Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 216/TB-VPCP ngày 6/5/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị với doanh nghiệp nhà nước về tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.
Thông báo nêu: Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nội dung Báo cáo của Bộ Tài chính, biểu dương đại diện các doanh nghiệp đã phát biểu ý kiến, đề xuất các giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù, số lượng doanh nghiệp nhà nước chiếm phần không lớn trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động của nước ta nhưng lại nắm giữ một lực lượng vật chất rất quan trọng của nền kinh tế.
Doanh nghiệp nhà nước có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các doanh nghiệp nhà nước phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dựa vào kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo để tăng năng năng suất lao động; vừa phát triển chính doanh nghiệp, vừa góp phần quan trọng trong sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, góp phần thực hiện 02 mục tiêu chiến lược 100 năm (phấn đấu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước là nước phát triển, thu nhập cao). Trong quá trình thực hiện hai mục tiêu chiến lược này, phải đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững mới có nguồn lực để ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện 7 giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế số của doanh nghiệp và của đất nước. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước có nguồn lực, điều kiện, nhân sự cần phải tiên phong trong chuyển đổi số, đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước, tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số. Các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện một số giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số như sau:
(1) Hoàn thiện các quy trình, quy định theo chuyển đổi số chung của cả nước và của từng doanh nghiệp.
(2) Số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Xây dựng, ứng dụng, trí tuệ nhân tạo để sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp.
(3) Tập trung phát triển hạ tầng số của doanh nghiệp nhà nước và góp phần vào sự phát triển hạ tầng số của cả nước. Việc phát triển hạ tầng số của từng tập đoàn, tổng công ty phải gắn với phát triển hạ tầng số của đất nước.
(4) Xây dựng sản phẩm, dịch vụ số của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp tiến tới ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp.
(5) Chú trọng an toàn, bền vững trong chuyển đổi số. Ứng dụng chuyển đổi số để phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải quản lý được, đặc biệt là quản lý dữ liệu số, từ đó góp phần vào an ninh, an toàn mạng quốc gia.
(6) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực số, từ đó đóng góp vào xây dựng công dân số của đất nước. Nguồn nhân lực là vốn quý nhất và nhân lực số đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số.
(7) Tập trung chuyển đổi số, tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới góp phần tiết giảm chi phí và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Các doanh nghiệp nhà nước cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải phấn đấu tăng trưởng hai con số, đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số những năm tới, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, giảm nợ công, giảm nợ nước ngoài, giảm nợ Chính phủ; trong đó, doanh nghiệp nhà nước phải chú ý các động lực tăng trưởng truyền thống về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Các doanh nghiệp nhà nước cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1) Về xuất khẩu: Cần chủ động đa dạng hóa, mở rộng thị trường trong bối cảnh xuất khẩu được nhìn nhận đang gặp nhiều khó khăn đến từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ và xung đột địa chính trị. Củng cố các thị trường truyền thống, tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới phát triển thị trường bền vững, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
(2) Về đầu tư: Cần tiếp tục chủ động tăng cường, đẩy nhanh các dự án đầu tư, đưa nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời tiết kiệm hơn nữa để tập trung cho đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR); kịp thời có các giải pháp giải quyết các khó khăn về đầu tư, thúc đẩy công tác đầu tư đạt tiến độ và hiệu quả.
(3) Về tiêu dùng: Chú trọng, tập trung khai thác thị trường nội địa, mở rộng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từ đó góp phần làm mới lại động lực tăng trưởng.
(4) Chú trọng áp dụng quản trị thông minh, từ đó giảm chi phí quản lý để dành cho đầu tư, phát triển.
(5) Tăng cường phối hợp, hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển.
(6) Chú trọng công tác khen thưởng kịp thời; khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về thể chế cho doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thường xuyên rà soát, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về thể chế cho doanh nghiệp nhà nước; chủ động rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, tiến tới giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ; tập trung phát triển các hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo từ đó cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; tập trung giải ngân đầu tư công.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan: (i) Trao đổi, phối hợp, thống nhất với Bộ Công an để tháo gỡ các vướng mắc của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan tới chuyển đổi số; (ii) Đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, sớm hình thành sàn giao dịch công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất; (iii) Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo cầu nối giữa cung, cầu công nghệ thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ trong nước.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan: (i) Tập trung xây dựng, trình ban hành Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tinh thần là phải đổi mới, tăng cường phân cấp phân quyền; (ii) Tham mưu chính sách miễn giảm, giãn hoãn thuế, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thuế VAT nhanh chóng, thuận tiện.
Bộ Ngoại giao rà soát, thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới giúp kết nối doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, kết nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế các nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu, điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực và khoanh nợ, giãn hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn do yếu tố khách quan.
Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 864/QĐ-TTg ngày 5/5/2025 điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của các địa phương tại các Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng quyết định điều chỉnh giảm 43,66 tỷ đồng vốn trong nước của 06 địa phương (bao gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Trị, Kon Tum, Tiền Giang) để điều chỉnh tăng 43,66 tỷ đồng cho 41 địa phương (bao gồm các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) tại Phụ lục kèm theo.
Điều chỉnh giảm 10,691 tỷ đồng vốn nước ngoài của tỉnh Bình Thuận tại Phụ lục kèm theo.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm tra và cơ quan liên quan về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo kết quả và đề xuất phân bổ, giao điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được giao điều chỉnh, bổ sung nêu trên thực hiện giao điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả. Có trách nhiệm hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo đúng thời gian theo quy định của Luật Đầu tư công.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Bộ Tài chính kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại các bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tỉnh Đồng Nai và Bình Phước thống nhất lựa chọn phương án kết nối từ thành phố Đồng Xoài đi theo đường tỉnh ĐT.753, qua cầu Mã Đà sang địa phận tỉnh Đồng Nai.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 3855/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đồng Nai tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng để thực hiện nghiên cứu đầu tư tuyến đường nêu trên theo quy định, hoàn tất các quy trình thủ tục theo quy định (trong trường hợp đầu tư dự án), trong đó lưu ý rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến môi trường, hệ sinh thái, liên kết đa dạng sinh học, lâm nghiệp, di sản văn hóa, điều ước quốc tế…
Các Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai đối với các nội dung liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 3871/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia và phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 còn lại của các chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương.
Cụ thể, về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế làm rõ tác động của phương án điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Hòa Bình và Bắc Giang đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, gửi Bộ Tài chính trước ngày 8/5/2025 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định trước ngày 12/5/2025.
Về việc phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 còn lại của các chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ Quyết định số 864/QĐ-TTg ngày 5/5/2025 điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp phương án phân bổ 43,66 tỷ đồng vốn trong nước còn lại năm 2025 của Chương trình cho các địa phương, báo cáo Chính phủ theo quy định trước ngày 12/5/2025.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp phương án phân bổ 2.540,97 tỷ đồng vốn trong nước còn lại năm 2025 của các địa phương, báo cáo Chính phủ theo quy định trước ngày 12/5/2025.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương đề xuất phương án xử lý khoản 704,208 tỷ đồng chưa phân bổ năm 2025 của các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gửi Bộ Tài chính trước ngày 8/5/2025 để tổng họp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền trước ngày 12/5/2025.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương đề xuất phương án xử lý khoản vốn đầu tư công năm 2025 còn lại chưa phân bổ, gửi Bộ Tài chính trước ngày 8/5/2025, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền trước ngày 12/5/2025. /.