Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Chương trình đưa ra nhiệm vụ chủ yếu phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, hóa chất, phân bón, vật liệu, cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường. Phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, ưu tiên phát triển những sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất công nghiệp. Ổn định quy hoạch ba loại rừng, phát triển kinh tế rừng góp phần từng bước cải thiện đời sống nhân dân trồng và bảo vệ rừng. Quy hoạch và phát triển có hiệu quả nghề muối, bảo đảm nhu cầu của đất nước và đời sống diêm dân.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao (du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế); hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Nghị định nêu rõ, tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm... khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, có 6 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu: 1. Thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu; 2. Thực phẩm trong túi ngoại giao, túi lãnh sự; 3. Thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu; 4. Thực phẩm gửi kho ngoại quan; 5. Thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu; 6. Thực phẩm là mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm.
Hiện việc thực hiện các hạng mục còn lại của dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long) bị chậm tiến độ do một số tồn tại, vướng mắc trong công tác đề bù, giải phóng mặt bằng và nguồn vốn.
Tại Công điện 543/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công còn lại cho dự án trước ngày 15/5/2012.
Đồng thời, UBND TP Hà Nội phải bố trí vốn ngân sách Thành phố đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1042/TTg-CN ngày 1/8/2007.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội để giải quyết những vướng mắc về giải phóng mặt bằng và nguồn vốn cho dự án; chỉ đạo các Nhà thầu thi công hoàn thành dứt điểm các hạng mục còn lại của dự án, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Hỗ trợ Đoàn Thanh niên đẩy mạnh hoạt động tình nguyện
Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tình nguyện như tiếp sức mùa thi, tiếp sức đến trường; bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; các đội trí thức trẻ tình nguyện về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo; tình nguyện giúp đỡ gia đình chính sách, trẻ em khó khăn...; đặc biệt là tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông góp phần thực hiện có hiệu quả "Năm An toàn giao thông Quốc gia - 2012".
Phạt nặng hành vi bạo lực trong hoạt động thể dục thể thao
Chính phủ ban hành Nghị định 37/2012/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao, trong đó, mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 70 triệu đồng.
Nghị định quy định rõ, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi đe dọa xâm phạm sức khỏe, uy tín, bí mật đời tư; đe dọa xâm phạm hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm vận động viên, trọng tài, thành viên Ban tổ chức, người đang thi hành công vụ, huấn luyện viên, trưởng đoàn.
Đối với một trong các hành vi hành hung vận động viên, trọng tài, thành viên Ban tổ chức, người đang thi hành công vụ, huấn luyện viên, trưởng đoàn thì sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.
Đối với hành vi cố ý gây thương tích cho trọng tài trong thi đấu thể thao thì sẽ bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng.
Xây dựng Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức
Bộ Nội vụ cần khởi động ngay việc xây dựng Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, nhà quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Bộ Chính trị tháng 12/2012.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 152/TB-VPCP. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Nội vụ, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì, tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên, hoàn chỉnh Đề cương chi tiết của Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó xác định rõ sự cần thiết của việc xây dựng Đề án thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương điều tra làm rõ vụ tai nạn giao thông đường sắt Bắc - Nam xảy ra ngày 24/4 tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, có thể khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm những nội dung liên quan đến việc quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện nghiêm Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007, Nghị quyết số 5/2008/NQ-CP ngày 4/2/2008 và Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ; Chỉ thị số 1405/CT-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công văn: số 1702/TTg-KTN ngày 24/9/2011, số 8688/VPCP-KTN ngày 4/12/2009 và số 6901/VPCP-KTN ngày 30/9/2011.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn bản trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, bảo đảm quản lý phương tiện nói trên hiệu quả hơn.