Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phê chuẩn Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các quyết định phê chuẩn Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2021-2026.
Cụ thể, tại Quyết định 898/QĐ-TTg ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Thực hiện ngay biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn, bình ổn giá
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4679/VPCP-KTTH ngày 26/7 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới.
Đồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
Thúc đẩy chăn nuôi, tái đàn, bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá.
Giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán
Công văn nêu rõ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, cơ quan liên quan:
Chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.
Làm rõ những bất cập, hạn chế (nếu có) đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tổng hợp tình hình giả cả thị trường để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những diễn biến mặt bằng giá khi có biến động, phát sinh và các đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Công nhận 31 xã An toàn khu tại tỉnh Cà Mau
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 công nhận 31 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 08 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Cà Mau là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Cà Mau trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
31 xã được công nhận là xã An toàn khu gồm: 5 xã thuộc huyện Thới Bình (xã Biển Bạch Đông, xã Biển Bạch, xã Tân Bằng, xã Trí Phải và xã Trí Lực); 3 xã thuộc huyện U Minh (xã Nguyễn Phích, xã Khánh Lâm và xã Khánh Hòa); 8 xã thuộc huyện Đầm Dơi (xã Tân Đức, xã Tân Thuận, xã Tân Tiến, xã Nguyễn Huân, xã Thanh Tùng, xã Tạ An Khương, xã Trần Phán và xã Tân Duyệt); 6 xã thuộc huyện Trần Văn Thời (xã Khánh Bình Tây, xã Phong Lạc, xã Khánh Bình Đông, xã Khánh Hưng, xã Khánh Lộc và xã Trần Hợi); 3 xã thuộc huyện Phú Tân (xã Nguyễn Việt Khái, xã Phú Mỹ và xã Phú Thuận); 2 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Ngọc Hiển (xã Tân Ân, xã Viên An Đông và thị trấn Rạch Gốc); 2 xã thuộc huyện Cái Nước (xã Hưng Mỹ và xã Trần Thới); xã An Xuyên thuộc thành phố Cà Mau.
Các xã An toàn khu trên được thực hiện chính sách ưu đãi do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050".
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Chiến lược phấn đấu giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.
Bảo đảm 100% dân số được cung cấp nước sạch
Chiến lược phấn đấu đến năm 2050, quản lý hiệu quả tài nguyên nước và đất, cải thiện chất lượng môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững độ che phủ rừng ổn định ở mức 43% và đảm bảo lâm phận rừng quốc gia; bảo đảm 100% dân số được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh; 100% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở đảm bảo an toàn. Bảo hiểm rủi ro thiên tai cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài sản của doanh nghiệp và xã hội.
Về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Chiến lược phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng "0"; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh. Trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực nông nghiệp giảm 63,1%, lượng phát thải không vượt quá 56 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 90% lượng phát thải, tăng 30% lượng hấp thụ các-bon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -185 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực chất thải giảm 90,7%, lượng phát thải không vượt quá 8 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 84,8%, lượng phát thải không vượt quá 20 triệu tấn CO2tđ. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 200 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ cần phải nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững như: Ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao; quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên hiện có; phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu là tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc khí tượng thủy văn, động đất, sóng thần, hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với bão, mưa, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển; nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ giám sát, phân tích, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai…
Xây dựng kế hoạch quản lý, loại trừ các chất gây hiệu ứng khí nhà kính
Nhiệm vụ chung về giảm phát thải khí nhà kính, đến năm 2030 xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan giảm 30% mức phát thải khí metan so với năm 2020; xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý, loại trừ các chất gây hiệu ứng khí nhà kính, các chất làm suy giảm tầng ozon đến năm 2030; khuyến khích các cơ sở phát thải khác, đặc biệt là các cơ sở thuộc khu vực công, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính…
Xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính đặc trưng quốc gia cho các nguồn phát thải chủ yếu chiếm 0,1% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia; định kỳ cập nhật danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
Giảm phát thải khí nhà kính theo lĩnh vực: Năng lượng; nông nghiệp; lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp…
Chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vàm Cống, tỉnh An Giang
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vàm Cống, tỉnh An Giang.
Dự án được thực hiện tại phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang với quy mô 193,31 ha. Công ty cổ phần Tập đoàn T&T là nhà đầu tư Dự án.
Về vốn đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng của khu công nghiệp Vàm Cống, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang phối hợp với các cơ quan có liên quan yêu cầu Nhà đầu tư xác định chính xác tổng vốn đầu tư của Dự án, đảm bảo phù hợp với quy mô sử dụng đất của Dự án, quy định của pháp luật về xây dựng và lưu ý đảm bảo tỷ lệ vốn góp của Nhà đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.
Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang hướng dẫn Nhà đầu tư cụ thể tiến độ thực hiện Dự án theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh An Giang xem xét, quyết định thời hạn hoạt động của Dự án đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật; cân nhắc đến tốc độ đô thị hóa, nhu cầu hình thành các khu dân cư, đô thị khu vực xung quanh khu công nghiệp, tránh việc phải di dời các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cho các mục đích phát triển đô thị, dân cư khi chưa hết thời hạn hoạt động.
Xem xét lại việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Tại văn bản 4678/VPCP-CN ngày 26/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo xem xét lại việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Báo điện tử Thanh niên ngày 05/7/2022 đăng bài "Hệ lụy từ cấp quyền khai thác khoáng sản kiểu xin cho, trong đó phản ánh: Liên quan đến việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy việc cấp phép khai thác khoáng sản vẫn phổ biến tình trạng "xin cho".
Theo đó, đến tháng 6 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới tổ chức đấu giá thành công 6 khu vực khoáng sản, chiếm tỷ lệ 1,4% trong tổng số 421 giấy phép đã cấp. Tại địa phương, có 394/4.279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá, chiếm tỷ lệ 9,2%. Tức là có đến 98,6% giấy phép ở Bộ Tài nguyên và Môi trường và 90,8% giấy phép ở địa phương vẫn được cấp kiểu xin cho.
Theo VCCI, một phần nguyên nhân của thực trạng trên nằm chính trong các quy định của Luật Khoáng sản 2010. Đó là không quy định rõ tiêu chí khoanh định khu vực đấu giá và không đấu giá. Các chuyên gia hàng đầu về tài nguyên lẫn pháp luật cạnh tranh đều nhấn mạnh mấu chốt là "có một số bên" không muốn công khai minh bạch để có thể dễ dàng "chuyển lợi ích công thành lợi ích tư".
Về việc này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo xem xét lại việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả./.