Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. - Ảnh: VGP/Thành Trung |
Tại Hội thảo "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 28/4, nhiều ý kiến cho rằng chưa bao giờ báo chí có môi trường thuận lợi như hiện nay trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Giải báo chí tầm cỡ quốc gia về phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng lần đầu tiên được tổ chức.
Nhà báo Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết đây là hội thảo quan trọng theo gợi ý của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhằm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hai mặt của một vấn đề
Nhiều ý kiến tại hội thảo đặt ra vấn đề bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, đồng thời lưu ý các nhà báo, các cơ quan báo chí cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tránh vi phạm khi tác nghiệp.
Theo nhà báo Thuận Hữu, trên thực tế không phải ở đâu và lúc nào, vai trò của báo chí trong công tác này cũng được nhận thức một cách đầy đủ. Và không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Mặt khác, ngay chính bản thân các nhà báo không phải lúc nào cũng có đủ nhận thức, tri thức và kỹ năng tác nghiệp, để vừa tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn nghề nghiệp cho bản thân và cho cơ quan báo chí.
Cho rằng một bộ phận người làm báo vẫn còn tâm lý dè dặt, e ngại khi tiến hành điều tra, viết bài phản ánh về tham nhũng, tiêu cực, nhà báo Phùng Sưởng, báo Tiền Phong đề nghị cần sớm nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung các quy định bảo vệ tác nghiệp, bảo vệ nhà báo khi đi làm nhiệm vụ, tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân. Sớm bổ sung chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định, đặc biệt với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm thì cần có chế tài trong việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời...
Băn khoăn về những rào cản, khó khăn, vướng mắc đặt ra với báo chí, nhà báo Duy Thanh, báo Đại đoàn kết nhắc đến thực tế là trong nhiều vụ việc tiêu cực, báo chí yêu cầu cung cấp thông tin nhưng một số cơ quan, tổ chức vẫn từ chối, song “cho đến nay chưa ai bị xử phạt vì từ chối cung cấp thông tin cho báo chí”.
Mặt khác, nhà báo này cho rằng đã đến lúc cũng cần đặt ra vấn đề chống tiêu cực ngay trong lực lượng báo chí. “Đã có tình trạng dư luận xã hội hoài nghi và thiếu niềm tin vào báo chí. Tôi cho rằng các tòa soạn cần xây dựng những quy định về tác nghiệp trong đấu tranh chống tiêu cực, nếu không sẽ dễ dẫn đến việc chống tiêu cực nhưng thiếu chính xác, thiếu khách quan, thậm chí sai phạm, dễ rơi vào vị thế của người kết án, buộc tội thay cho tòa án”, nhà báo Duy Thanh trăn trở.
Chia sẻ quan điểm này, PGS. TS, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, nhắc tới quyền hiến định về tự do báo chí, tự do ngôn luận. Nhưng bảo đảm thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân, cơ quan can thiệp vào hoạt động xét xử cũng là nguyên tắc hiến định.
“Báo chí tự do đến đâu, thể hiện sự tự do đó thế nào để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng không can thiệp, xâm phạm nguyên tắc độc lập tư pháp nói chung, xét xử nói riêng?”, Trung tướng Trần Văn Độ chia sẻ.
Với 30 năm trong ngành Tòa án, Trung tướng Trần Văn Độ khẳng định báo chí có vai trò rất lớn trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhưng mặt khác, cũng còn rất nhiều vấn đề đặt ra.
“Khi đưa tin về các vụ án, nhiều bài báo đưa tin, miêu tả tội ác rùng rợn, thậm chí đòi phải tử hình nghi phạm. Nhưng sân nhà nạn nhân không có một bông hoa nào. Trong khi đó, tôi thấy như trong một vụ khủng bố ở Pháp, dù hàng trăm người chết, quảng trường đầy hoa cho người đã mất, nhưng báo chí không đòi tử hình hung thủ, bởi họ biết đấy là việc của cơ quan pháp luật phải làm”, Trung tướng Trần Văn Độ giãi bày.
Ông mong muốn báo chí tham gia mạnh mẽ đấu tranh phòng chống tiêu cực, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, bác ái; hợp tác cùng các cơ quan tư pháp để công lý được thực thi. Ông cho rằng báo chí cần tránh việc “xét xử trước”, bởi một trong những hành vi bị cấm với hoạt động báo chí là quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa.
Mở cánh cửa thông tin cho báo chí
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết MTTQ Việt Nam muốn "chia lửa" với báo chí và cùng phối hợp để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “bước sang trang mới”.
“Cảm ơn các nhà báo đã tiếp lửa cho Mặt trận trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và nhất định công tác này sẽ được tổ chức với chất lượng, hiệu quả cao hơn để gìn giữ tương lai tươi đẹp của đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Liên đoàn Luật sư, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp biên soạn một cuốn sổ tay, hệ thống hóa những quy định Nhà nước liên quan đến hoạt động báo chí phòng, chống tham nhũng. Trong đó, mới nhất là Nghị định số 09/2017/NĐCP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Hiện, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang làm việc với các bộ ngành, địa phương giám sát và công khai hóa các kết luận thanh tra. Tiến tới, MTTQ sẽ tiếp tục giám sát và thúc đẩy việc công khai hóa về kết quả đấu thầu các dự án; việc thực hiện quy chế phát ngôn... Đây là nguồn mở với báo chí.
“Chúng ta cần giám sát thực hiện quy chế phát ngôn tại thời điểm nhất định trong năm. Nếu giám sát được thì sẽ “mở cánh cửa” thông tin minh bạch cho báo chí”, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Người đứng đầu Mặt trận cũng cho biết Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ theo dõi sát thông tin về các vụ việc tham nhũng, lãng phí trên báo chí và sẽ đồng hành cùng báo chí, cùng các nhà báo trong công tác này.
“Trung ương MTTQ sẽ chọn những vấn đề cụ thể để đi đến cùng. Tuy nhiên, với hàng trăm bài báo chống tiêu cực, tham nhũng mỗi tháng thì để những vụ việc báo chí nêu được giải quyết, cần có sự tham gia của cả hệ thống Mặt trận”, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ cũng cho rằng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, vai trò của báo chí không chỉ là phát hiện vụ việc mà còn là chỉ ra nguyên nhân tham nhũng, qua đó kiến nghị các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách. Đây cũng là nội dung được các cơ quan quản lý hết sức quan tâm.
Hà Chính