Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1682/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam; Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng.
Thành viên Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam; Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.
Ngoài ra, thành viên Hội đồng còn có đại diện lãnh đạo: Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam; Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Hội đồng Tư vấn du lịch; Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Hàng hải Việt Nam; Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long; Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội.
Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính là tổ chức tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Đồng thời, chủ động nắm bắt, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân để kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ hoặc trực tiếp đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Tham gia ý kiến về các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dự kiến ban hành trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa.
Hội đồng định kỳ hoặc đột xuất tổ chức làm việc với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương và thực hiện các nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao.
Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực Hội đồng, có trách nhiệm điều phối, bảo đảm điều kiện làm việc của Hội đồng, cơ quan thường trực, giúp việc, thư ký Hội đồng và huy động các cơ quan, đơn vị khác có liên quan tham gia các hoạt động của Hội đồng; nghiên cứu các sáng kiến cải cách quy định hành chính do các thành viên Hội đồng đề xuất trước khi Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ là cơ quan giúp việc của Hội đồng, thực hiện nhiệm vụ thư ký Hội đồng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 26/12/2023 và thay thế Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 4/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1463/QĐ-TTg ngày 29/9/2017, Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 28/5/2018 và Quyết định số 1118/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát là phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trở thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh trên cơ sở phát triển các lĩnh vực công nghiệp than, công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành nghề khác; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát triển bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sản xuất được 195,019 triệu tấn than thương phẩm
Quyết định cũng nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Đối với lĩnh vực công nghiệp than: Tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí "Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao". Liên thông các mỏ lộ thiên, hầm lò thành các mỏ có công suất lớn (mỏ lộ thiên công suất trên 3,0 triệu tấn/năm; mỏ hầm lò công suất trên 2,0 triệu tấn/năm).
Tiếp tục đầu tư các mỏ than theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sản xuất được 195,019 triệu tấn than thương phẩm, nhập khẩu 48,183 triệu tấn và tiêu thụ 243,060 triệu tấn.
Đẩy mạnh thăm dò, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn Tập đoàn hoàn thành 05 đề án thăm dò mỏ than và xin cấp phép mới 09 đề án thăm dò.
Lĩnh vực công nghiệp khoáng sản: Phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp kim loại màu tại Việt Nam và khu vực với khối lượng kim loại màu toàn Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến sản xuất được 138.958 tấn đồng tấm, 6.839 nghìn tấn Alumina.
Tập trung khai thác hiệu quả 02 dự án alumin Lâm Đồng và alumin Đắk Nông, cường hóa/nâng công suất các nhà máy. Đầu tư mở rộng các dự án Tân Rai, Nhân Cơ theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Tập trung làm việc với các bộ ngành, địa phương để tiếp tục xử lý các dự án khai thác, chế biến khoáng sản còn vướng mắc như: khai thác mỏ cromit Cổ Định; mỏ sắt Thạch Khê; mỏ titan Bình Thuận, mỏ đất hiếm Đông Pao.
Lĩnh vực công nghiệp điện: Quản lý, vận hành các nhà máy điện hiện có đảm bảo an toàn, phát huy công suất thiết kế. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 toàn Tập đoàn sản xuất được 49.405 triệu kWh (trung bình 9.881 triệu kWh/năm). Nghiên cứu triển khai một số lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ các giải pháp thực hiện. Theo đó, giải pháp về quản trị và quản lý doanh nghiệp bao gồm: Chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến và nhu cầu của thị trường, đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Chủ động cập nhật thông tin, khảo sát, phân tích và dự báo thị trường làm cơ sở để định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường quản lý tài nguyên, chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại.
Duy trì tốt mối quan hệ với bạn hàng, đối tác truyền thống; chủ động trong quan hệ quốc tế, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở trong nước và ngoài nước.
Thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động như thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ khâu đào lò, khai thác và vận tải tại các mỏ than hầm lò. Đầu tư thiết bị đồng bộ, công suất lớn và băng tải hoá khâu vận tải tại các mỏ lộ thiên; tự động hóa tối đa các nhà máy sàng tuyển, Điện lực, Alumina, hoá chất, xi măng và tối ưu hoá mô hình tổ chức quản lý các cấp để tiếp tục tiết giảm lao động, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.
Giải pháp về tài chính
Tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, hoặc thoái một phần vốn ở các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh chính để chỉ nắm giữ tỷ lệ cổ phần biểu quyết chi phối hoặc phủ quyết tùy theo tính chất quan trọng của từng công ty trong cơ cấu Tập đoàn. Sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn để đầu tư phát triển các dự án mới theo quy định của pháp luật.
Điều hòa vốn giữa các đơn vị trong Công ty mẹ, phù hợp với quy định của pháp luật để nâng cao hiệu suất sử dụng đồng vốn, tránh hiện tượng thừa hoặc thiếu vốn cục bộ, nâng cao vòng quay tiền mặt, giảm chi phí sử dụng vốn.
Bên cạnh phương thức huy động truyền thống từ nguồn tín dụng thương mại, TKV mở rộng thêm các kênh huy động vốn dài hạn khác như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn cho Tập đoàn và các công ty con.
