Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vụ tai nạn làm chết 06 người, bị thương 09 người
Ngày 22/02/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 18/CĐ-TTg chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại km 235+100 QL6 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Công điện gửi: Bộ trưởng các Bộ: Công an, Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam nêu rõ:
Vào hồi 23h30 ngày 21 tháng 02 năm 2025 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Km235+100 trên Quốc lộ 6, đoạn qua xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, hậu quả làm chết 06 người, bị thương 09 người. Ngay khi nhận được thông tin vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo gửi lời thăm hỏi ân cần, chu đáo tới người bị thương và chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong; đồng thời chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Sơn La và lực lượng Công an tới hiện trường để chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Để kịp thời khắc phục hậu quả vụ tai nạn nêu trên và ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của Tỉnh:
a) Bố trí ngay mọi điều kiện về y tế, thuốc men để cứu chữa người bị nạn, hạn chế thấp nhất các tổn thất về người và tài sản của người dân; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên người bị nạn và gia đình các nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La trực tiếp chủ trì tổ chức hội nghị với các cơ quan, lực lượng chức năng đánh giá nguyên nhân, triển khai ngay các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập; đồng thời khẩn trương làm rõ các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp liên quan đến vụ tai nạn giao thông nêu trên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; làm căn cứ để tuyên truyền, thực hiện các giải pháp phòng ngừa trong thời gian tới.
2. Bộ trưởng Bộ Công an
a) Chỉ đạo Công an tỉnh Sơn La và Công an các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nêu trên; lưu ý xử lý nghiêm đối với lái xe, chủ xe hoặc nhà xe và các cá nhân có liên quan trong trường hợp để xảy ra vi phạm quy định về thời gian làm việc, điều kiện, sức khỏe của lái xe trong vụ tai nạn nêu trên;
b) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô, đặc biệt là xe chở người và xe chở hàng khối lượng lớn; rà soát hệ thống thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm quy định về thời gian làm việc của người lái xe.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát, tổ chức giao thông hợp lý, khoa học trên Quốc lộ 6 và các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, khắc phục các hạn chế (nếu có), tăng cường tính năng an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực có điều kiện giao thông phức tạp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là quy định về thời gian làm việc, điều kiện, sức khỏe của lái xe, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các vi phạm của lái xe, nhà xe, chủ xe và các cá nhân có liên quan để phòng tránh các vụ tai nạn tương tự, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; tăng cường công tác phòng ngừa, tuyên truyền về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, nhất là các địa phương địa bàn miền núi đường đèo dốc, trong điều kiện thời tiết hạn chế, đường trơn trượt.
5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền về bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian sau Tết, các kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ tại Công điện này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 52/TB-VPCP ngày 21/2/2025 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Thông báo nêu: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ấn tượng, tin tưởng và tự hào về những kết quả khu vực kinh tế tư nhân đạt được trong những năm qua; đóng góp gần 45% GDP của cả nước, thực hiện hơn 40% vốn đầu tư của toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động của cả nước; chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Chính phủ trân trọng cảm ơn những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội và trong những lúc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, lũ lụt (bão Yagi,..), những lúc đất nước có khó khăn, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân luôn sẵn sàng hỗ trợ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định đất nước ta đã đạt được những thành quả to lớn, có ý nghĩa chiến lược, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để đất nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; trong đó phấn đấu năm 2025 tăng trưởng GDP đạt trên 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số.
Thường trực Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân cần kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm với dân tộc; đóng góp tích cực hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thường trực Chính phủ đề nghị cộng đồng doanh nghiệp thực hiện 8 yêu cầu lớn sau:
(1) Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
(2) Đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng hạ tầng, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực;
(3) Tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng, đề xuất tham gia các công trình, dự án quan trọng quốc gia;
(4) Bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển của đất nước;
(5) Đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ;
(6) Tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, đặc biệt đóng góp để xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân;
(7) Ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia;
(8) Kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.
Thông báo nêu rõ, đối với những băn khoăn, trăn trở, kiến nghị của doanh nghiệp, Thường trực Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát để xây dựng thể chế thông thoáng, dễ thực hiện; xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chấm dứt cơ chế xin cho, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Phát triển hạ tầng, góp phần giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, phục vụ doanh nghiệp.
Với khát vọng về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Nhà nước phải kiến tạo, nhân dân ủng hộ, doanh nghiệp phải đồng hành đóng góp vào sự phát triển chung. Với tinh thần không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và không có tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong Quý II/2025, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để triển khai các dự án lớn (như làm đường ray, sản xuất toa tàu trong xây dựng đường sắt tốc độ cao; đào hầm, làm đường; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển năng lượng tái tạo, khí hydrogen, …).
Các Bộ, cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý hiệu quả, kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp, thông tin kịp thời kết quả xử lý cho doanh nghiệp; đồng thời gửi kết quả xử lý đến Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính để tham mưu, xử lý trước ngày 20/3/2025.
Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp kết quả xử lý các kiến nghị này, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 31/3/2025 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.