• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4/2025 (2)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4/2025 (2).

29/04/2025 23:48

Quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4/2025 (2)- Ảnh 1.

Chính phủ ban hành quy định mới về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Theo Nghị định, ngân hàng có tên tiếng Việt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (viết tắt là Ngân hàng Phát triển). Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Development Bank. Tên viết tắt là VDB.

Ngân hàng Phát triển có trụ sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội; có sở giao dịch, chi nhánh tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu vực; đơn vị trực thuộc khác. Trang web: www.vdb.gov.vn.

Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, đại diện pháp luật

Ngân hàng Phát triển là ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Ngân hàng Phát triển có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Phát triển là Tổng giám đốc.

Ngân hàng Phát triển hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận

Nghị định nêu rõ, Ngân hàng Phát triển hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Phát triển được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán; được cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Phát triển không phải thực hiện dự trữ bắt buộc, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định pháp luật. Việc bổ sung vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ chế quản lý tài chính của Ngân hàng Phát triển.

Cơ cấu tổ chức quản lý của Ngân hàng Phát triển bao gồm: 1. Hội đồng quản trị; 2. Ban kiểm soát; 3. Tổng giám đốc.

Trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng Phát triển

Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm: Quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước giao cho Ngân hàng Phát triển; đảm bảo an toàn, bảo toàn vốn và tài sản theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan. Hoàn trả đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi đối với các khoản vốn mà Ngân hàng Phát triển huy động theo đúng cam kết. Tuân thủ các quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật...

Quyền hạn của Ngân hàng Phát triển là được mở tài khoản thanh toán và thực hiện nghiệp vụ gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; được mở tài khoản cho khách hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Được vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật. Được góp vốn thành lập doanh nghiệp trên cơ sở phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Phát triển

Hoạt động huy động vốn gồm: Phát hành trái phiếu dược Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật; phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật; vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật…

Hoạt động tín dụng gồm: Cho vay theo chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật; bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại; cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo quy định của pháp luật…

Hoạt động ủy thác và nhận ủy thác gồm: Thực hiện các hoạt động cho vay theo ủy quyền ủy thác, cấp phát vốn theo ủy thác; bảo lãnh theo ủy quyền ủy thác; ủy thác, nhận ủy thác cung ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

Cơ chế quản lý tài chính của Ngân hàng Phát triển thực hiện theo quy định của Chính phủ. Ngân hàng Phát triển thực hiện chế độ kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành (ngày 29/4/2025). Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4/2025 (2)- Ảnh 2.

Giáo viên và người học được Nhà nước bảo đảm sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học, tài liệu tham khảo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Nghị định số 96/2025/NĐ-CP sửa đổi phạm vi điều chỉnh Nghị định số 82/2010/NĐ-CP. Theo đó quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số (gọi là tiếng dân tộc thiểu số), bao gồm: Điều kiện, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chế độ, chính sách đối với giáo viên và người học tiếng dân tộc thiểu số; in ấn, phát hành và chuyển giao sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Nghị định 96/2025/NĐ-CP bổ sung Điều 4a "Tổ chức in ấn, phát hành sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số" như sau:

Đối với sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số được biên soạn theo phương thức xã hội hóa thì việc tổ chức in ấn, phát hành được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thì việc tổ chức in ấn, phát hành được thực hiện như sau: Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện việc in ấn, phát hành theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền quyết định, trình tự thủ tục thực hiện việc chuyển giao sách giáo khoa

Nghị định 96/2025/NĐ-CP cũng bổ sung Điều 4b "Thẩm quyền quyết định, trình tự thủ tục thực hiện việc chuyển giao sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo in ấn, phát hành".

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc chuyển giao sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trình tự, thủ tục thực hiện như sau:

a) Đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện việc chuyển giao sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lập 01 bộ hồ sơ, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hồ sơ gồm: Tờ trình kèm theo dự thảo Quyết định chuyển giao sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: bản chính; danh mục sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số (chủng loại, số lượng, tình trạng): bản chính; văn bản đề xuất tiếp nhận sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: bản chính; văn bản đề xuất nhu cầu sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: bản sao; hồ sơ khác có liên quan (nếu có): bản sao.

b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định chuyển giao sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Nội dung chủ yếu của Quyết định chuyển giao sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số gồm: Tên cơ quan chuyển giao: Bộ Giáo dục và Đào tạo; tên cơ quan tiếp nhận (Tên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); danh mục sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có Quyết định chuyển giao sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có đề xuất tiếp nhận) có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc hoặc đơn vị trực thuộc phối hợp với đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận.

Chi phí liên quan đến in ấn, phát hành và chuyển giao sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số do bên giao (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chịu trách nhiệm; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không phải thanh toán khi tiếp nhận.

