• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2024

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2024.

30/12/2024 23:55

Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe

Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2024- Ảnh 1.

Người đang điều khiển ô tô mà sử dụng điện thoại bị phạt 4-6 triệu đồng

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định cụ thể mức xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Theo đó, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước; chở người trên buồng lái quá số lượng quy định.

Trường hợp người điều khiển xe không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; chở người trên xe ô tô không thắt dây đai an toàn (tại vị trí có trang bị dây đai an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Hành vi điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông...

Mức phạt 12-14 triệu đồng áp dụng đối với người điều khiển xe dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định.

Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

Người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng.

Người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, quay đầu xe trên đường cao tốc bị phạt từ 30-40 triệu đồng.

Mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn là từ 6 - 40 triệu đồng.

Điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè bị phạt từ 4-6 triệu đồng

Về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, Nghị định 168/2024/NĐ-CP nêu rõ:

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe có hành vi dừng xe, đỗ xe ở lòng đường gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường, vỉa hè trái phép.

Hành vi chở theo 02 người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 12 tuổi, người già yếu hoặc người khuyết tật, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật cũng bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.

Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác; chở theo từ 03 người trở lên trên xe; dừng xe, đỗ xe trên cầu sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Người điều khiển xe đi ngược chiều, đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 8-10 triệu đồng sẽ áp dụng đối với người điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 10 - 14 triệu đồng đối với người điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều" gây tai nạn giao thông.

Mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn là từ 2 - 10 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng quy định: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông như điều khiển xe không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; không có đèn soi biển số; đèn báo hãm sẽ bị phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Trường hợp điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không gắn biển số; gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng.

Điểu khiển xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm bị phạt 400-600 nghìn đồng

Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng quy định cụ thể mức phạt đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Theo đó, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định, đi dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên; dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác; chở người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy buông cả hai tay; chuyển hướng đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Người điều khiển xe đạp máy không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Mức phạt đối với người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông

Nghị định quy định phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy hoặc điều khiển xe ô tô, điều khiển xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô.

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi- lanh từ 50 cm3 trở lên hoặc có công suất động cơ điện từ 04 kW trở lên.

Mức phạt từ 4-6 triệu đồng áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô.

Quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 176/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2024- Ảnh 2.

Mức chi bồi dưỡng làm thêm giờ cho cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng khác tại địa phương trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban ngày không quá 100.000 đồng/người/ca

Nghị định này quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; nội dung chi, mức chi cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Đối tượng áp dụng

Nghị định quy định đối tượng áp dụng bao gồm:

Cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước: Bộ Công an; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan khác tại địa phương ngoài Bộ Công an tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bộ Công an được sử dụng kinh phí thu từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Nội dung chi của Bộ Công an cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Nghị định quy định rõ nội dung chi của Bộ Công an cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước:

Đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện; xây dựng, vận hành, quản trị, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông.

Xây dựng, cải tạo, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng các công trình, trung tâm chỉ huy, trụ sở, nơi làm việc, nơi tạm giữ phương tiện; thuê tài sản (nhà, đất, phương tiện, trang thiết bị và tài sản khác) phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chi xăng, dầu, nhiên liệu khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thực hiện công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; giải quyết vụ, việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; khắc phục sự cố, phòng, chống ùn tắc, xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Chi công tác phí, hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; vận hành đường dây nóng, các ứng dụng công nghệ, phần mềm trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông; chi vật tư, văn phòng phẩm, in hồ sơ, tài liệu; điện duy trì hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông; cước phí bưu chính, thông tin liên lạc phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm; nhập dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; hợp tác quốc tế về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông...

Nội dung chi của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan khác tại địa phương

Nghị định quy định nội dung chi của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan khác tại địa phương bao gồm:

Mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện; vận hành, quản trị, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin phục vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Cải tạo, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng các công trình, trụ sở, nơi làm việc phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nơi tạm giữ phương tiện; thuê tài sản (nhà, đất, phương tiện, trang thiết bị và tài sản khác) phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chi xăng, dầu, nhiên liệu khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; vận hành đường dây nóng, các ứng dụng công nghệ, phần mềm phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân bị chết trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; nạn nhân bị thương nặng, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn.

Tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng khác tại địa phương trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ.

Mức chi

Nghị định quy định cụ thể mức chi cho các nội dung trên. Theo đó, mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h00 đêm hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau), 1/2 ca (02 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.

Mức chi bồi dưỡng làm thêm giờ cho cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng khác tại địa phương trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban ngày không quá 100.000 đồng/người/ca, tối đa 10 ca/tháng; đối với ca đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h00 đêm hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau), 1/2 ca (02 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.

Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đông/01 vụ, việc.

Mức chi cho các nội dung chi khác thực hiện theo quy định pháp luật.

Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định 165/2024/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2024- Ảnh 3.

Nghị định số 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ

Theo Nghị định 165/2024/NĐ-CP, trong giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, việc thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ được thực hiện cùng công tác thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng.

Trước khi đưa công trình đường bộ vào khai thác, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đủ điều kiện để thực hiện thẩm tra an toàn giao thông. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện thẩm định an toàn giao thông trên cơ sở báo cáo thẩm tra an toàn giao thông của tổ chức tư vấn thẩm tra an toàn giao thông.

Nghị định số 165/2024/NĐ-CP quy định rõ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ; điều kiện cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ

Nghị định quy định tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải được thành lập theo quy định của pháp luật, bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đường bộ và đáp ứng điều kiện về năng lực như sau:

- Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và nhóm B, phải có ít nhất 10 người là thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 04 thẩm tra viên là kỹ sư công trình đường bộ, 01 thẩm tra viên là kỹ sư hoặc cử nhân vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 thẩm tra viên là người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông;

- Đối với dự án nhóm C và công trình đường bộ đang khai thác, phải có ít nhất 05 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 01 thẩm tra viên là kỹ sư công trình đường bộ, 01 thẩm tra viên là kỹ sư hoặc cử nhân vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 thẩm tra viên là người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.

Thẩm tra viên thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải được đào tạo và được cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ còn giá trị sử dụng.

Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định trên, còn phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Đảm nhận chức danh Chủ nhiệm lập dự án, lập đồ án thiết kế ít nhất 03 công trình đường bộ;

- Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành công trình đường bộ, có thời gian làm việc về thiết kế, thẩm tra thiết kế công trình đường bộ ít nhất 07 năm;

- Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành giao thông đường bộ (công trình đường bộ, vận tải đường bộ) và có thời gian ít nhất 10 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: quản lý giao thông, vận tải đường bộ, xây dựng đường bộ, bảo trì đường bộ; trong đó, đã tham gia một trong các công việc sau: thiết kế, thẩm tra hoặc thẩm định dự án xây dựng, dự án sửa chữa của ít nhất 03 công trình an toàn giao thông đường bộ;

Điều kiện của cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ

Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ các điều kiện đối với cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

Theo quy định, cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ phải là cơ quan, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật và đáp ứng các điều kiện sau:

Về cơ sở vật chất: Bảo đảm phòng học có diện tích tối thiểu đạt 1,5 m2/chỗ học, có thiết bị âm thanh, nghe nhìn gồm: màn chiếu, máy chiếu, máy vi tính, bộ tăng âm, micro kèm loa; phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập ngoài hiện trường, tối thiểu có: 50 áo phản quang, 01 máy đo độ phản quang của biển báo hoặc sơn kẻ đường.

Về đội ngũ giảng viên: Có số giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 40% số lượng chuyên đề của chương trình khung đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; tiêu chuẩn của giảng viên theo quy định tại Nghị định này.

Các trường hợp bị thu hồi giấy chấp thuận cơ sở kinh doanh đào tạo

Nghị định quy định thu hồi giấy chấp thuận cơ sở kinh doanh đào tạo đối với một trong các trường hợp sau đây:

1- Cơ sở kinh doanh đào tạo thực hiện đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ không theo chương trình khung ban hành theo quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục VIII kèm theo Nghị định này;

2- Cơ sở kinh doanh đào tạo công nhận kết quả thi cho người không tham dự khóa đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ;

3- Trong thời gian 03 năm liên tục, cơ sở kinh doanh đào tạo không thực hiện đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2024- Ảnh 4.

Nghị định quy định rõ về trình tự đầu tư xây dựng

Trong đó, Nghị định quy định rõ về trình tự đầu tư xây dựng. Theo đó, trình tự thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Xây dựng năm 2014 được quy định cụ thể như sau:

a- Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài (nếu có); lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có); khảo sát xây dựng phục vụ lập dự án; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng làm cơ sở lập dự án; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng; các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án.

b- Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc: chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có); khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng); ký kết hợp đồng xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; vận hành, chạy thử; nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng; quyết toán hợp đồng xây dựng; giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng; các công việc cần thiết khác liên quan đến thực hiện dự án.

c- Giai đoạn kết thúc xây dựng gồm các công việc: quyết toán hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, xác nhận hoàn thành công trình; bàn giao công trình đưa vào sử dụng; bảo hành công trình xây dựng, bàn giao các hồ sơ liên quan; giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng; các công việc cần thiết khác.

Trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp thực hiện theo quy định tại Điều 69 Nghị định này. Trình tự thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có cấu phần xây dựng (sau đây gọi là dự án PPP) thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (*).

Đối với các dự án không quy định tại mục (*) nêu trên, tùy thuộc điều kiện cụ thể và yêu cầu kỹ thuật của dự án, người quyết định đầu tư quyết định trình tự thực hiện tuần tự hoặc kết hợp, đồng thời đối với các công việc quy định tại điểm b và điểm c nêu trên, phù hợp với các nội dung tại quyết định phê duyệt dự án.

Đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay, trình tự đầu tư xây dựng được thực hiện phù hợp với nội dung quy định của hợp đồng.

Phân loại dự án đầu tư xây dựng

Nghị định quy định, dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 49 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, được phân loại nhằm quản lý các hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định này như sau:

Theo công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành, mục đích quản lý của dự án và các công trình thuộc dự án, dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy định tại Phụ lục X Nghị định này.

Theo nguồn vốn sử dụng, hình thức đầu tư, dự án đầu tư xây dựng được phân loại gồm: dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP và dự án sử dụng vốn khác. Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗn hợp gồm nhiều nguồn vốn nêu trên được phân loại như sau:

a- Dự án sử dụng một phần vốn đầu tư công là dự án đầu tư công, được quản lý theo pháp luật về đầu tư công,

b- Dự án PPP có sử dụng vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của pháp luật về PPP.

c- Dự án sử dụng vốn hỗn hợp bao gồm vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác: trường hợp có tỷ lệ vốn nhà nước ngoài đầu tư công lớn hơn 30% hoặc trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì được quản lý theo các quy định đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công; trường hợp còn lại được quản lý theo quy định đối với dự án sử dụng vốn khác. Tỷ lệ vốn nhà nước ngoài đầu tư công do người quyết định đầu tư xem xét quyết định làm cơ sở lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, gồm:

- Dự án đầu tư xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;

- Dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư không quá 20 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất), trừ dự án đầu tư xây dựng công trình di sản văn hoá thực hiện theo pháp luật về di sản văn hoá;

- Dự án đầu tư xây dựng nhóm C nhằm mục đích bảo trì, duy tu, bảo dưỡng;

- Dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa;

- Dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị hoặc dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có chi phí xây dựng (không bao gồm chi phí thiết bị) dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 10 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Nghị định cũng nêu rõ: Người quyết định đầu tư được quyết định việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với các dự án nêu trên khi dự án có yêu cầu đặc thù về kỹ thuật xây dựng hoặc thiết kế công nghệ cần lập thiết kế cơ sở; các dự án này không thuộc trường hợp phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, đảm bảo các nội dung thẩm định tuân thủ theo quy định pháp luật.

Áp dụng tiêu chuẩn, vật liệu và công nghệ mới trong hoạt động xây dựng

Theo Nghị định quy định, tiêu chuẩn áp dụng cho công trình phải được người quyết định đầu tư xem xét, chấp thuận khi quyết định đầu tư và được thể hiện trong quyết định phê duyệt dự án hoặc bằng văn bản riêng. Trong quá trình thực hiện dự án, trường hợp cần thiết, chủ đầu tư được đề xuất thay đổi, bổ sung các tiêu chuẩn áp dụng khi việc thay đổi, bổ sung tiêu chuẩn không làm thay đổi các nội dung dẫn đến yêu cầu phải điều chỉnh dự án theo quy định và phải được người quyết định đầu tư đồng ý bằng văn bản để làm cơ sở thực hiện.

Việc lựa chọn, áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài: Trong thuyết minh thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có), theo mức độ chi tiết của bước thiết kế, phải có đánh giá về sự tuân thủ với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tính tương đồng với các tiêu chuẩn có liên quan; ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài đã được áp dụng rộng rãi.

Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn cơ sở: Khi áp dụng tiêu chuẩn cơ sở thì phải có thuyết minh về sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tính tương thích, đồng bộ với các tiêu chuẩn có liên quan; việc công bố các tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình được quy định tại các pháp luật khác có liên quan.

Việc sử dụng vật liệu, công nghệ mới phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tương thích với các tiêu chuẩn có liên quan; đảm bảo tính khả thi, sự bền vững, an toàn và hiệu quả.

Xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Gia Lai dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và giáp hạt đầu năm 2025

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1688/QĐ-TTg ngày 30/12/2024 về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Gia Lai dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và giáp hạt đầu năm 2025. 

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2024- Ảnh 5.

Xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Gia Lai dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.128,945 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Gia Lai để cứu đói cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và dịp giáp hạt đầu năm 2025.

Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể theo quy định; theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm về căn cứ, thông tin, số liệu báo cáo.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức theo quy định./.