• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/2/2024

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/2/2024.

28/02/2024 17:02

Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Pleiku đến năm 2045

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 27/2/2024 về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Pleiku đến năm 2045.

Theo Quyết định, phạm vi lập quy hoạch là địa giới hành chính thành phố Pleiku.

Ranh giới quy hoạch: Phía Bắc giáp huyện Chư Păh; phía Nam giáp huyện Chư Prông và huyện Đăk Đoa; phía Đông giáp huyện Đăk Đoa; phía Tây giáp huyện Ia Grai.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 26.077 ha (260,77 km2).

Thành phố Pleiku là đô thị loại I thuộc tỉnh

Quyết định nêu rõ, thành phố Pleiku là đô thị loại I thuộc tỉnh, đô thị động lực vùng Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Trung tâm chính trị, hành chính, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục đào tạo, công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh. Là đô thị hạt nhân trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Mục tiêu xây dựng thương hiệu thành phố Pleiku - thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững. Khai thác tốt thế mạnh điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường của khu vực Bắc Tây Nguyên để phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường làm trọng tâm, xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch - dịch vụ và với các giá trị văn hoá bản địa.

Khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng với cả nước nhằm huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội so với cả nước.

Định hướng giai đoạn sau năm 2045: Thành phố Pleiku có quy mô dân số khoảng 700 nghìn người đến 1 triệu người, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và có ảnh hưởng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, Đông Nam Á, đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển chính của khu vực Tây Nguyên, có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trên một số lĩnh vực.

Yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung

Những yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung gồm: Rà soát, xác định những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên...) của Quy hoạch chung năm 2018, để đề xuất điều chỉnh quy hoạch bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật của thành phố Pleiku phù hợp với tầm nhìn và thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu; khai thác tiềm năng, động lực phát triển của khu vực đô thị và nông thôn, đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội khu vực thành phố Pleiku bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Những yêu cầu cụ thể về nội dung nghiên cứu quy hoạch

Phân tích vai trò, vị trí và mối quan hệ liên vùng: Đánh giá lợi thế và hạn chế về vị trí địa lý của thành phố Pleiku; phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực, định hướng, chiến lược phát triển của quốc gia, vùng Tây Nguyên, vùng tỉnh Gia Lai có tác động đến sự phát triển của thành phố Pleiku. Đánh giá vai trò, vị thế, sức thu hút và lan tỏa của thành phố Pleiku trong vùng kinh tế Tây Nguyên, quốc gia và vùng tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội – môi trường – lịch sử văn hóa thông qua các chỉ số, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư, lao động, định cư, phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku.

Định hướng phát triển các trục không gian, hành lang phát triển đô thị của thành phố Pleiku; đề xuất giải pháp tái phát triển, chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, kỹ thuật, không gian mở, không gian công cộng cho đô thị hiện hữu; đề xuất ý tưởng, các mục tiêu, định hướng phát triển và mở rộng đô thị. Vị trí, vai trò các khu vực đô thị trong mối liên hệ tổng thể thành phố Pleiku…

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan tổ chức lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Pleiku đến năm 2045 theo quy định pháp luật.

Sửa quy định về tiền lương trong công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Sửa quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động

Nghị định số 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Loại trừ yếu tố khách quan khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch

Đồng thời, Nghị định số 21/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về xác định quỹ tiền lương kế hoạch.

Cụ thể, khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch, công ty loại trừ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện của năm trước liền kề, bao gồm:

Nhà nước điều chỉnh giá, hạn mức sản xuất, kinh doanh (đối với sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá hoặc quy định hạn mức sản xuất, kinh doanh), ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng hoặc giảm vốn nhà nước yêu cầu công ty di dời, thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh, điều chỉnh cơ chế, chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu năng suất lao động và lợi nhuận của công ty.

