Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Doanh nghiệp FDI tin tưởng vào công nghệ Việt
Là nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu Hàn Quốc và đã mở rộng kinh doanh trên toàn cầu, ông Park Ye Seol, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc là 2 quốc gia có nhiều tương đồng, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, Việt Nam cũng là thị trường rộng lớn… Nhận thấy những tiềm năng này từ lâu, Orion Vina đã mở rộng nhà máy đầu tiên ở Bình Dương năm 2006.
"Trong nhiều năm qua, crhúng tôi rất vui mừng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi luôn nhận được hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương cho quá trình chuyển đổi sang mô hình công nghiệp thông minh", ông Park Ye Seol cho biết.
Đây cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, các nhà khởi nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ địa phương phát triển các giải pháp công nghệ 4.0 như nhà máy thông minh, thành phố thông minh trong thời gian qua.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina cũng cho rằng, trong thời gian đầu triển khai chuyển đổi số, Công ty cũng có sự hoài nghi đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Tuy nhiên, sau nhiều lần thảo luận, đánh giá cùng các đội ngũ chuyên gia ở Hàn Quốc, Orion Vina đánh giá cao giải pháp nhà máy thông minh do Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC và VNPT phát triển, với kiến trúc hiện đại, chức năng đầy đủ, thông minh, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, không thua kém các giải pháp quốc tế, nhưng chi phí lại rất phải chăng, phù hợp.
"Đặc biệt, nhà máy đã hoạt động gần 20 năm của chúng tôi được nâng cấp thành nhà máy thông minh, ứng dụng các công nghệ hiện đại như IoT, big data, AI. Mặc dù, có những thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện nhưng các kỹ sư của Việt Nam đã chứng minh cho chúng tôi thấy sự tự tin, năng lực và khả năng triển khai rất tốt", Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina khẳng định.
Theo tính toán ban đầu, khi nhà máy thông minh này được hoàn thành sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, gia tăng năng suất nhanh chóng và hiệu quả.
Về lâu dài, nhà máy thông minh sẽ hướng tới hoàn thiện hệ thống tự động hoá, hoạt động điều hành và quản lý sản xuất thông qua các hệ thống, hướng tới quản trị tổng thể và mục tiêu cao nhất là xây dựng các dây chuyền sản xuất thực hành, nguồn nhân lực được đào tạo để giám sát, vận hành các dây chuyền thông minh.
Là một doanh nghiệp FDI phát triển lâu dài tại Việt Nam, lãnh đạo Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina đề nghị Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Việt Nam cần xây dựng chính sách ở quy mô quốc gia, trong đó hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thông minh bao gồm cả doanh nghiệp FDI, đặc biệt đối các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Đồng thời, cần có nhiều nhà kiến tạo hạ tầng, chủ động kiến tạo các hệ sinh thái cho doanh nghiệp số và giải pháp số gắn liền với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhằm nắm rõ nhu cầu và tác động trực tiếp vào quá trình chuyển đổi, từ đó tạo ra thị trường để thu hút các nhà đầu tư thế hệ mới cũng như hỗ trợ giải pháp công nghệ địa phương.
Chính phủ cũng cần quan tâm phát triển các doanh nghiệp trong nước làm chủ các công nghệ, để tạo ra các phương tiện sản xuất công nghệ vận hành tự động hoá; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp 4.0, trong đó có công tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ để người Việt làm chủ về công nghệ...
Số hoá trong lĩnh vực nông nghiệp
Cũng tại Chương trình chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia, ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH trang trại Lang Biang đã chia sẻ về hành trình số hoá công nghệ cao lĩnh vực nông nghiệp trang trại.
Lang Biang được thành lập cách đây 20 năm với gần 200 lao động, trong đó khoảng 60% lao động là đồng bào dân tộc, thu nhập bình quân hiện nay là 10 triệu đồng/tháng/người.
Sản phẩm chủ yếu của Công ty là rau, hoa, sản phẩm thuỷ canh. Trong đó, rau và hoa là 2 sản phẩm chủ lực của Công ty xuất khẩu sang nhiều thị trường như Hàn Quốc, Singgapore…
Ông Trần Huy Đường chia sẻ, sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp hiện nay là các loại rau, hoa ngắn ngày nên thị trường thay đổi rất nhanh. Đặc biệt, trong xã hội công nghệ cũng phát triển nhanh chóng như hiện nay, để nắm bắt được thị trường, Công ty phải tiếp cận thông tin nhanh nhất có thể, điều này bắt buộc Công ty phải chuyển đổi số.
