Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 403/TB-VPCP ngày 31/8/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thông báo nêu rõ, đến nay, công tác triển khai thực hiện chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả cụ thể. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành, một số tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là các khuyến nghị của EC. Cụ thể:
Tình trạng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) chưa được ngăn chặn hiệu quả, tiếp tục xảy ra với số lượng lớn; tình trạng tàu cá hoạt động sai vùng diễn ra thường xuyên; chất lượng Nhật ký khai thác chưa đảm bảo độ tin cậy, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo quy định; sản lượng thủy sản khai thác trong nước được giám sát phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc tỉ lệ còn rất thấp.
Chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho toàn bộ các tàu cá; chưa kiểm soát, xử lý dứt điểm tàu cá "03 không": không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác hải sản.
Một số tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý tiếp tục để tình trạng tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến không đảm bảo thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định đi khai thác thủy sản dẫn đến vi phạm khai thác IUU; để xảy ra vi phạm hợp thức hóa hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước, nhập khẩu cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên không chỉ từ nhận thức của người dân mà còn do sự thiếu tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; người đứng đầu các ngành, các cấp thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát; có tình trạng dung túng, tiếp tay của lực lượng thực thi pháp luật cho hành vi khai thác IUU… Nếu không khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay, nghiêm túc triển khai các quy định chống khai thác IUU, việc gỡ cảnh báo 'Thẻ vàng" rất khó khả thi, thậm chí bị nâng cảnh báo lên "Thẻ đỏ".
Tập trung chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài
Để đạt được mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" sau lần kiểm tra lần thứ 5 của Đoàn Thanh tra EC (dự kiến vào tháng 10 năm 2024); Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương có liên quan thống nhất nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế; trong đó tập trung thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đặc biệt tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định…; tăng cường lực lượng công an, biên phòng phối hợp với chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn) tại các địa bàn trọng điểm: vừa tuyên truyền vận động, vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích trước mắt quên lợi ích lâu dài, vì lợi ích cá nhân quên lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của cả nước.
Giao các Bộ: Công an, Quốc phòng chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm 100% các vụ việc liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, môi giới, móc nối và các hành vi vi phạm nghiêm trọng theo quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP.
Đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại đơn vị mình và việc nếu để tiếp tục xảy ra các sai phạm, không hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU): Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ, khả thi phục vụ công tác phòng, chống khai thác IUU; hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác liên ngành (do 01 đồng chí Lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn) kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, chuẩn bị kỹ chương trình, kế hoạch, nội dung tổng thể làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5; chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo tốt nhất, không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của cả nước.
Bộ Quốc phòng quyết định việc thành lập tổ công tác chuyên biệt để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tập trung chỉ đạo, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh với các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia… ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bộ Công an: Chỉ đạo công an các lực lượng và công an 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển khẩn trương điều tra, truy tố các tổ chức, cá nhân liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, các hành vi vi phạm về lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị VMS để khai thác hải sản bất hợp pháp theo đúng quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 6 năm 2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo đại sứ quán Việt Nam tại các nước có liên quan kịp thời thu thập thông tin về các trường hợp tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước sở tại bắt giữ do vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp; cung cấp kịp thời cho lực lượng chức năng trong nước.
Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục ưu tiên, bố trí kinh phí, nguồn vốn theo quy định cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng", đầu tư, nâng cấp hạ tầng thủy sản, phát triển bền vững ngành thủy sản.
Kiên quyết xử phạt dứt điểm (100%) các trường hợp vi phạm
Thủ tướng Chính phủ đề nghị đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ sau:
Rà soát toàn bộ các vụ việc vi phạm khai thác IUU từ sau đợt thanh tra của EC lần thứ 4 đến nay, trước hết tập trung xử lý các vụ việc ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…; tiếp tục điều tra, xác minh, kiên quyết xử phạt dứt điểm (100%) các trường hợp vi phạm; hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 9 năm 2024.
