Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kiên quyết không để người dân bị lỡ tàu xe dịp Tết - Ảnh minh họa |
Kiên quyết không để người dân bị lỡ tàu xe và đốt pháo trong dịp Tết
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội cần tập trung chỉ đạo các nhà ga, bến tàu thực hiện tốt công tác phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội năm 2013, đảm bảo an toàn, thuận tiện, vệ sinh môi trường; kiên quyết không để cho người dân không về quê ăn Tết được do bị lỡ tàu xe.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi tiêu cực của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ; tổ chức tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên đến mọi người dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Còn Thành phố Hà Nội phải phấn đấu năm 2013 giảm ít nhất 10% số vụ tại nại giao thông; xử lý nghiêm vi phạm, trong đó chú ý phòng, chống đua xe trái phép, xử lý nghiêm tình trạng bến cóc, xe dù, kiên quyết xóa bỏ các bãi đậu xe trái phép.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, hai thành phố cần phải tập trung lực lượng, nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hoạt động phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, hàng giả, kinh doanh trái phép, các đường dây, băng nhóm cướp, cướp giật và các loại tội phạm hình sự khác.
Thủ tướng Chính phủ quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo tỷ lệ quy đổi thóc:gạo là 2:1 trong vụ Đông Xuân năm 2012-2013 ở đồng bằng sông Cửu Long; loại thóc, gạo mua tạm trữ gồm thóc, gạo thường và thóc, gạo thơm. Thời hạn mua tạm trữ từ ngày 20/2/2013 đến hết ngày 31/3/2013. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ; thời giam tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, từ ngày 20/2/2013 đến ngày 20/5/2013.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định; bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện việc hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước VN được giao chỉ định một số ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay mua thóc, gạo tạm trữ.Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở đồng bằng sông Cửu Long và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xây dựng quy chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo đúng quy định.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 23 huyện tỷ lệ hộ nghèo cao
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.
Theo đó, 23 huyện được hỗ trợ gồm: Thạch An (Cao Bằng); Lâm Bình (Tuyên Quang), Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn (Lào Cai), Bình Gia, Đình Lập (Lạng Sơn), Mường Chà, Tuần Giáo (Điện Biên), Đà Bắc, Kim Bôi (Hòa Bình), Quỳ Châu (Nghệ An), Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), Sông Hinh, Đồng Xuân (Phú Yên), Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy (Kon Tum), K Bang, Kon Chro, Krong Pa, Ia Pa (Gia Lai).
Mỗi huyện trên được hỗ trợ vốn đầu tư phát triển bằng 70% mức bình quân của các huyện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP từ ngân sách trung ương. Thời gian hỗ trợ trong 5 năm từ 2013 - 2017.
Riêng năm 2013, bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để triển khai thực hiện đối với một số dự án quan trọng đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Nghị định mới về rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2013/NĐ-CP về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, rà soát văn bản là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
Việc rà soát văn bản nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát văn bản; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện rà soát.
Cơ quan, tổ chức, công dân khi phát hiện văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp thì kiến nghị cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện rà soát văn bản.
Theo nội dung tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành nghề kinh doanh chính của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES) là kinh doanh vận tải đường biển, đường thủy, đường bộ, đa phương thức; khai thác cảng biển, cảng sông; kinh doanh kho, bãi, dịch vụ logistics; đại lý môi giới cung ứng dịch vụ hàng hải; cung ứng tàu biển, dịch vụ lai dắt tàu biển, tàu sông, đưa đón thuyền viên và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động đường thủy.
Theo Đề án, có 2 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ; 9 doanh nghiệp cổ phần do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ 75% vốn điều lệ; 7 doanh nghiệp cổ phần do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ trên 50 – 65% vốn điều lệ; 14 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ từ trên 50% - 65% vốn điều lệ; 4 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Cũng theo Đề án, thoái vốn góp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đầu tư tại 37 doanh nghiệp trong giai đoạn 2012 – 2015; sáp nhập Công ty Thương mại xăng dầu đường biển và Công ty Kinh doanh xăng dầu Vianlines phía Bắc, thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty không nắm giữ cổ phần.
Bên cạnh đó, sẽ thực hiện giải thể 2 doanh nghiệp: Chi nhánh Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tại thành phố Cần Thơ; Liên doanh Trung tâm Nhân lực hàng hải Đông Nam Á (Vina-STC); thực hiện phá sản 2 doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines); Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon).
Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó quy định trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công không đảm bảo an toàn thì cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng được quyền tạm dừng thi công công trình.
Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chỉ cho phép thi công sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn.
Quyết định nêu rõ, khi phát hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng qua công tác kiểm tra hoặc do tổ chức, cá nhân phản ánh, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải kịp thời yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục, đồng thời đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
Các tổ chức, cá nhân có vi phạm ngoài việc phải chấp hành các yêu cầu khắc phục của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật còn bị công bố tên và hành vi vi phạm của các tổ chức này trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Hệ thống chỉ tiêu đánh giá phát triển nhân lực phục vụ giám sát và đánh giá thực hiện Quy hoạch và Chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ 2011 - 2020.
