Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Chỉ mua nợ xấu đủ 5 điều kiện
Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi là Công ty Quản lý tài sản) có hiệu lực từ ngày 9/7/2013.
Về phương thức mua nợ xấu, Nghị định nêu rõ, công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản phát hành.
Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, Công ty Quản lý tài sản còn mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.
Các khoản nợ xấu phải đáp ứng đủ 5 điều kiện sau mới được Công ty Quản lý tài sản mua: 1- Khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; 2- Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm; 3- Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; 4- Khách hàng vay còn tồn tại; 5- Số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ quyết định việc Công ty Quản lý tài sản mua lại các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Vốn điều lệ của Công ty Quản lý tài sản là 500 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Chỉ thị nêu rõ, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020; đảm bảo chất lượng của kế hoạch CCHC hằng năm; xác định rõ kết quả cụ thể phải đạt được, những nhiệm vụ phải thực hiện gắn với trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện và bố trí nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện CCHC theo quy định của Bộ Nội vụ.
Kết quả CCHC hằng năm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp và là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân.
Theo Quyết định 755/QĐ-TTg, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 15 triệu đồng để tạo quỹ đất sản xuất; giao diện tích đất ở cho mỗi hộ bình quân 200 m2/hộ; hỗ trợ bình quân 1,3 triệu đồng/hộ để xây dựng bể chứa nước, đào giếng nước hoặc tự tạo nguồn nước sinh hoạt.
Đối tượng áp dụng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất theo định mức quy định tại địa phương, có khó khăn về nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015. Theo đó, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ chưa có đất ở và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất.
Quyết định 30/2013/QĐ-TTg sửa đổi Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 về một số chế độ đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ có hiệu lực từ ngày 5/7/2013.
Theo đó, quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng biên chế thuộc các đơn vị công binh chuyên trách trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ được hưởng sinh hoạt phí mức 180.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ tại khu vực dò tìm, xử lý bom, vật nổ thay vì mức 60.000 đồng/người/ngày như quy định hiện nay.
Xây dựng Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 với mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp cho GDP cả nước của vùng từ 24,7% năm 2010 lên 26,6% năm 2015 và 28,7% năm 2020
Bên cạnh đó, nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 2.500 USD vào năm 2015 và khoảng 4.180 USD vào năm 2020 (bằng 1,3 lần mức trung bình của cả nước).
Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của Vùng đạt 7 - 7,5%; công nghiệp, xây dựng từ 45 - 47%; dịch vụ từ 46 - 48%.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm chắc diễn biến tình hình tiêu thụ lúa, gạo vụ Hè Thu năm 2013 để có giải pháp bảo đảm tiêu thụ kịp thời.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 18/4/2013 của Văn phòng Chính phủ.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá việc xây dựng, phát triển thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2013.
Hoàng Diên
Tin liên quan:
> Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần (13-17/5)
> Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần (6-10/5)
> Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần (29/4-4/5)