Nghị định 96/2025/NĐ-CP cũng nêu rõ, giáo viên và người học được Nhà nước bảo đảm sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học, tài liệu tham khảo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng. Người học là cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật có liên quan.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành (ngày 29/4/2025).

Ban hành kế hoạch hoạt động năm 2025 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4/2025 (2)- Ảnh 3.

Rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật đã ký Quyết định số 47/QĐ-BCĐRSTCTHXLVMHTPL ngày 29/4/2025 ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Ban Chỉ đạo này.

Quyết định nêu rõ, mục đích của việc ban hành Kế hoạch nhằm xác định nội dung các công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Đồng thời tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2024 về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2024, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2025 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2025.

Nội dung, tiến độ công việc

Quyết định nêu rõ nội dung, tiến độ công việc năm 2025. Trong đó, triển khai Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật" Cơ quan chủ trì là Bộ Tư pháp. Thời gian thực hiện trong cả năm 2025.

Bên cạnh đó, tổ chức Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ: Nội dung của phiên họp cho ý kiến đối với kết quả rà soát, phương án xử lý đối với: Các quy định có tính chất hạn chế quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật, tạo thành "rào cản", gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (không quản được thì cấm); kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và các kiến nghị, đề xuất theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước… Cơ quan chủ trì là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Thời gian thực hiện trong tháng 6 năm 2025.

Tổ chức Phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ: Phiên họp này cho ý kiến đối với các nội dung: Báo cáo kết quả rà soát, phương án xử lý đối với các quy định, nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không còn phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ; báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án "Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật"; kết quả rà soát văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp được quy định tại Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013. Cơ quan chủ trì là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Thời gian thực hiện trong tháng 9 năm 2025.

Tổ chức Phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ: Phiên họp này cho ý kiến đối với báo cáo tình hình xử lý các kết quả rà soát đã thực hiện. Thời gian thực hiện vào tháng 11 năm 2025.

Ngoài ra, tổ chức lấy ý kiến về các kết quả rà soát, các dự thảo Báo cáo trình Ban Chỉ đạo, báo cáo cấp có thẩm quyền (bằng các hình thức như: Lấy ý kiến bằng văn bản; lấy ý kiến chuyên gia; họp, trao đổi, thảo luận; hội nghị, hội thảo).

Bên cạnh đó, tổ chức các phiên họp bất thường của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về các vấn đề đột xuất, phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Nhóm giúp việc căn cứ nội dung Kế hoạch này, Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công và chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao; kịp thời trao đổi, phối hợp với Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để xử lý những khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, xử lý.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4/2025 (2)- Ảnh 4.

Cổng vào Thành cổ Quảng Trị

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 29/4/2025 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên khu vực có diện tích khoảng 454,15 ha; thuộc địa giới hành chính các phường 1, phường 2, phường 3 và phường An Đôn (thị xã Quảng Trị), xã Hải Phú (huyện Hải Lăng), xã Triệu Trạch và xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị; là không gian bao quanh các khu vực có liên quan đến Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Mục tiêu lập quy hoạch di tích nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm năm 1972; tôn vinh tinh thần bất khuất, sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta để bảo vệ từng tấc đất quê hương; giáo dục cho thế hệ sau về lòng yêu nước.

Đồng thời cụ thể hoá Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023.

Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch

Theo quyết định, đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm:

Các di tích, điểm di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, tỉnh Quảng Trị; các giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc của các di tích.

Các di sản văn hóa phi vật thể: Các lễ hội truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương nơi có di tích.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đô thị; các yếu tố về kinh tế - xã hội, môi trường liên quan tới di tích; các thể chế và chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan.

Vị trí, vai trò, mối liên hệ giữa Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 với các di tích, công trình, địa điểm du lịch khác trong tỉnh Quảng Trị và vùng lân cận để kết nối, phát triển du lịch.

Nội dung Nhiệm vụ lập Quy hoạch di tích bao gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích, nhận diện đặc trưng, yếu tố gốc cấu thành di tích, các giá trị tiêu biểu của di tích làm cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di tích; dự báo và xác định các chỉ tiêu phát triển của khu vực lập quy hoạch: Nhu cầu sử dụng đất, phát triển du lịch; xác định các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, chỉ tiêu phát triển du lịch để áp dụng lập quy hoạch; xác định nội dung định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới…

Giải pháp thực hiện quy hoạch: Giải pháp về quản lý quy hoạch (mô hình quản lý, cơ chế phối hợp liên ngành, cơ chế huy động sự tham gia của cộng đồng); giải pháp về đầu tư; giải pháp huy động nguồn lực bảo vệ di tích; giải pháp phối hợp liên ngành; giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng; giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích.

Tổ chức thực hiện

Quyết định nêu rõ Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị có trách nhiệm bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch; phân công cơ quan chủ đầu tư; lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị trong quá trình nghiên cứu, tổ chức lập quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả; phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (ngày 29/4/2025)./.