• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/2

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/2.

07/02/2024 08:57

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5/2/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2024.

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 01, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; nhiệm vụ, khối lượng công việc đặt ra ngày càng nhiều, phức tạp hơn và mục tiêu, yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao hơn.

Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời, sát thực tiễn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị; bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời có phản ứng chính sách đúng, trúng, kịp thời; tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 01 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2024 đã đề ra.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm; thúc đẩy cung ứng tín dụng ngay từ đầu năm, bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng và đáp ứng nhu cầu thanh toán, tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước Tết. Thu ngân sách nhà nước tháng 01 ước đạt 13,6% dự toán. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 01 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 37,7% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 42%, nhập khẩu tăng 33,3%; xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD. Giải ngân đầu tư công ước đạt 2,58% kế hoạch năm, cao hơn 0,77% so với cùng kỳ; đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án cao tốc, công trình hạ tầng trọng điểm tiếp tục được đẩy nhanh; trong tháng 01 đã khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được thúc đẩy ngay từ những ngày đầu năm.

Chủ đề điều hành của năm 2024 "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo,hiệu quả bền vững"

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; xung đột tại một số khu vực còn kéo dài; nhiều nền kinh tế lớn dự báo tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro… Ở trong nước, nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm, tạo thách thức và áp lực lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH, nhất là đầu năm 2024.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tinh thần Chủ đề điều hành của năm 2024 "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; quán triệt bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân để tạo ra khí thế mới, động lực mới và những thắng lợi mới, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2024; trong đó, chú trọng các nội dung sau:

Tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để mọi người, mọi nhà vui Xuân, đón Tết

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg về chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, phục vụ kịp thời để mọi người, mọi nhà vui Xuân, đón Tết, không để ai không có Tết.

Bám sát diễn biến tình hình cung cầu thị trường, giá cả, nhất là những mặt hàng thiết yếu, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả vào dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung điều tiết, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hoá, đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trước, trong và sau dịp Tết, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo.

Thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... với mức độ và thời điểm phù hợp

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; triển khai ngay chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên 5% theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, xây dựng, bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình, dự án; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ, có giá trị gia tăng cao; thực hiện đồng bộ các giải pháp phấn đấu giảm chi phí logistics; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế, trong nước. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy khởi công mới các dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển KTXH.

Động viên, khích lệ, yêu cầu các nhà thầu thi công xuyên Tết, "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa"

Đồng thời tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đột phá về phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng chiến lược về giao thông. Động viên, khích lệ, yêu cầu các nhà thầu thi công xuyên Tết, "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa" để phấn đấu đạt và vượt tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo phân công và các địa phương liên quan có phương án bảo đảm vật liệu xây dựng, đất, đá, cát… đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án, nhất là các dự án giao thông quan trọng quốc gia có tính liên vùng; hướng dẫn các bộ, địa phương về quy trình cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, sỏi, cát biển cho dự án đầu tư công, bảo đảm nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Triển khai đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; thực hiện nghiêm chính sách đối với người có công, kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán; xuất cấp gạo hỗ trợ người dân trong thời điểm giáp hạt, vùng bị thiên tai, dịch bệnh, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả mọi người, mọi nhà đều có điều kiện vui xuân, đón Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc Tết cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với đất nước.

Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, bảo đảm người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định. Thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau dịp Tết Nguyên đán.

Khẩn trương tập trung xử lý công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết

Chính phủ yêu cầu bố trí đầy đủ cán bộ ứng trực, kịp thời xử lý các công việc phát sinh trước, trong kỳ nghỉ Tết; khẩn trương tập trung xử lý công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhất là những công việc tồn đọng do nghỉ Tết, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển KTXH.

Phấn đấu giải ngân toàn bộ vốn ngân sách nhà nước năm 2024

Về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu giải ngân toàn bộ vốn ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể, cá nhân liên quan để tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024; rà soát, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổng hợp tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tổng hợp, đề xuất phương án xử lý đối với số còn lại chưa được phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 02 năm 2024.

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 6/2/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô 1.236 km2 gồm 09 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (02 thành phố và 07 huyện).

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Một số chỉ tiêu cụ thể về kinh tế là: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng từ 10,5 - 11,0%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65%; phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trên quy mô toàn tỉnh. Tỷ lệ huyện đạt huyện nông thôn mới đạt 100%...

