gian tới, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực, chủ động hơn nữa, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, tạo ra phong trào, xu thế, bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của bộ, cơ quan, địa phương mình.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong triển khai chuyển đổi số; khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại các Phiên họp của Ủy ban, đặc biệt là 12 nhiệm vụ chưa hoàn thành và những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tập trung chỉ đạo xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số thực chất, hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực.

Tập trung kết nối với các nền tảng dùng chung; khẩn trương xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đẩy mạnh kết nối với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.

Cung cấp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp

Các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng và triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tránh lộ lọt thông tin.

Đẩy mạnh công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác, chỉ đạo, điều hành của địa phương và kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, cung cấp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả hơn, tích cực hơn để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số.

Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, đây là việc rất quan trọng. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm.

Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp; giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. Các cơ quan truyền thông nghiên cứu, bố trí dành thời lượng nhất định để truyền thông về chuyển đổi số.

Chú trọng nâng cao tốc độ mạng băng rộng cố định

Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp việc triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; thường xuyên đôn đốc, kịp thời báo cáo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo triển khai kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đến các xã chưa được kết nối (còn 3% xã), phấn đấu hoàn thành kết nối 100% xã trên toàn quốc trong Quý III/2022. Cùng các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư triển khai hạ tầng số để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, trong đó chú trọng nâng cao tốc độ mạng băng rộng cố định, mạng băng rộng di động.

Xây dựng, triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thúc đẩy hoàn thiện các Nghị định liên quan đến giao dịch điện tử.

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tiến độ triển khai Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 254/TB-VPCP ngày 20/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tiến độ triển khai Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Thông báo kết luận nêu rõ, Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 57,8 km; đi qua tỉnh Long An (2,7 km), Thành phố Hồ Chí Minh (26,4 km) và tỉnh Đồng Nai (28,7 km), là tuyến đường cao tốc quan trọng của khu vực với mục tiêu giúp phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai thi công các gói thầu của Dự án còn chậm so với tiến độ, tổng giá trị giải ngân đối với các hạng mục chính của Dự án (không bao gồm thuế VAT) là 15.826 tỷ đồng trong tổng kinh phí thực hiện các hạng mục chính của Dự án là khoảng 22.317 tỷ đồng (đạt khoảng 71%), nguyên nhân chậm do cả chủ quan và khách quan.

Đến nay, các vướng mắc về thủ tục bố trí vốn để tiếp tục triển khai Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hiệp định đã ký với ADB sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2023, đây là thách thức về tiến độ hoàn thành Dự án khi khối lượng công việc dở dang còn nhiều, do vậy cần đẩy nhanh tổ chức thực hiện và hoàn thành công trình, tránh lãng phí.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai tập trung, phấn đấu cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng cho Dự án trước ngày 30/8/2022.

Trên cơ sở kiến nghị của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC và các bộ ngành, cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2022 về tổng thể các khó khăn, vướng mắc về việc sử dụng các nguồn vốn cho Dự án, thời gian hoàn thành…; đề xuất kiến nghị giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc để thúc đẩy Dự án, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, tuân thủ các quy định hiện hành.

 Chỉ đạo của Phó Thủ tướng về kinh phí thanh toán Hợp đồng Dự án BT đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình, đoạn qua tỉnh Hòa Bình.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5401/VPCP-CN ngày 20/8/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về kinh phí thanh toán Hợp đồng Dự án BT đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình, đoạn qua tỉnh Hòa Bình.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan hướng dẫn UBND tỉnh Hòa Bình việc thanh toán kinh phí thanh toán Hợp đồng Dự án BT đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình, đoạn qua tỉnh Hòa Bình (Km 13 + 050 - Km 33 + 256), đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định 998/QĐ-TTg bổ nhiệm đồng chí Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam./.