• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/11

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/11.

09/11/2021 19:09

Mở rộng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều kiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất.

Cụ thể, điều kiện hỗ trợ là người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 1/2021 mà bị ảnh hưởng dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 1/2021.

Trước đó, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định điều kiện là người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng dịch COVID-19 phải giảm từ 15% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên.

Doanh nghiệp được nộp hồ sơ hỗ trợ đào tạo nghề thành nhiều đợt

Một trong những nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 33/2021/QĐ-TTg là thủ tục đề nghị hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Cụ thể, doanh nghiệp nộp hồ sơ theo quy định tới Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi người sử dụng lao động đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thành các đợt khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng lao động. Người lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng 1 lần theo chính sách này.

Trong khi đó, theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trước đây, chỉ quy định nơi nộp hồ sơ là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính.

Mở rộng hỗ trợ người lao động

Quyết định 33/2021/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng, điều kiện hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do thuộc một trong các trường hợp sau: Phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg; hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Thứ hai, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Trước đó, tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg chỉ quy định đối tượng hỗ trợ là người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Bổ sung hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật

Ngoài hỗ trợ đối với trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế đã được quy định trước đó, Quyết định 33/2021/QĐ-TTg bổ sung quy định hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật.

Cụ thể, đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng/người.

Xem xét kiến nghị liên quan đến khu vực biển Dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 8195/VPCP-NN ngày 9/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận liên quan đến khu vực biển Dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long, tỉnh Cà Mau.

Trước đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau có văn bản về việc xem xét các vấn đề liên quan đến khu vực biển Dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long, tỉnh Cà Mau.

Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xem xét xử lý văn bản của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thực hiện các kiến nghị của Đại biểu Quốc hội theo thẩm quyền.

Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 8197/VPCP-KTTH ngày 9/11/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có lĩnh vực hàng không để xem xét, nghiên cứu các giải pháp phù hợp quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế theo đúng quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp, nghiên cứu và kịp thời đề xuất các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực hàng không.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về phục hồi sản xuất, lưu thông hàng hóa, hành khách trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 307/TB-VPCP ngày 9/11/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về phục hồi sản xuất, lưu thông hàng hóa, hành khách trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19.

Thời gian qua, dịch COVID-19 tại tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới trong ngày cao, tỉ lệ tiêm vaccine cho người dân, người lao động còn thấp... đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tập thể lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch và giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa kịp thời, làm chậm tiến trình phục hồi phát triển kinh tế.

Để kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh chủ động, quyết liệt, tập trung đẩy nhanh quá trình xét nghiệm sàng lọc, kịp thời khoanh vùng cách ly với phạm vi nhỏ nhất, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát; rà soát, kiểm tra việc tổ chức phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly để tránh việc lây nhiễm chéo; tăng cường tổ chức tiêm vaccine cho người dân, kể cả người lao động đến từ các địa phương khác.

Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 về phục hồi sản xuất, trong đó doanh nghiệp được xác định là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất và chính quyền các cấp là trung tâm để tháo gỡ, phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo về phục hồi sản xuất, phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thống nhất với doanh nghiệp phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa; phương án đi lại, ăn ở của người lao động bảo đảm an toàn, thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch bệnh nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tỉnh xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là chuyên gia, người lao động được đi đến địa phương khi đã đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xem xét cử đoàn công tác để tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Tiền Giang trong công tác phòng, chống dịch bệnh; phân bổ, bảo đảm đủ vaccine để tiêm phòng cho người dân, trong đó ưu tiên đối tượng là những người đang tham gia hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp và hoạt động vận tải.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có việc ban hành các văn bản triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch của các địa phương gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa và đời sống của người dân, để kịp thời kiến nghị lãnh đạo các địa phương điều chỉnh cho phù hợp chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc hoàn thiện phương án trình Quốc hội Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 306/TB-VPCP ngày 9/11/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc hoàn thiện phương án trình Quốc hội Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định rõ đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông. Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương thực hiện 654 km thuộc giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dự kiến đến năm 2024 mới có thể hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần.

Vì vậy, để hoàn thiện phương án trình Quốc hội Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, cần có đánh giá các bài học kinh nghiệm của giai đoạn 1, nguyên nhân khách quan, chủ quan (trong đó chủ quan là chủ yếu), từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả trong giai đoạn tới.

Tại Kết luận số 18-KL/TW ngày 8/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã kết luận đây là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành; bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Các dự án thành phần, quy mô đầu tư, phương thức đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật… phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về sự cần thiết, tính cấp bách, bảo đảm hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường; ưu tiên huy động nhà đầu tư và nguồn lực trong nước... Đồng thời, quán triệt chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Do đó, cần có phương án để thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư đường cao tốc.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất một phương án lựa chọn hình thức đầu tư các dự án thành phần trên cơ sở tính toán bảo đảm tính khả thi cao, trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Hội đồng thẩm định Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày 4/8/2021 (Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực của Hội đồng) có ý kiến thẩm định bổ sung trước ngày 10/11/2021 để kịp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủy quyền Bộ trưởng Bộ GTVT trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 15/11/2021.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, thành phố Hải Phòng

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 309/TB-VPCP ngày 9/11/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, thành phố Hải Phòng.

Thông báo nêu rõ, cảng hàng không quốc tế Cát Bi là một trong những sân bay quan trọng trong cả nước. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đã xác định mở rộng cảng hàng không Cát Bi là mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh liên kết vùng, các địa phương ven biển Đông Bắc. Do đó, việc đầu tư, phát triển Cảng hàng không quốc tế Cát Bi không chỉ phục vụ cho hoạt động kinh tế, xã hội của riêng thành phố Hải Phòng mà còn cho cả vùng duyên hải Bắc Bộ.

Hiện tại, lượng hành khách qua Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã vượt công suất 2 triệu hành khách/năm của Nhà ga hành khách số 1, nên việc đầu tư Nhà ga hành khách số 2 là cần thiết. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Nhà ga hành khách số 2 từ năm 2018 nhưng việc triển khai chậm, sau hơn 3 năm vẫn chưa tiến hành khởi công.

Bộ Giao thông vận tải phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu chung phát triển của ngành hàng không. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và cam kết của ACV, Phó Thủ tướng yêu cầu:

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và ACV để thống nhất về phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi trong tháng 11 năm 2021 làm cơ sở triển khai Dự án theo quy định.

- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV khẩn trương triển khai đầu tư Dự án, phấn đấu phê duyệt Dự án trong tháng 12 năm 2021, khởi công Dự án trong quý I năm 2022, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng sau 24 tháng thi công như cam kết.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và ACV để bàn giao mặt bằng và tổ chức triển khai Dự án./.