• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/02/2025 (2)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/02/2025 (2).

24/02/2025 23:45

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2025/NĐ-CP ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/02/2025 (2)- Ảnh 1.

Trụ sở Bộ Ngoại giao

Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đối ngoại trong hệ thống chính trị, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật; tham mưu định hướng chiến lược và tổ chức triển khai đường lối, chủ trương, chính sách và các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân và công tác đối ngoại tại địa phương theo quy định.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Ngoại giao

Nghị định nêu rõ, Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn:

Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trình cấp có thẩm quyền các dự thảo văn bản khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hằng năm và các dự án, công trình quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao hoặc theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ban hành thông tư và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao sau khi được phê duyệt; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

Quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật; định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Chủ trì, phối hợp nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Về đại diện trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ đại diện cho Đảng, Nhà nước trong quan hệ đối ngoại, ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước theo quy định; trình Chính phủ việc thiết lập, thay đổi mức độ hoặc đình chỉ quan hệ ngoại giao, lãnh sự với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; việc thành lập, tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định;

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền, đại diện của Chủ tịch nước tại các tổ chức quốc tế.

Về công tác ngoại giao kinh tế, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ xây dựng quan hệ chính trị đối ngoại và khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương phù hợp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; nghiên cứu, dự báo và thông tin về các vấn đề kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; phối hợp tham mưu, xây dựng chủ trương, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, xử lý các vấn đề nảy sinh liên quan đến kinh tế đối ngoại và vận động chính trị, ngoại giao hỗ trợ các hoạt động kinh tế đối ngoại theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền;

Tham mưu xây dựng các chủ trương, chính sách, kế hoạch về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và củng cố quan hệ chính trị đối ngoại; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động ngoại giao kinh tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế theo quy định.

Về công tác thông tin đối ngoại, Bộ Ngoại giao triển khai tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp dư luận báo chí nước ngoài phục vụ công tác thông tin đối ngoại; phát ngôn quan điểm, lập trường chính thức của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, đối ngoại; tổ chức họp báo quốc tế trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Ngoại giao và theo quy định của pháp luật.

Về công tác lãnh sự, Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ bảo hộ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định; thực hiện công tác hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự, ủy thác tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, con nuôi, xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài thuộc đối tượng do Bộ Ngoại giao quản lý theo quy định.

Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tổng hợp tình hình, đề xuất và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện công tác đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài, chăm lo, tạo điều kiện thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong các mối liên hệ với trong nước và ngược lại, đóng góp vào sự phát triển đất nước; hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Về biên giới, lãnh thổ quốc gia, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương theo quy định: đề xuất chủ trương, chính sách, chiến lược, biện pháp và thực hiện nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá tình hình biên giới, lãnh thổ quôc gia trên đất liền, hải đảo, vùng trời, các vùng biển của Việt Nam; giải quyết tranh chấp pháp lý về biên giới, lãnh thổ; đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, dư luận bảo vệ biên giới, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên đất liền, hải đảo, vùng trời, các vùng biển của Việt Nam; tham mưu, đề xuất xây dựng, triển khai chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc...

Cơ cấu tổ chức

Theo Nghị định, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao bao gồm: 1- Vụ Châu Âu; 2- Vụ Châu Mỹ; 3- Vụ Đông Bắc Á; 4- Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương; 5- Vụ Trung Đông - Châu Phi; 6- Vụ Chính sách đối ngoại; 7- Vụ Ngoại giao kinh tế; 8- Vụ ASEAN; 9- Vụ các Tổ chức quốc tế; 10- Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế; 11- Vụ Thông tin Báo chí; 12- Vụ Tổ chức Cán bộ; 13- Văn phòng Bộ; 14- Thanh tra Bộ; 15- Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin; 16- Cục Lãnh sự; 17- Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại; 18- Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hoá; 19- Cục Quản trị Tài vụ; 20- Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh; 21- Ủy ban Biên giới quốc gia; 22- Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; 23- Học viện Ngoại giao; 24- Báo Thế giới và Việt Nam; 25- Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Các tổ chức quy định từ 1 đến 22 nêu trên là các tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ 23 đến 24 là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao.

Các tổ chức quy định tại 25 là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý.

Vụ Châu Âu được tổ chức 5 phòng; các Vụ: Tổ chức Cán bộ, Luật pháp và Điều ước quốc tế được tổ chức 4 phòng; các Vụ: Châu Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Trung Đông - Châu Phi được tổ chức 3 phòng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao và ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc bộ, trừ Học viện Ngoại giao.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2025/NĐ-CP ngày 24/2/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/02/2025 (2)- Ảnh 2.

Nghị định nêu rõ, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.

Thông tấn xã Việt Nam có tên viết tắt tiếng Việt là TTXVN; tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là Vietnam News Agency, viết tắt là VNA.

