Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm - Ảnh minh họa |
Theo Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm sẽ được xây dựng và tổ chức hoạt động trong toàn quốc với 3 cấp độ: Cấp quốc gia; cấp Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở.
Theo đó, sẽ tổ chức 1 điểm cảnh báo trung tâm để tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo về an toàn thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm ở cấp quốc gia tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế).
Bên cạnh đó, tổ chức Điểm cảnh báo cấp 1 tại mỗi Bộ, ngành chức năng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điểm cảnh báo cấp 2 sẽ được tổ chức tại các đơn vị liên quan thuộc Bộ, ngành chức năng, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị đầu mối liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm gồm:
- Các đơn vị thuộc Bộ, ngành: Thanh tra, giám sát, đăng ký chứng nhận sản phẩm, các viện chuyên ngành, trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm vùng, các cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu; đơn vị cửa khẩu.
- Các đơn vị làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Các Chi cục an toàn thực phẩm, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn; Hiệp hội ngành nghề về an toàn thực phẩm, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng.
Giảm lệ phí trước bạ lần đầu ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi
Theo Nghị định 23/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ, ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10% (quy định cũ 10-20%).
Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.
Ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Nghị định 23/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2013.
Mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại từ 12-15 tỉnh, thành phố
Theo Đề án "Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ mở rộng việc thí điểm chế định Thừa phát lại từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc xác định địa phương thực hiện mở rộng thí điểm phải dựa trên các yêu cầu, tiêu chí sau: Đảm bảo tính đại diện cho các vùng, miền trong cả nước, theo đó địa bàn mở rộng thí điểm phải có các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại các vùng, miền khác nhau (miền Bắc, miền Trung, miền Nam); các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khá ổn định; số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự lớn và dựa trên nhu cầu của người dân, xã hội trong việc thực hiện Thừa phát lại; sự quyết tâm, sẵn sàng của các cơ quan, tổ chức tại địa phương thí điểm.
Ngoài ra, vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh; duy trì hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập và thành lập thêm một số Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định lựa chọn địa phương thực hiện thí điểm sau khi thống nhất ý kiến với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Công Thương báo cáo chi tiết về biện pháp và mức xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền đối với từng đối tượng, hành vi vi phạm vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, tổng hợp hàng tuần, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải.
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã tích cực đưa tin về việc bắt giữ các vụ vận chuyển, kinh doanh gia cầm, giống gia cầm nhập khẩu trái phép. Tuy nhiên, kết quả xử lý các vụ việc vi phạm chưa được thông tin đầy đủ.
Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát, báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình thực hiện Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Đối với các vụ việc vi phạm bị bắt giữ, báo cáo chi tiết về biện pháp và mức xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền đối với từng đối tượng, hành vi cụ thể, đặc biệt đối với lái xe hoặc chủ hàng vi phạm, tổng hợp hàng tuần, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam phối hợp với địa phương xây dựng phương án, kế hoạch điều tiết xả nước các hồ thủy điện, cùng với các hồ thủy lợi hiện có đảm bảo cấp nước tưới cho sản xuất và nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân.
Từ tháng 8/2012 đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng, nhất là các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Thời gian tới tình trạng khô hạn, thiếu nước có thể còn tiếp tục xảy ra gay gắt hơn, rộng hơn ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên. Để chủ động phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, hạn chế thiệt hại cho sản xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động tính toán cân đối nguồn nước hiện có để đảm bảo cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu và cho sản xuất, trước hết cần ưu tiên nước cho sinh hoạt của nhân dân và nước cho chăn nuôi gia súc; chỉ đạo, thực hiện triệt để các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tổ chức nạo vét các kênh rạch, ao hồ; tận dụng kênh rạch, sông suối nội địa để trữ nước ngọt, tăng nguồn nước bơm tát.
Nghiên cứu ứng dụng biển quang báo điện tử trong quản lý giao thông
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu việc ứng dụng biển quang báo điện tử trong quản lý giao thông đô thị.
Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có công văn trình Thủ tướng Chính phủ về việc ứng dụng biển quang báo điện tử trong quản lý giao thông đô thị.
Theo Ủy ban An toàn giao thông, đây là dự án có tính ứng dụng cao, có khả năng áp dụng trong các thành phố lớn nhằm nâng cao năng lực quản lý và điều hành giao thông; cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình giao thông cho mọi đối tượng đang trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông giúp người tham gia giao thông tự điều tiết nhu cầu lưu thông; tự động thay đổi nội dung theo tình hình giao thông thực tế tại từng khu vực, phân làn, phân luồng một cách linh hoạt, chính xác góp phần giảm ùn tắc giao thông…
Dự án được triển khai sẽ xây dựng hình ảnh mới về giao thông đô thị, tạo mỹ quan đô thị, đồng thời tác động lớn đến việc giảm thiểu lượng khí thải từ phương tiện giao thông gây ra do ùn tắc giao thông.
Được biết, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai thí điểm ứng dụng biển quang báo điện tử trong quản lý giao thông đô thị và đã đem lại những tín hiệu hết sức khả quan góp phần vào việc giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong năm 2012.