Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bổ nhiệm lại Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Tại Quyết định 641/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Đào Minh Tú giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chương trình Công tác của BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia đến năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia vừa ký Quyết định số 55/QĐ-BCĐPTDS ngày 25/5/2022 ban hành Chương trình công tác đến năm 2025 của Ban Chỉ đạo này.
Theo Chương trình công tác từ năm 2022 – 2025, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm: Chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản; chỉ đạo công tác kiện toàn tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự; chỉ đạo công tác huấn luyện, tập huấn, diễn tập về phòng thủ dân sự; chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, biên soạn tài liệu về phòng thủ dân sự; chỉ đạo công tác hợp tác quốc tế; chỉ đạo công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự; tổ chức hội nghị, họp Ban Chỉ đạo.
Trong đó, Ban Chỉ đạo xây dựng các kế hoạch ứng phó với các thảm họa cơ bản giai đoạn 2021 – 2025; kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không, biển và ứng phó với thảm họa hàng không, hàng hải; diễn tập ứng phó thảm họa dịch bệnh nguy hiểm; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về phòng thủ dân sự và các thảm họa cho cộng đồng…
Quy chế hoạt động của BCĐ Quốc gia Dân số và Phát triển
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển vừa ký Quyết định số 56/QĐ-BCĐQGDSPT ngày 25/5/2022 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo này.
Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển (Ban Chỉ đạo Quốc gia) là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về dân số và phát triển.
Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia có trách nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Quốc gia; lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia; chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia để chỉ đạo phối hợp thực hiện các chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch, chương trình về dân số và phát triển và quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về thực hiện các nhiệm vụ được phân công và có trách nhiệm: Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia về triển khai thực hiện và đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch, chương trình về dân số và phát triển theo phân công; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia đôn đốc các cơ quan thực hiện công tác phối hợp về dân số và phát triển.
Còn các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về thực hiện các nhiệm vụ được phân công và có trách nhiệm: Thực hiện các nhiệm vụ về dân số và phát triển theo lĩnh vực được phân công; phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch, chương trình về dân số và phát triển theo lĩnh vực được phân công; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch, chương trình và các nhiệm vụ khác về dân số và phát triển của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách.
Ban Chỉ đạo Quốc gia làm việc thông qua các phiên họp thường kỳ và đột xuất dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia khi được Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia ủy quyền.
Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia; thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia để giúp việc Ban Chỉ đạo Quốc gia; cán bộ của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh biên chế.
Phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 6 dự án
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký các công văn 457/TTg-CN, 458/TTg-CN, 460/TTg-CN, 461/TTg-CN, 463/TTg-CN, 464/TTg-CN ngày 25/5/2022 phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 6 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án:
1- Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
2- Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
3- Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
4- Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
5- Dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
6- Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Quy định thí điểm về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An tại các Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 14/2022/QĐ-TTg ngày 25/5/2022 quy định thí điểm về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An tại các Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2.
Về phạm vi điều chỉnh, Quyết định trên nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất từ 50ha đến dưới 1.000 ha theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội khoá XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội khoá XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hoá.
Đối với dự án đầu tư, dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định trên, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc cơ quan chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác: thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng
Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá và Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định quy định: Tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
a- Bản chính văn bản đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;
b- Bản chính báo cáo đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kèm theo văn bản thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư: chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư công; giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực thực hiện);
c- Tài liệu về đánh giá tác động môi trường của dự án là một trong các tài liệu sau: Bản chính đánh giá sơ bộ tác động môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản sao giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về đầu tư;
d- Bản chính báo cáo thuyết minh, bản đồ hiện trạng rừng (tỷ lệ bản đồ 1/2.000 đối với diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng dưới 500 ha, tỷ lệ 1/5.000 đối với diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng từ 500 ha trở lên), kết quả điều tra rừng khu vực đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (diện tích rừng, trữ lượng rừng), loài cây trồng.
Đối với trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thì hình thức hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tổ chức có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có rừng thực hiện:
a- Niêm yết công khai việc chuyển mục đích sử dụng rừng tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã nơi có rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng, thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày làm việc;
b- Lấy ý kiến của chủ rừng, cộng đồng dân cư nơi có rừng. Nội dung lấy ý kiến: ảnh hưởng của việc chuyển mục đích sử dụng rừng đến đời sống của chủ rừng, tác động đến cộng đồng dân cư. Hình thức lấy ý kiến trực tiếp hoặc thông qua cuộc họp.
c- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc lấy ý kiến của chủ rừng và cộng đồng dân cư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định nội dung trình phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh./.