Nhiệm vụ, quyền hạn của TTXVN

TTXVN thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, quy định của Chính phủ về cơ quan thuộc Chính phủ và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm, các dự án, đề án quan trọng của TTXVN và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

Đăng, phát văn kiện, thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước; thu thập, biên soạn thông tin phổ biến và thông tin báo cáo, tham khảo bằng bản tin thông tấn và các sản phẩm thuộc loại hình báo in, báo điện tử phục vụ kịp thời yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Công bố những quan điểm chính thống của Nhà nước về các vấn đề thời sự; chỉnh hướng những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia; phản bác, cải chính những thông tin sai lệch; khi cần thiết ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc.

Thu thập, biên soạn, xuất bản, in, phát hành các xuất bản phẩm, bản tin thông tấn và các sản phẩm thuộc loại hình báo in, báo điện tử, phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác ở trong và ngoài nước. Tổ chức sản xuất các sản phẩm nội dung thông tin số phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia; thu thập, biên soạn và phổ biến thông tin về Việt Nam bằng các ngôn ngữ khác nhau cho các cơ quan, tổ chức, cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước, người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.

Thực hiện lưu trữ tư liệu thông tin; xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin; quản lý tư liệu ảnh quốc gia và tổ chức khai thác các nguồn tư liệu này phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền đối nội, đối ngoại của TTXVN và đáp ứng nhu cầu của các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số.

Cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao và được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ này; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của pháp luật; trường hợp có đặc thù, TTXVN đề xuất và phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về cơ chế tự chủ tài chính đặc thù của TTXVN.

Quyết định, quản lý và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tham gia thẩm định các đề án, dự án, chương trình quan trọng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổ chức thực hiện nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động của TTXVN.

Thực hiện hợp tác quốc tế về các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TTXVN theo quy định của pháp luật.

Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của TTXVN theo mục tiêu và nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã được Chính phủ ban hành.

Thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức quản lý các doanh nghiệp do TTXVN thành lập và được giao quản lý.

Quản lý về tổ chức bộ máy, số lượng viên chức và người lao động, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức, cách chức, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ đối với viên chức, người lao động thuộc TTXVN quản lý theo quy định.

Tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công được giao ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan; điều phối các nguồn tài chính giữa các đơn vị trực thuộc TTXVN theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ được giao quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản và các cơ quan khác có thẩm quyền.

Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức

Theo Nghị định 27/2025/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của TTXVN gồm:

1. Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại.

2. Văn phòng.

3. Ban Tổ chức - Cán bộ.

4. Ban Kế hoạch - Tài chính.

5. Ban biên tập tin Trong nước.

6. Ban biên tập tin Thế giới.

7. Ban biên tập tin Đối ngoại.

8. Ban biên tập Ảnh.

9. Ban biên tập tin Kinh tế.

10. Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa.

11. Báo Tin tức và Dân tộc.

12. Báo Thể thao và Văn hóa.

13. Báo điện tử VietnamPlus.

14. Báo Việt Nam News and Law.

15. Báo Le Courrier du Vietnam.

16. Báo ảnh Việt Nam.

17. Nhà xuất bản Thông tấn.

18. Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực phía Nam.

19. Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

20. Trung tâm Nội dung số và Truyền thông.

21. Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn.

22. Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn.

TTXVN có hệ thống các Cơ quan thường trú TTXVN ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hệ thống các Cơ quan thường trú TTXVN ở nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị quy định từ 1 đến 4 nêu trên là đơn vị giúp việc Tổng giám đốc; các đơn vị quy định từ 5 đến 20 và các Cơ quan thường trú là các đơn vị thông tin; các đơn vị quy định từ 21 đến 22 là các đơn vị phục vụ thông tin.

Văn phòng có 6 phòng, Ban Kế hoạch - Tài chính có 4 phòng.

TTXVN có Tổng giám đốc và không quá 4 Phó Tổng giám đốc. Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc TTXVN do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.

Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của TTXVN. Các Phó Tổng giám đốc giúp việc Tổng giám đốc, chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Tổng giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các đơn vị trực thuộc.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025, thay thế Nghị định số 87/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022.

Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/02/2025 (2)- Ảnh 3.

Phạt nặng hành vi vi phạm trong giao dịch trên không gian mạng

Trong đó, Nghị định số 24/2025/NĐ-CP quy định tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý thì bị phạt 30-40 triệu đồng

Cụ thể, đối với hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, Nghị định số 24/2025/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các hành vi: Thực hiện thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng khi chưa được người tiêu dùng đồng ý theo quy định; sử dụng thông tin của người tiêu dùng không chính xác, không phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo.

Mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi: Không có biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, lưu trữ, sử dụng hoặc không có biện pháp ngăn ngừa các hành vi vi phạm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định.

Nếu chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định cũng sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

Nghị định 24/2025/NĐ-CP cũng nêu rõ: Phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt nêu trên trong trường hợp thông tin có liên quan là dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người tiêu dùng. Phạt tiền gấp 4 lần trong trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn thực hiện.

(Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng chỉ bị phạt từ 10-20 triệu đồng).