Giải pháp về đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ
Triển khai các hệ thống tự động hóa giám sát, điều khiển cục bộ tại các đơn vị sản xuất. Xây dựng các hệ thống giám sát điều khiển tập trung đồng bộ, tích hợp tại các đơn vị; áp dụng tự động hóa gắn với sản xuất thông minh dựa trên nền tảng số hoá.
Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn Tập đoàn theo mô hình Trung tâm dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây với hạ tầng truyền thông tốc độ cao, hệ thống lưu trữ dữ liệu theo các công nghệ hiện đại, có khả năng lưu trữ và xử lý được dữ liệu lớn, đáp ứng xu hướng hội nhập và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng các hệ thống phần mềm dùng chung toàn Tập đoàn.
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; trong đó, ưu tiên tập trung các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tìm kiếm, thăm dò, phục vụ khai thác than đồng bằng sông Hồng, nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa, tự động hoá, tin học hoá; nghiên cứu chế tạo, nội địa hoá các vật tư, thiết bị để thay thế hàng hoá nhập khẩu...
Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1680/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư.
Mục tiêu Dự án nhằm từng bước hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.
Kết nối đường bộ cao tốc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh; tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đáp ứng kịp thời khi có sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu trong khu vực; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình với chiều dài khoảng 60,9 km; trong đó, trên địa bàn tỉnh Nam Định 27,6 km, trên địa bàn tỉnh Thái Bình 33,3 km.
Điểm đầu Dự án tại Km19+300 tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Điểm cuối tại khoảng Km80+200 tại nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc (TCVN 5729:2012), 04 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường Bnền=24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Dự kiến thời gian thực hiện Dự án từ năm 2023 đến năm 2027. Tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay là 18.927,63 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay 19.784,55 tỷ đồng.
Dự kiến nhu cầu sử dụng đất, mặt nước, tài nguyên khác khoảng 522,63ha; trong đó, tỉnh Nam Định là 251,15ha; tỉnh Thái Bình là 271,48ha.
UBND tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và các thông tin báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành; thực hiện đăng tải thông báo mời khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021.
Thực hiện trách nhiệm là cơ quan có thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt đầu tư Dự án, tổ thức triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước.
Bảo đảm cân đối, bố trí đầy đủ, kịp thời vốn ngân sách tỉnh tham gia Dự án theo đúng quy định của pháp luật để triển khai Dự án theo đúng tiến độ.
Tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, bàn giao mặt bằng thuộc phạm vi quản lý để thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
UBND tỉnh Nam Định phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thái Bình trong quá trình triển khai Dự án theo đúng quy định pháp luật.
Bảo đảm cân đối, bố trí đầy đủ, kịp thời vốn ngân sách tỉnh tham gia Dự án theo đúng quy định của pháp luật để triển khai Dự án theo đúng tiến độ.
Tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, bàn giao mặt bằng thuộc phạm vi quản lý để thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ lãnh thổ tỉnh Sơn La với 12 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Sơn La và 11 huyện (Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên và Bắc Yên).
Mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam – Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN.
Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.
Phát triển Sơn La tiếp tục trở thành tỉnh phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp hướng xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân tỉnh Sơn La cả giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng/người, đến năm 2030 đạt khoảng 100 -120 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt trên 6.250 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt trên 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 150.000 tỷ đồng; kinh tế số đến năm 2025 đạt khoảng 10-15% GRDP và đến năm 2030 đạt 20-30% GRDP; tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 20,6% và đến năm 2030 đạt khoảng 25,8%.
Về văn hóa – xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,7; tuổi thọ trung bình người dân đạt trên 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe đạt trên 68 năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm trung bình 2-3%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 60%, đến năm 2030 đạt trên 70%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt trên 40%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn đến năm 2025 đạt khoảng 50%, đến năm 2030 đạt khoảng 60%.
Về môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 48,5% và đến năm 2030 đạt ổn định 50%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%.
Tầm nhìn đến năm 2050, Sơn La là một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước.
Hệ thống đô thị phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội, cân đối lãnh thổ trên cơ sở khai thác các lợi thế của các vùng núi cao, vùng lòng hồ sông Đà và cao nguyên Mộc Châu vào mục đích phát triển nông nghiệp và du lịch.
Nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và công bằng; tăng trưởng với nhịp độ tăng dần đều; đáp ứng các chỉ tiêu xã hội ngày càng tốt hơn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; có môi trường đầu tư năng động; an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Phương hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, Quy hoạch nêu rõ, xây dựng ngành theo hướng nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao, hiện đại, bền vững; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế, có sản lượng lớn; gắn kết với các ngành khác nhằm tạo lập sự hỗ trợ lẫn nhau về cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, máy móc, vật tư...; gắn với phát triển nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của nông dân, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu tăng trưởng ngành giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 5,5 - 6,5%; giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 3,5 - 4,5%.
Phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông sản thế mạnh, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp quốc gia như: Cà phê, chè, mía đường, mắc ca, cây ăn quả, rau, dược liệu; phát triển nhóm sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp phục vụ tại chỗ như: Cây thực phẩm (rau, củ, quả, hoa, nấm...), cây lương thực (lúa gạo, ngô, khoai, sắn...), cây ăn quả khác phục vụ tiêu dùng tại chỗ hoặc làm thức ăn cho chăn nuôi gia cầm, gia súc, đại gia súc, nuôi trồng thủy sản…; phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ; phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Tập trung phát triển trồng rừng sản xuất; cải thiện sinh kế cho cộng đồng các dân tộc thiểu số và những đối tượng khác được hưởng lợi thông qua phí dịch vụ môi trường rừng; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; phát triển 3 loại rừng toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Về công nghiệp, tập trung ưu tiên thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có lợi thế của từng địa phương, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động, tiểu thủ công nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp; giảm tỷ trọng thô, tăng tỷ trọng sản xuất chế biến sâu, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sản xuất theo công nghệ tuần hoàn, xanh, sạch, bền vững. Phấn đấu tăng trưởng ngành giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân từ 11%/năm trở lên.
Hoàn chỉnh 05 loại sản phẩm du lịch
Về du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp 10%-13% GRDP của tỉnh; đón khoảng 12.200 nghìn lượt khách (trong đó khoảng 365 nghìn lượt khách quốc tế và 11.835 nghìn lượt khách nội địa); trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc, cả nước và quốc tế.
Hoàn chỉnh 05 loại sản phẩm du lịch (du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; du lịch chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại). Tiếp tục kế thừa phát triển 03 trọng điểm về du lịch: Thành phố Sơn La và phụ cận; Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gắn với vùng du lịch Mộc Châu và phụ cận; Khu du lịch quốc gia lòng hồ sông Đà. Phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.
Phát triển bốn vùng kinh tế
Quy hoạch nêu rõ, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội Sơn La theo mô hình tổ chức không gian phát triển "bốn vùng kinh tế, hai cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển".
Trong đó, bốn vùng kinh tế gồm: (i) vùng đô thị và quốc lộ 6 gồm thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu, là vùng động lực chủ đạo của tỉnh với thành phố Sơn La là cực trung tâm của tỉnh; (ii) vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận bao gồm huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Yên Châu, là vùng động lực chủ đạo của tỉnh và được xác định là cực đối trọng phát triển với cực trung tâm thành phố Sơn La; (iii) vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà bao gồm các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; các thị trấn Ít Ong, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên và khu du lịch lòng hồ sông Đà được xác định là cực vệ tinh của tỉnh; (iv) vùng cao biên giới bao gồm huyện Sông Mã và Sốp Cộp, là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; cực tăng trưởng của vùng là thị trấn Sông Mã, thị trấn Sốp Cộp và cửa khẩu Chiềng Khương là cực vệ tinh của tỉnh…
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về phản ánh liên quan đến điều chỉnh dự toán vốn vay lại năm 2023 từ nguồn vay nước ngoài của các địa phương
Công văn số 10097/VPCP-QHQT ngày 26/12/2023 của Văn phòng Chính phủ nêu: Xét báo cáo và kiến nghị của Bộ Tài chính về thông tin, báo chí phản ánh liên quan đến điều chỉnh dự toán vốn vay lại năm 2023 từ nguồn vay nước ngoài của các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến như sau:
Đối với các địa phương sử dụng vốn vay nước ngoài (vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài):
- Chú trọng đánh giá đúng khả năng giải ngân của các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để đề xuất giao kế hoạch vốn phù hợp, đặc biệt là các dự án đang có khó khăn, vướng mắc, các dự án đang phải điều chỉnh chủ trương đầu tư; tập trung rà soát, có giải pháp xử lý quyết liệt đối với các dự án không có khả năng giải ngân theo đúng quy định hiện hành.
- Đối với các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có năm kế hoạch là năm giải ngân năm cuối cùng: Tập trung đánh giá khối lượng công việc còn lại, khả năng hoàn thành trong năm kế hoạch để đề xuất số vốn giao kế hoạch vốn phù hợp.
- Các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng của khâu chuẩn bị dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để bảo đảm các dự án được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nghiêm túc rà soát lại cách thức lập kế hoạch vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để đảm bảo hiệu quả, phù hợp.
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; rà soát lại các khó khăn, vướng mắc và tình hình triển khai các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn để bảo đảm việc xây dựng cũng như đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài được phù hợp, nhất quán, tránh ảnh hưởng đến tiến độ công việc tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền của các cơ quan.
Khắc phục tình trạng điều chỉnh dự toán vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao:
- Hạn chế việc giao kế hoạch vốn đầu tư công kéo dài nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các địa phương để tránh tình trạng thiếu kế hoạch vốn vay lại.
- Đánh giá kỹ, thận trọng trong việc giao kế hoạch vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các dự án mới chưa ký Hiệp định vay nhằm tránh việc đề xuất kế hoạch vốn cao hơn khả năng giải ngân.
- Chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng điều chỉnh dự toán vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài nói chung và dự toán vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các địa phương nói riêng./.