Công ty tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện việc đầu tư, tiếp nhận hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ; tiếp nhận, mua, bán, khoanh, giãn và xử lý nợ, tài sản, mua, bán sản phẩm, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện điều khoản về hồi tố theo quy định của Chính phủ; tăng khấu hao để thu hồi vốn nhanh theo quy định của pháp luật về thuế; điều chỉnh chính sách hoạt động theo các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các Hiệp định, Hiệp ước hoặc quy định của tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thực hiện đề án cơ cấu lại, bổ sung hoặc thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác; đầu tư mới, mở rộng sản xuất, kinh doanh; điều chỉnh hoặc phát sinh mới trích dự phòng rủi ro tài chính, tín dụng theo quy định của pháp luật; cung cấp sản phẩm, dịch vụ do nhà nước định giá và cơ chế điều chỉnh giá nhưng chưa được điều chỉnh giá đủ bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý khi yếu tố hình thành giá thay đổi theo quy định của Luật Giá; thực hiện phân bổ chi phí các dự án tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí không thành công theo quy định của Chính phủ, xác định thuế thu nhập doanh nghiệp theo hợp đồng dầu khí đối với công ty tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về thuế; doanh số mua nợ, xử lý nợ chưa được ghi nhận vào doanh thu, lợi nhuận đối với công ty mua bán nợ theo quy định của pháp luật; biến động doanh thu từ hoạt động tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán và các hoạt động nghiệp vụ lưu ký chứng khoán; chênh lệch trả thưởng so với thực hiện năm trước đối với công ty kinh doanh xổ số; thay đổi môi trường, điều kiện khai thác khoáng sản đối với công ty khai thác khoáng sản.

Sửa quy định về xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách

Ngoài ra, Nghị định số 21/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, cụm từ "người quản lý" tại tên gọi và các cụm từ "người quản lý" hoặc "người quản lý công ty" trong các điều, khoản, Phụ lục của Nghị định 52/2016/NĐ-CP được thay thế bằng cụm từ "người quản lý, Kiểm soát viên".

Về xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách, theo quy định mới tại Nghị định số 21/2024/NĐ-CP, căn cứ vào cơ cấu tổ chức quản lý, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xây dựng, ban hành bảng lương và xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách làm cơ sở để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong bảng lương do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong bảng lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách theo quy định.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung bảng lương của người quản lý, Kiểm soát viên, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Nghị định số 21/2024/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Đối với trường hợp Ban kiểm soát của công ty chỉ có 01 Kiểm soát viên theo quy định tại Điều 103 Luật Doanh nghiệp thì Kiểm soát viên được hưởng tiền lương, thù lao, tiền thưởng của chức danh Trưởng Ban kiểm soát.


Quy định về người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân

Chính phủ ban hành Nghị định 16/2024/NĐ-CP về người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Nghị định này quy định về:

Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều kiện hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đình chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Việc thực hành khám bệnh, chữa bệnh trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.

Đánh giá và chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Nghị định quy định cụ thể về thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh trong lực lượng vũ trang nhân dân.

+ Đối với chức danh bác sỹ tối thiểu là 12 tháng, trong đó: Thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 9 tháng; thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng.

+ Đối với chức danh y sỹ tối thiểu là 9 tháng, trong đó: Thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh là 5 tháng; thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng.

+ Đối với chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là 6 tháng, trong đó: Thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 5 tháng; thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 1 tháng.

+ Đối với chức danh dinh dưỡng lâm sàng là 6 tháng.

+ Đối với chức danh tâm lý lâm sàng là 9 tháng.

+ Đối với chức danh cấp cứu viên ngoại viện là 6 tháng, trong đó: Thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về cấp cứu ngoại viện là 3 tháng; thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng.

Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Bảo lưu kết quả thực hành tối đa 12 tháng

Trong quá trình thực hành vì lý do sức khỏe hoặc tình huống bất khả kháng, người thực hành được tạm dừng thực hành trong thời hạn tối đa 12 tháng và được bảo lưu kết quả thực hành trước đó.

Việc bảo lưu kết quả thực hành thực hiện như sau:

Người thực hành đề nghị bảo lưu kết quả thực hành bằng văn bản kèm theo tài liệu chứng minh lý do đề nghị bảo lưu.

Người đứng đầu cơ sở thực hành xem xét, quyết định cho phép bảo lưu. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn bảo lưu, nếu người thực hành không có văn bản đề nghị tiếp tục thực hành hoặc đề nghị gia hạn thời gian bảo lưu thì kết quả thực hành không còn giá trị.

Người thực hành được phép đề nghị bảo lưu kết quả thực hành nhiều lần nhưng tổng thời gian của các lần bảo lưu không quá 12 tháng.


Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND 2 tỉnh Gia Lai và Quảng Bình

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Gia Lai và Quảng Bình nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 27/2/2024, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 - 2026, đối với ông Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 27/2/2024, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phan Phong Phú, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình.

Bên cạnh đó, tại Quyết định số 197/QĐ-TTg ngày 27/2/2024, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phan Mạnh Hùng, để nhận nhiệm vụ mới.

Các Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.