Phạt nặng hành vi vi phạm trong giao dịch trên không gian mạng

Nghị định 24/2025/NĐ-CP bổ sung Điều 53a quy định xử phạt hành vi vi phạm trong giao dịch trên không gian mạng.

Theo đó, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với chủ thể kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội; quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đề nghị giao kết hợp đồng.

Các hành vi không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh; đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng; ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng cũng bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng.

Mức phạt này cũng áp dụng nếu chủ thể kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số không thông báo trước hoặc không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Nghị định 24/2025/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100-200 triệu đồng đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian không xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số trung gian của mình.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Nghị định số 30/2025/NĐ-CP bổ sung quy định về tiêu chí, quy trình rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/02/2025 (2)- Ảnh 4.

Bổ sung tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp - Ảnh minh họa

Cụ thể, Nghị định số 30/2025/NĐ-CP quy định tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

Người lao động có thu nhập thấp là người lao động thuộc hộ gia đình (không bao gồm người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo):

- Khu vực nông thôn: có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.250.000 đồng trở xuống.

- Khu vực thành thị: có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 3.000.000 đồng trở xuống.

Nghị định 30/2025/NĐ-CP nêu rõ, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022 - 2025.

Ngoài ra, Nghị định 30/2025/NĐ-CP cũng bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp áp dụng theo quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025; giấy đề nghị xác định người lao động có thu nhập thấp, quyết định công nhận danh sách người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn; tổ chức thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trong khả năng bố trí ngân sách của trung ương và địa phương, bảo đảm đúng mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả theo quy định.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại chuyến thăm, kiểm tra công trình Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai tại tỉnh Hà Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 57/TB-VPCP ngày 24/2/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại chuyến thăm, kiểm tra công trình Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai tại tỉnh Hà Nam.

Thông báo kết luận nêu rõ, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của 2 Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại tỉnh Hà Nam, kịp thời triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, Chính phủ đã thống nhất có quyết sách chính trị với việc ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP.

Đánh giá cao nỗ lực, tích cực, chủ động của Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đã phối hợp chặt chẽ, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP nhằm sớm khởi động lại việc thực hiện 2 Dự án, khẩn trương đưa vào sử dụng, phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, không để lãng phí, đồng thời góp phần giảm quá tải bệnh viện, nhất là các bệnh viện cấp chuyên sâu và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân.

Phó Thủ tướng cơ bản nhất trí với ý kiến các Bộ, cơ quan về việc khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại kéo dài, tái khởi động Dự án, không để lãng phí tài sản, nguồn vốn nhà nước. Việc hoàn thành và đưa 2 công trình này vào sử dụng trong năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt, quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, Chủ đầu tư, các Nhà thầu và các bộ, cơ quan liên quan.

Để bảo đảm sớm hoàn thành việc xây dựng, bàn giao, đưa vào sử dụng 2 Bệnh viện này theo quy định, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp liên quan.

Tập trung tối đa nhân lực, trí tuệ sớm đưa 2 Bệnh viện vào sử dụng

Bộ Y tế, Chủ đầu tư, các Nhà thầu và các đơn vị liên quan tập trung tối đa nhân lực, thời gian, trí tuệ, lập kế hoạch, phân bổ thời gian, nguồn lực một cách tối ưu nhất để hoàn thành các nhiệm vụ, công việc trong thời gian ngắn nhất có thể, trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", không để "việc này chờ việc kia", thi công "3 ca, 4 kíp" rút ngắn thời gian hoàn thành đưa 2 bệnh viện vào hoạt động sớm hơn ít nhất 1 tháng so với kế hoạch (trước ngày 30/11/2025).

Bộ Y tế, Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan chủ động trao đổi, phối hợp, thống nhất tháo gỡ vướng mắc trong xử lý các tình huống cụ thể, cần thiết tổ chức họp, làm việc trực tiếp, không để tình trạng văn bản qua lại nhiều lần, gây chậm trễ, ách tắc trong công việc.

Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện tờ trình, tài liệu liên quan thẩm định dự toán xây dựng công trình phần cơ điện gửi Bộ Xây dựng tiếp tục thẩm định. Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức thẩm định và có báo cáo thẩm định theo quy định, chậm nhất trước ngày 3/3/2025.

Các Nhà thầu chủ động và phối hợp chặt chẽ cùng Chủ Đầu tư tăng cường nhân lực, vật tư, thiết bị, tổ chức triển khai đồng loạt các hạng mục, trên tinh thần "thi công 3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", đảm bảo an toàn lao động, chất lượng công trình để hoàn thành và sớm đưa 2 Bệnh viện này vào sử dụng.

Các Bộ: Xây dựng, Quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án, Bộ Y tế trong quá trình thực hiện, hoàn thành 2 Dự án này.

Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai chủ động phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư và các Nhà thầu ngay trong quá trình hoàn thiện công tác xây dựng, mua sắm thiết bị y tế; chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực y tế và các điều kiện khác để vận hành hiệu quả 02 bệnh viện ngay sau khi 2 Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng./.