Trước tiên, để chuyển đổi số, chúng tôi phải đưa ra tầm nhìn để đầu tư một cách có chiến lược. Khi đó, sẽ có những thứ bắt buộc phải thay đổi.
Đối với hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, Công ty phải tính toán để sử dụng được lâu dài. Điển hình, trong các trang trại hiện nay, Công ty đã dùng bản đồ số - sử dụng 16 lớp, mỗi lĩnh vực sẽ là 1 lớp. Công ty cũng đã dùng xe điện trong các trang trại để tiến dần đến phát thải dòng bằng 0, bảo vệ môi trường.
Trong việc sử dụng các phần mềm, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH trang trại Lang Biang cũng chia sẻ, trước đây có giai đoạn Công ty cũng đã phải mày mò, tìm kiếm và mua các phần mềm của nước ngoài nhưng việc sử dụng các phần mềm này rất rời rạc, không có kết nối hệ thống.
Thời gian sau, để phục vụ tiết kiệm lao động, tăng hiệu quả kinh tế, Công ty đã quyết định chuyển sang phần mềm Việt hoá, các phần mềm này khá đồng bộ trong tất cả lĩnh vực, từ sản xuất, quản trị nhân lực, tài chính, đến dữ liệu, thị trường…
"Khi chuyển đổi số, các sản phẩm của chúng tôi cung cấp ra thị trường đều có nguồn gốc xuất xứ, cung cấp dữ liệu về sản phẩm cho khách hàng, thậm chí khi khách hàng quét mã QR trên bao bì sản phẩm có thể biết được về lô sản xuất, dư lượng bảo vệ thực vật trên sản phẩm đó".
Nhấn mạnh yếu tố quan trọng để chuyển đổi số thành công là người đứng đầu phải là người quyết định; chuyển đổi số là một hành trình, không phải là một điểm đến, lãnh đạo Công ty TNHH trang trại Lang Biang đề nghị Chính phủ cần có chính sách về những phần mềm chuyên biệt cho nông dân, để phổ cập cho nông dân…
Chuyển đổi số để 'cứu' doanh nghiệp của chính mình
Chia sẻ về chủ đề ứng dụng nền tảng số tích hợp AI trong quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng suất và lợi thế cạnh tranh, với 15 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng Minh Đức cho biết, trước khi quyết tâm chuyển đổi số, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong quản lý do tính đa dạng của kinh doanh và điều hành nhiều chi nhánh.
Cụ thể, doanh nghiệp gặp khó trong việc truy xuất dữ liệu chậm, giảm khả năng mở rộng thị trường quốc tế, vấn đề trong quản lý chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Quy trình thủ công gây sai sót và tốn kém.
Trước những thách thức này, Tập đoàn đã quyết định chuyển đổi số để tối ưu chi phí và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Đến nay, sau 2 năm triển khai, Tập đoàn Minh Đức đã có nhiều thay đổi tích cực trong hoạt động kinh doanh, điều hành doanh nghiệp. Dữ liệu lưu trữ đầy đủ, liên thông xuyên suốt trên phần mềm, đảm bảo duy trì việc chăm sóc khách hàng đầy đủ (tăng 3% khách hàng mới); giảm 70% chi phí văn phòng phẩm in ấn, tiết kiệm 118 triệu đồng/năm; tiết kiệm chi phí thuê nhân sự kiểm soát 216 triệu đồng/năm…
Ngoài những lợi ích đo đếm được, ông Nghĩa khẳng định việc chuyển đổi số còn đem lại cho Tập đoàn những lợi ích lâu dài. Thay vì mất cả ngày để phê duyệt và ký kết tài liệu, lãnh đạo Tập đoàn hiện chỉ cần vài phút trên nền tảng số để phê duyệt.
Nhân viên cũng không phải chờ gặp trực tiếp lãnh đạo để xin chữ ký, quy trình giao dịch với khách hàng cũng nhanh chóng hơn chỉ trong vài phút để xác nhận, thay vì
"Doanh nghiệp cần bắt đầu thay đổi về thói quen trải nghiệm trên nền tảng số. Việc triển khai các nền tảng số không chỉ phù hợp với các doanh nghiệp xây dựng mà còn phù hợp triển khai với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tất cả các lĩnh vực khác. Doanh nghiệp Việt có thể tin tưởng và ưu tiên lựa chọn nền tảng số do người Việt phát triển", ông Trần Đại Nghĩa nhấn mạnh.
HM