Tập trung tối đa nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện), điều động, tăng cường lực lượng tại địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn) tại các địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, công an vừa tuyên truyền, vận động, vừa kịp thời ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định vi phạm, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Các tỉnh: Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2024 đến nay, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan; hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 9 năm 2024.
Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi là Nghị quyết).
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo gồm: Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về triển khai Nghị quyết.
Chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về triển khai Nghị quyết.
Chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo, Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và các nhiệm vụ khác có liên quan tại Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện Nghị quyết; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn (nếu có).
Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác do Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết.
Cơ cấu thành viên Ban Chỉ đạo
Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ.
Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Phó Trưởng Ban thường trực); Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng.
Thành viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công an; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo
Quyết định nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành.
Các cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I
Ngày 30/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.
Phạm vi đánh giá phân loại đô thị là toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2. Khu vực nội thành là khu vực dự kiến thành lập 02 quận trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của thành phố Huế, có tổng diện tích tự nhiên là 266,46 km2.
Thành lập Hội đồng thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 về việc thành lập Hội đồng thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Chủ tịch Hội đồng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Nội vụ; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp; Giao thông vận tải; Quốc phòng; Công an; Tài chính; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm
Theo Quyết định, Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương được Chính phủ thông qua.
Bộ Nội vụ là cơ quan Thường trực của Hội đồng, tổng hợp, dự thảo kết quả thẩm định của Hội đồng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, báo cáo Chủ tịch Hội đồng.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định do ngân sách nhà nước cấp, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Bộ Nội vụ và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 31/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch được ban hành nhằm mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 153/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phân công trách nhiệm chủ trì và trách nhiệm phối hợp giữa tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành trung ương bảo đảm thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh. Đồng bộ hệ thống các quy hoạch trên địa bàn tỉnh; bảo đảm sự thống nhất giữa Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch
Theo Kế hoạch, một trong những nội dung chủ yếu là rà soát, bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn và các quy hoạch không còn phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật; thông báo công khai danh mục các quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh hết hiệu lực theo quy định Điều 59 Luật Quy hoạch.
Đến năm 2025, hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định của pháp luật, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh
Quyết định nêu rõ, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội, khoa học
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới của tỉnh.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư
Trong lĩnh vực công nghiệp: Sản xuất hóa chất, sau lọc hóa dầu, phụ trợ lọc hóa dầu; luyện kim, cơ khí chế tạo; công nghiệp năng lượng; các thiết bị, linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông, thiết bị tự động hóa trong sản xuất; thiết bị y tế, dược phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, giầy da (khu vực miền núi); các phụ kiện ngành may, giầy.
Trong lĩnh vực nông nghiệp: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao gắn với phát triển vùng nguyên liệu và chế biến sản phẩm; các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị; thu hút các dự án bảo quản, chế biến nông, lâm sản xuất khẩu; các dự án sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản,...
Trong lĩnh vực dịch vụ: Các dự án du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp gắn với thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái; thu hút các dự án phát triển phần mềm, công nghệ số, các dự án thương mại, dịch vụ logistisc tại các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP là trên 10,1% bình quân hằng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức công bố, tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi tới Nhân dân, các cơ quan, tổ chức liên quan, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, tạo đồng thuận và điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghiên cứu, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh. Chủ động rà soát, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh Quy hoạch tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và điều kiện thực tế tại địa phương.
Gỡ vướng trong cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý các sản phẩm chứa tiền chất Formic Acid
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 6254/VPCP-KGVX ngày 31/8/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về việc cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý các sản phẩm chứa tiền chất Formic Acid.
Theo công văn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giao Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thực hiện cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu và có biện pháp quản lý đối với các sản phẩm có chứa tiền chất Formic Acid theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2021, Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì khẩn trương rà soát và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp quản lý phù hợp các tiền chất ma túy được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các sản phẩm hàng hóa khác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính kịp thời rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để có căn cứ quản lý các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có chứa tiền chất ma túy, bảo đảm đồng bộ, xuyên suốt, phù hợp với các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy, hóa chất, chăn nuôi, thủy sản./.