Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết phát triển xanh, phát triển bền vững là vấn đề đặc biệt quan trọng với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó Trà Vinh cũng là địa phương đứng đầu trong Bảng xếp hạng Chỉ số Xanh (PGI) lần đầu tiên.
Xu hướng chung của thế giới là phát triển xanh phải nằm trong mọi yếu tố của quá trình phát triển. Do đó, đầu tư FDI thời gian tới của Việt Nam cũng đã được định hướng xanh hơn, có chất lượng và công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Việt Nam có chủ trương xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải xanh hơn, bền vững hơn.
Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định phát triển bền vững là vấn đề hiện nay được Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm thông qua việc tích cực hoàn thiện thể chế, thời gian vừa qua đã thông qua các đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường...
Trong nỗ lực cùng Đảng và Chính phủ thực hiện định hướng quan trọng này, VCCI đã có ý tưởng triển khai xây dựng Bộ Chỉ số Xanh (Green Index) để đánh giá về môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID và một số tập đoàn đa quốc gia. Đây là cách tiếp cận từ dưới lên trong nỗ lực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiếp nối thành công của quá trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam giai đoạn vừa qua.
Đại diện VCCI cho biết PGI mang lại nhiều thông tin cho các cơ quan Nhà nước (cả bộ, ngành và tỉnh, thành phố) sử dụng trong điều hành, quản lý; cho các nhà đầu tư tham khảo trong quyết định đầu tư, mở rộng kinh doanh của mình; là công cụ chính sách để thúc đẩy sự vận hành, chuyển đổi của các địa phương tại Việt Nam. Quan trọng hơn hết là PGI sẽ đóng góp nhiều trong quá trình phát triển bền vững.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định: Thời gian qua, đã có nhiều chính sách trung ương rất đúng đắn để phát triển môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là công tác thực thi khi nhiều tỉnh gặp khó khăn thực hiện chủ trương quan trọng này. Dù các tỉnh triển khai nhiều chương trình hành động thực hiện nhưng khá nhiều địa phương gặp vấn đề khi chưa có đủ thông tin dữ liệu, từ đó có cơ sở thiết kế các chương trình hành động hiệu quả thực tế.
Nhiều nơi đang đối mặt với những khó khăn do thiếu các giải pháp cụ thể và khả thi, phù hợp với hoàn cảnh của địa phương; thiếu vắng dữ liệu cần thiết, tin cậy đánh giá về kết quả thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh ở các địa phương.
Do đó, chỉ số PGI sẽ hỗ trợ chính quyền các địa phương nắm bắt kịp thời các vấn đề từ thực tiễn qua phản ánh của các DN, nhà đầu tư nhận diện được những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục Có thể xác định và lựa chọn các giải pháp hiệu quả và khả thi hơn, trên cơ sở cân nhắc lợi ích tổng thể. Còn với DN, nhà đầu tư, chỉ số PGI cung cấp thông tin tham khảo hữu ích trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương; nắm bắt được các ưu tiên của chính quyền trong phát triển bền vững.
Dưới góc độ địa phương, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết tỉnh Trà Vinh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn GAP gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường; chăn nuôi từng bước chuyển đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh; nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng, trồng lúa.
Phát triển công nghiệp chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng quy trình sản xuất sạch hơn; sản xuất và phân phối điện đang tập trung vào lĩnh vực điện năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời.
Nhiều chính sách đã được tỉnh ban hành và triển khai như: chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Nhờ những nỗ lực trên, Trà Vinh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chỉ số PCI năm 2022 có bước cải thiện vượt bậc từ hạng 51 năm 2021 lên hạng 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 25) hạng.
Ông Lê Văn Hẳn đánh giá PGI là một công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ chỉ số PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.
Chỉ số PGI gồm 4 chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường; chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN trong bảo vệ môi trường.
Theo Bảng xếp hạng PGI năm 2022, tỉnh Trà Vinh đạt 17,67 điểm và được đánh giá là tỉnh đứng đầu cả nước về chất lượng quản trị môi trường, định hướng tăng trưởng xanh năm 2022.
"Đạt được kết quả nêu trên là có sự phối hợp thực hiện đồng bộ, thân thiện, hài hòa các lợi ích giữa cộng đồng DN và nhà nước, sự hỗ trợ nhiệt tình của các tỉnh, thành bạn, sự phấn đấu hết mình của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức. Tuy kết quả công bố xếp hạng là tỉnh đứng đầu nhưng nhìn lại điểm số chung và điểm số các chỉ số thành phần thì tỉnh Trà Vinh cũng còn nhiều mặt hạn chế cần cải thiện hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi mong tiếp tục được sự hỗ trợ của VCCI, các tỉnh, thành và sự ủng hộ chia sẻ đồng hành của cộng đồng DN để góp phần vào thành công trong hành trình cải thiện sức cạnh tranh, chuyển đổi xanh của nền kinh tế để tỉnh Trà Vinh đi kịp với các tỉnh trong khu vực và cả nước", ông Lê Văn Hẳn nói.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẳng định Long An không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, đồng thời ưu tiên các dự án nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, công nghệ cao. Tỉnh kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án chưa hoàn thiện các thủ tục bảo vệ môi trường. Công tác thanh tra kiểm tra môi trường hàng năm được thực hiện kịp thời, không để tái diễn các trường hợp vi phạm.
"Thời gian tới tỉnh sẽ rà soát ban hành các văn bản bảo vệ môi trường, kịp thời triển khai cộng đồng DN dễ tiếp cận tăng cường tuyên truyền kêu gọi sự tham gia của cộng đồng; đẩy mạnh kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật về môi trường, đẩy mạnh thu hút, xã hội hóa công tác xử lý rác thải nước thải, cho đô thị , khu công nghiệp và khu kinh tế", ông Huỳnh Văn Sơn nói.
Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết từ năm 2012, tỉnh này đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng.
Hằng năm tỉnh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2016–2020, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí kinh phí hơn 36 tỷ đồng để thực hiện 24 nhiệm vụ, đề án nghiên cứu khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường.
"Thành phố Cẩm Phả vốn là nơi khai thác than chủ lực dù có ảnh hưởng đến môi trường nhưng hiện nay đã bắt đầu phát triển du lịch rất mạnh, trong đó có khu tắm khoáng nghỉ dưỡng Onsen cao cấp thu hút đông khách du lịch. Tại Cẩm Phả, Quảng Ninh đã khởi công dự án điện khí LNG 2 tỷ USD dự kiến cung cấp 9 tỷ kWh điện/năm", bà Vũ Thị Kim Chi cho hay.
Huy Thắng