Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đến nay 100% thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện tự động trên Hệ thống VNACCS/VCIS, số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia trên 99%, thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Bộ Tài chính đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Chính phủ giao, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết: Trong những năm qua, bằng việc áp dụng QLRR kết hợp với chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", ngành hải quan tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa dựa trên đánh giá rủi ro; qua đó làm giảm đáng kể tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa. Đặc biệt, ngành hải quan đã chủ động phát hiện và kiểm soát trước đối với những nguy cơ vi phạm pháp luật hải quan; tạo lập môi trường tuân thủ, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước, đáp ứng mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và yêu cầu quản lý nhà nước.
Ông Hoàng Việt Cường cho rằng, dù có cải thiện, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Thực hiện kiểm tra hải quan theo yêu cầu quản lý chuyên ngành; nội dung, phương thức kiểm tra, hiệu quả kiểm tra; thông tin, dữ liệu phân tán, chưa thống nhất, đồng bộ, chưa kịp thời cung cấp, chia sẻ đến các bên có liên quan; chưa có cơ quan đầu mối chủ trì, quản lý chung các nội dung liên quan đến QLRR trong quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành.
Dưới góc độ quốc tế, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đánh giá: Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ Việt Nam, thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có những bước cải thiện đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tỉ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 30% năm 2015 xuống còn 19%.
Ông Claudio Dordi nhấn mạnh, những thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn cần được tiếp tục cải thiện để tạo thuận lợi thương mại theo yêu cầu của Chính phủ.
Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các quy định liên quan theo hướng giảm kiểm tra, áp dụng QLRR. Đáng chú ý, một yêu cầu quan trọng được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP là "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, kiến nghị xây dựng trung tâm dữ liệu quản lý rủi ro để thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước."
Ông Nguyễn Thế Hải, Phó Cục trưởng Cục Khoa học và chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, việc xây dựng Trung tâm QLRR liên ngành tập trung là cần thiết để chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các bộ, ngành.
Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu, VASEP nhận thấy nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa được áp dụng QLRR. Chính vì vậy, VASEP đánh giá cao ý tưởng về việc xây dựng mô hình Trung tâm QLRR liên ngành tập trung do Tổng cục Hải quan đưa ra.
Theo ông Nguyễn Thế Việt, Cục Giám sát quản lý Tổng Cục Hải quan, Trung tâm QLRR mang lại nhiều lợi ích. Đối với cơ quan nhà nước thì các cơ quan được chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin cập nhật kịp thời, toàn diện liên quan đến hàng hóa, DN xuất nhập khẩu, giúp công tác điều hành, quản lý, đánh giá tuân thủ, xử lý nghiệp vụ hiệu quả hơn. Đối với người tiêu dùng và DN, giúp cung cấp thông tin liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu cho cơ quan nhà nước; khai thác, sử dụng thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp, chia sẻ để phục vụ cho hoạt động hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Việc triển khai Trung tâm QLRR phù hợp yêu cầu số hóa của Chính phủ, góp phần hiện đại hóa, tự động hóa tốt hơn, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng", ông Nguyễn Thế Việt khẳng định.
Tại Hội thảo, ông Daniel Baldwin, chuyên gia quốc tế dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã giới thiệu những thông lệ quốc tế tốt nhất về Trung tâm QLRR liên ngành tập trung, bao gồm Mô hình trung tâm xác định trọng điểm quốc gia của Cơ quan hải quan và biên giới Hoa Kỳ (US CBP) và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Anh Minh