Về xã hội: Phấn đấu tỷ lệ trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 100%, trong đó 30% đạt chuẩn mức độ 2. Số giường bệnh/vạn dân đạt trên 45 giường; số bác sỹ/vạn dân đạt trên 19 bác sỹ; số dược sỹ đại học/vạn dân đạt trên 5 dược sỹ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.

Đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước

Quyết định cũng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: Tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (trong đó chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử…), đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. Khai thác tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng năng suất lao động trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số. Nâng cao thu nhập bình quân đầu người.

Đẩy mạnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, trong đó tập trung cải thiện các chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu

Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như sau: Sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng.

Cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại: Phát triển trở thành ngành công nghiệp nền tảng; tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm ô tô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh kiện phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp,…

Chế biến thực phẩm, đồ uống: Thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển các dự án chế biến thịt các loại (bò, lợn,…) và các sản phẩm sữa gắn với việc phát triển ngành chăn nuôi bò, lợn thịt ở các khu vực có lợi thế, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của các nhà đầu tư chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng "Dịch vụ chất lượng - Sản phẩm khác biệt - Hiệu quả bền vững": vừa phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo dựng một phong cách riêng với các loại hình mới, độc đáo, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; đầu tư khai thác hiệu quả các sân gôn, dịch vụ thể thao, giải trí,…

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đạt các tiêu chí của đô thị loại I

Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65%, bao gồm các đô thị: 02 đô thị loại II là thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên. 05 đô thị loại IV gồm: Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, trong đó Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên được thành lập đơn vị hành chính đô thị là thị xã. 19 đô thị loại V: trong đó huyện Lập Thạch có 14 đô thị, huyện Sông Lô có 05 đô thị.

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đạt các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để thành lập thành phố trực thuộc trung ương; sau năm 2030 Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Quyết định cũng nêu rõ, nhóm giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư là tập trung đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác; tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 6/2/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định, quy hoạch nhằm mục đích xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh giai đoạn đến năm 2025 để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tài nguyên nước).

Đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hướng tới quản trị ngành nước trên nền tảng công nghệ số; Đảm bảo sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước.

Điều hòa, phân phối, phát triển tài nguyên nước

Quyết định nêu rõ, xây dựng, duy trì vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai, Cửu Long theo thời gian thực.

Rà soát, điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông hướng tới điều tiết, vận hành theo thời gian thực.

Nghiên cứu, nâng cao hiệu quả việc điều tiết để tăng khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thủy lợi; nghiên cứu các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt, tích trữ nước nhằm khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

Thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Xây dựng giải pháp chủ động nguồn nước cho các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nước

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để nâng cao hiệu quả sử dụng nước;

Lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác;

Thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát trong các hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn; thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, tác hại do nước gây ra. Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi phù hợp chức năng nguồn nước, mục tiêu chất lượng nước và dòng chảy tối thiểu; Xây dựng và thực hiện đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy.

Bộ ngành địa phương phối hợp tổ chức thực hiện

Về tổ chức thực hiện, Quyết định nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ trì xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước sửa đổi theo phân công; kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc thẩm quyền;

Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan rà soát, tổ chức xây dựng, điều chỉnh danh mục nhiệm vụ, dự án trong từng giai đoạn. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn và hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án liên quan thuộc quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án để thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, huy động các nguồn vốn, xã hội hóa trong công tác bảo vệ, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

Bộ Tài chính chủ trì, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước tổng hợp, cân đối bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện quy hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên nguồn các hoạt động kinh tế trong dự toán ngân sách hằng năm của các Bộ, cơ quan trung ương trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy trình vận hành đập, hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước và thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật;

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh/thành phố theo chức năng, thẩm quyền;

Xây dựng kế hoạch, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp chủ động phân bổ ngân sách địa phương hằng năm và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án thuộc quy hoạch thuộc trách nhiệm thực hiện của địa phương theo quy định của pháp luật.

Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư công và chi thường xuyên) và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước. Khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa cho truyền thông, giáo dục về tài nguyên nước; duy trì hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước quốc gia; cải thiện, phục hồi đối với các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái; vận hành hệ thống thông tin, hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông và quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực.

Công nhận 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Cụ thể, 8 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh; huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; huyện Kiên Lương, huyện An Biên tỉnh Kiên Giang; huyện Tam Nông, huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ; huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái.

2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Thọ, Yên Bái có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND 8 huyện nêu trên tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về quy hoạch, sản xuất, môi trường và văn hóa để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.