Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất và Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 12/2024/NĐ-CP ngày 5/2/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất và Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. 4 phương pháp định giá đất
Nghị định 12/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 4, Điều 5 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về phương pháp định giá đất và điều kiện áp dụng từng phương pháp đó.
Cụ thể, phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá.
Phương pháp so sánh được áp dụng để định giá đối với trường hợp có tối thiểu 03 thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá (sau đây gọi là thửa đất so sánh), trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d dưới đây.
Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của 03 năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá.
Phương pháp thu nhập được áp dụng để định giá đối với trường hợp thửa đất, khu đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở mà thửa đất, khu đất cần định giá không đủ điều kiện áp dụng phương pháp so sánh nhưng xác định được các khoản thu nhập, chi phí từ việc sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d dưới đây.
Phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp thặng dư được áp dụng để định giá đối với trường hợp thửa đất, khu đất để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập nhưng ước tính được tổng doanh thu phát triển và tổng chi phí phát triển của dự án, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d dưới đây.
Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất phổ biến trên thị trường
Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để xác định giá đất đối với thửa đất, khu đất đã được quy định trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Các trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 114 và khoản 3 Điều 189 Luật Đất đai;
b) Tính tiền thuê đất trả tiền hàng năm khi Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;
c) Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng;
d) Xác định giá đất của thửa đất, khu đất cần định giá mà tổng giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất đối với diện tích phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc trung ương, dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, dưới 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại trong các trường hợp sau:
Các trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản 4 Điều 114, khoản 2 Điều 172 Luật Đất đai;
Tính tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê khi Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
đ) Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi nhiều thửa đất liền kề nhau, có cùng mục đích sử dụng mà không đủ điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh.
Nghị định nêu rõ: Các thửa đất so sánh để áp dụng phương pháp định giá đất phải đủ điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Nghị định 12/2024/NĐ-CP cũng bổ sung Điều 5b về thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất. Theo đó, các thông tin về giá đất, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng để áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất bao gồm:
1) Giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá,
2) Giá đất đã thực hiện thủ tục về thuế tại cơ quan thuế hoặc đăng ký tại văn phòng đăng ký đất đai đối với các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
3) Giá thuê đất, giá thuê mặt bằng;
4) Giá đất chuyển nhượng trên thị trường.
Nghị định nêu rõ: Các thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất là thông tin trong khoảng thời gian không quá 24 tháng tính từ thời điểm định giá đất trở về trước, ưu tiên sử dụng thông tin gần nhất với thời điểm định giá và được thu thập từ các nguồn sau:
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu về giá;
- Văn phòng đăng ký đất đai, đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, đơn vị tổ chức đấu giá tài sản;
- Cơ quan thuế, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp bất động sản;
- Tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, doanh nghiệp thẩm định giá;
- Tổ chức tín dụng, hiệp hội bất động sản, viện/trung tâm nghiên cứu;
- Phỏng vấn trực tiếp người chuyển nhượng hoặc người nhận chuyển nhượng đối với các trường hợp đã chuyển nhượng trên thị trường.
Cũng theo Nghị định 12/2024/NĐ-CP, thông tin về thu nhập, chi phí từ việc sử dụng đất phi nông nghiệp để áp dụng phương pháp thu nhập được thu thập từ các nguồn sau: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ghi trong báo cáo tài chính hoặc thu nhập từ cho thuê đất, cho thuê mặt bằng thu thập trong thời gian 03 năm (được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12) liên tục liền kề trước thời điểm định giá.
Trường hợp thu nhập của thửa đất, khu đất cần định giá không đầy đủ theo từng năm, không phản ánh đúng thu nhập thực tế từ việc sử dụng đất thì thu thập thông tin về giá cho thuê đất, giá cho thuê mặt bằng của tối thiểu 03 thửa đất để so sánh.
Chí phí để tạo ra thu nhập từ việc sử dụng đất quy định trên được xác định căn cứ vào định mức, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng công bố; trường hợp không có định mức, đơn giá hoặc suất vốn đầu tư xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì căn cứ vào thông tin, số liệu bình quân chi phí thực tế phổ biến trên thị trường của tối thiểu 03 thửa đất có khoảng cách gần nhất đến thửa đất, khu đất cần định giá quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.