Theo đó, Hệ thống chỉ tiêu được phân chia theo 5 nhóm với 43 chỉ tiêu: 1- Nhóm chỉ tiêu chung về phát triển nhân lực (17 chỉ tiêu); 2- Nhóm chỉ tiêu về đào tạo nhân lực (15 chỉ tiêu); 3- Nhóm chỉ tiêu về sử dụng nhân lực (3 chỉ tiêu); 4- Nhóm chỉ tiêu phát triển nhân lực khu vực hành chính - sự nghiệp (7 chỉ tiêu); 5- Nhóm chỉ tiêu về tài chính phát triển nhân lực (3 chỉ tiêu).
Trong đó nhóm chỉ tiêu chung về phát triển nhân lực có các chỉ tiêu như dân số trong độ tuổi lao động (nam từ 15 - 60 tuổi, nữ từ 15 - 55 tuổi); lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên; tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh; chỉ số phát triển con người (HDI).
Cán bộ Đoàn, Hội được ưu tiên khi xem xét tuyển dụng công chức, viên chức
Cán bộ Đoàn, Hội có thời gian công tác Đoàn, Hội từ 3 năm liên tục trở lên và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi thi tuyển công chức, thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức được ưu tiên xem xét tuyển dụng.
Đây là một trong những chế độ chính sách đối với cán bộ Đoàn, Hội được đưa ra tại Quyết định 13/2013/QĐ-TTg về chế độ chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết định nêu rõ, cán bộ Đoàn, Hội là học sinh, sinh viên được ưu tiên cộng điểm đánh giá kết quả rèn luyện theo Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo; được ưu tiên xét cấp học bổng, giới thiệu về việc làm và hỗ trợ thêm về điều kiện làm việc, học tập theo khả năng, tình hình thực tế của từng trường.
Hàng năm, cán bộ Đoàn, Hội là học sinh, sinh viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tuyên dương, khen thưởng...
Nâng công suất Dự án lọc dầu Vũng Rô lên 8 triệu tấn/năm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô Dự án lọc dầu Vũng Rô lên 8 triệu tấn/năm như đề nghị của tỉnh Phú Yên và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng thời, Thủ tướng cũng đồng ý nguyên tắc việc điều chỉnh địa điểm của dự án trên bao gồm cả cảng chuyên dụng.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, hoàn thiện thủ tục điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 đã phê duyệt kèm theo Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 18/2/2009 đối với dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh Phú Yên thực hiện việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho dự án.
Trong đó, tỉnh cần lưu ý dự án phải đáp ứng yêu cầu công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, bảo đảm về an toàn và môi trường; làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của Nhà đầu tư, của Nhà nước và tỉnh Phú Yên trong dự án; rà soát chặt chẽ về pháp lý trước khi cấp phép...
Việc điều chỉnh công suất của Dự án lọc dầu Vũng Rô là phù hợp với chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đầu tư dự án này không chỉ để cân đối nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đồng ý xóa bỏ, dừng thu 02 trạm thu phí sử dụng đường bộ là trạm cầu Cần Thơ và trạm Tiên Cựu từ 1/2/2013.
Đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ còn lại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2250/TTg-KTN và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Bộ ngành khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện một số chính sách liên quan đến nông sản, thủy sản.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh cá tra, trong đó xem xét đề nghị của các địa phương về chính sách hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng thương mại nhà nước đối với doanh nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu cá tra, hợp tác với các hộ nông dân để nuôi cá tra.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương ban hành hướng dẫn thực hiện đầy đủ Quyết định số 63/2010/QĐ-Tg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 2/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Khẩn trương xây dựng Đề án sản xuất Sản phẩm lúa gạo chất lượng cao
Tại Thông báo số 57/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu một số Bộ ngành liên quan phối hợp xây dựng, thực hiện Đề án sản xuất Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông phải phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương xem xét, giao Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan xây dựng, thực hiện Đề án sản xuất Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, cuối tháng 3/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án này.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để thực hiện Đề án sản xuất Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cần dành 1% ngân sách địa phương để giải quyết vấn đề môi trường bức xúc
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu trong năm 2013 và các năm tiếp theo ngành tài nguyên và môi trường phải khẩn trương hoàn thiện các chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản...
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cân đối, bố trí dành tối thiểu 1% tổng chi ngân sách địa phương để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, xử lý các điểm nóng về môi trường, quan trắc, giám sát chất lượng môi trường; tăng cường công tác thanh kiểm tra môi trường trên địa bàn, tập trung vào các khu công nghiệp, các điểm nóng môi trường, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường….
Đồng thời, phấn đấu hoàn thành cơ bản mục tiêu cấp giấy chứng nhận lần đầu trong năm 2013 và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Để hoàn thành mục tiêu này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đánh giá lại tình hình thực hiện, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai, thực hiện không đầy đủ nội dung Chỉ thị số 1474/CT-TTg trong thời gian qua.
Thanh Hoài