• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/9

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/9.

10/09/2022 09:08

Kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 9/9/2022 kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các thành viên gồm: Ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách lĩnh vực Lâm nghiệp; ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV; bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV; ông Ngô Văn Cương, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; ông Đinh Khắc Đính, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 (Chương trình).

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng, Chính phủ phương hướng, giải pháp để triển khai, thực hiện Chương trình; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bộ, ngành, địa phương) trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ  đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện Chương trình; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình.

Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành. Các Thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ  đạo, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, bảo đảm tuân thủ  đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh–Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc giai đoạn 2021–2025 vừa ký Quyết định số 91/QĐ-HĐĐPTDMNPB ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng này.

Quy chế này quy định về tổ chức hoạt động và phối hợp của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc giai đoạn 2021-2025 (Hội đồng điều phối vùng) được Thủ tướng Chính phủ thành lập, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện mục tiêu định hướng phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía bắc.

Nguyên tắc điều phối

Quyết định quy định nguyên tắc điều phối là tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía bắc; thực hiện phối hợp bảo đảm nguyên tắc đồng thuận giữa các bộ, ngành; giữa các bộ, ngành với các địa phương và giữa các địa phương với nhau trong vùng.

Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp sẽ được giao cho bộ, ngành, địa phương nào có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực hoặc nhiệm vụ cần phối hợp đó.

Hoạt động điều phối được thực hiện thông qua Hội nghị Hội đồng điều phối vùng. Trên cơ sở nội dung các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, các bộ, ngành, địa phương trong vùng thảo luận để thỏa thuận, thống nhất và triển khai các nội dung thực hiện liên kết, phối hợp.

Những vấn đề không đạt được sự  đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng thì Văn phòng Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến chung, báo cáo Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phương thức điều phối

Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định rõ phương thức điều phối trong: Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển vùng; phát triển vùng trung du miền núi phía bắc trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của cả nước; giải quyết các vấn đề liên kết vùng…

Cụ thể, phương thức điều phối trong quá trình lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau: Việc lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Để bảo đảm tính đồng bộ khi xây dựng quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc, cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch vùng lấy ý kiến tham gia của Hội đồng điều phối vùng và các bộ, ngành, địa phương liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các lĩnh vực phối hợp trong quá trình lập và tổ chức thực hiện quy hoạch gồm các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao phối hợp tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng điều phối vùng trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc.

Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể

Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thỏa thuận thống nhất vì lợi ích chung của vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.

Hội đồng điều phối vùng họp thường kỳ 6 tháng một lần; khi cần thiết, có thể họp đột xuất. Địa điểm, phương thức họp Hội đồng điều phối vùng do Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng quyết định. Đại diện các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có liên quan có thể được mời dự phiên họp của Hội đồng khi cần thiết.

Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì các hoạt động của Hội đồng, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng và Thường trực Hội đồng. Đối với những vấn đề cấp bách, Chủ tịch Hội đồng lấy ý kiến của các thành viên bằng văn bản.

Tuyên truyền để người dân chấp hành tốt quy định không hoán cải xe trên 10 chỗ thành xe dưới 10 chỗ

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải có báo cáo về kết quả rà soát Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Xét báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tại công văn 5926/VPCP-CN ngày 9/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến như sau:

Giao các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông có giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để người dân, doanh nghiệp hiểu và chấp hành tốt các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có khoản 4 Điều 1 Nghị định số 47/2022/NĐ-CP (bổ sung khoản 3 Điều 13 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP) quy định về "Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách"; không làm ách tắc hoạt động kinh doanh vận tải và ảnh hưởng đến người dân, không để xảy ra trục lợi cá nhân./.