Khi áp dụng các phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư phải lựa chọn thửa đất so sánh theo thứ tự ưu tiên sau: a) Tương đồng về vị trí, điều kiện kết cấu hạ tầng, diện tích, kích thước, hình thể, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến giá đất so với thửa đất cần định giá; b) Có khoảng cách gần nhất đến thửa đất, khu đất cần định giá và không bị giới hạn bởi địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể
Về quyết định giá đất cụ thể, Nghị định 12/2024/NĐ-CP quy định căn cứ nguyên tắc định giá đất quy định tại khoản 1 Điều 112 của Luật Đất đai, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất, kết quả thẩm định phương án giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 114, khoản 2 Điều 172 và khoản 3 Điều 189 của Luật Đất đai; giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức việc xác định giá đất cụ thể.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 13/2024/NĐ-CP ngày 5/2/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng.
Nghị định 13/2024/NĐ-CP nêu rõ: Chương trình tiêm chủng mở rộng là chương trình do Nhà nước tổ chức để tiêm chủng miễn phí đối với các vaccine bắt buộc sử dụng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai.
Bên cạnh đó, Nghị định 13/2024/NĐ-CP sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 7 về cung ứng vaccine cho hoạt động tiêm chủng:
Vaccine sử dụng cho hoạt động tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch do Nhà nước bảo đảm về số lượng, chủng loại phù hợp với nhu cầu hằng năm và được dự trữ trong 6 tháng.
Căn cứ số lượng đối tượng tiêm chủng, thời gian và định mức sử dụng của từng loại vaccine, cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm lập dự kiến nhu cầu vaccine của cả năm gửi cơ quan được giao quản lý về tiêm chủng cấp huyện tổng hợp gửi Sở Y tế trước ngày 30 tháng 5 hằng năm để chỉ đạo việc cấp vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Căn cứ đề xuất về nhu cầu vaccine của cơ quan được giao quản lý về tiêm chủng cấp huyện, Sở Y tế có trách nhiệm tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhu cầu và gửi về Bộ Y tế trước ngày 30 tháng 6 hằng năm để xây dựng kế hoạch cung ứng, sử dụng vaccine và tiêm chủng hằng năm.
Bổ sung quy định về nguồn kinh phí cho hoạt động tiêm chủng
Nghị định 13/2024/NĐ-CP cũng bổ sung khoản 3 Điều 14 về nguồn kinh phí cho hoạt động tiêm chủng.
Theo đó, ngân sách trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để bảo đảm kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình tiêm chủng mở rộng sau đây:
a- Mua vaccine cho các đối tượng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
b- Kiểm định vaccine.
c- Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine đến tuyến tỉnh, thành phố.
d- Thông tin, giáo dục, truyền thông, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học để ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong tiêm chủng, giám sát đánh giá hiệu quả vaccine tại trung ương.
đ- Bồi thường khi sử dụng vaccine xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng thuộc các Bộ, cơ quan trung ương.
Trường hợp tai biến khi sử dụng vaccine tại các cơ sở tiêm chủng tại địa phương được xác định nguyên nhân do chất lượng của vaccine, đặc tính cố hữu của vaccine, sai sót trong khâu bảo quản, vận chuyển vaccine từ trung ương đến tuyến tỉnh, thành phố thì ngân sách trung ương bố trí kinh phí để bồi thường.
Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 145/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình, tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của quy hoạch.
Xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án ưu tiên triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong triển khai thực hiện.
Xây dựng kế hoạch đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo các công trình thuỷ lợi, hệ thống công trình thuỷ lợi, công trình phòng, chống thiên tai.
Chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch
Chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong đó, Kế hoạch đưa ra giải pháp là hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai có hiệu quả chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực ứng phó với thiên tai từ quỹ phòng, chống thiên tai để thu hút tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai theo quy hoạch.
Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai, nhất là trong công tác quản lý, khai thác, vận hành công trình thuỷ lợi, quản lý đê điều, ứng phó trước các tình huống thiên tai; củng cố, kiện toàn các tổ chức thủy lợi cơ sở phù hợp với đặc thù của vùng, miền. Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai…
Tăng cường ứng dụng công nghệ số, hạ tầng quản trị số, khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh vào quản lý, khai thác hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai; quan trắc công trình, kiểm tra, kiểm định, đánh giá, đề xuất các giải pháp, công cụ đánh giá an toàn đập, chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với đập, hồ chứa nước, giảm thiểu ảnh hưởng của sự cố đập, hồ chứa đến hạ du; quan trắc, giám sát công trình đê điều, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nguồn nước, số lượng nước, chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi...
Đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi, công trình phòng, chống thiên tai; ưu tiên các dự án (hồ chứa, đập dâng...) góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan; áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính.../.