Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, từ ngày 18/9 đến nay, số lượng địa chỉ IP của các máy tính nằm trong các mạng máy tính nhiễm virus (IP Botnet) đã giảm mạnh (từ hơn 2 triệu địa chỉ IP xuống còn trên 1,3 triệu). Trong số trên 900.000 lượt máy tính tham gia rà quét mã độc, có trên 300.000 máy (chiếm tới 1/3) máy tính bị lây nhiễm mã độc đã được các đơn vị tham gia chiến dịch phát hiện và hỗ trợ bóc gỡ.
Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” được Bộ Thông tin và Truyền thông giao NCSC chủ trì, phối hợp cùng các các doanh nghiệp trong và ngoài nước (các tập đoàn VNPT, Viettel, BKAV, FPT, CMC, Hanoi Telecom...). Đây là chiến dịch quy mô lớn, được triển khai trên diện rộng, hướng tới việc bảo đảm an toàn, lợi ích của cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân và gia đình có thiết bị kết nối internet trên môi trường mạng.
Mục tiêu của chiến dịch là giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% số lượng địa chỉ IP của hệ thống máy tính của Việt Nam nằm trong 10 mạng máy tính nhiễm virus (còn gọi là mạng ma, mạng botnet) phổ biến nhất toàn cầu. Các đơn vị thực hiện chiến dịch quyết tâm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách tốp đầu về tỷ lệ lây nhiễm mã độc trong báo cáo của các hãng bảo mật, công nghệ thông tin lớn trên thế giới.
Sau 3 tuần triển khai, đã có hơn 5 triệu lượt tiếp cận chiến dịch qua nhiều kênh thông tin trên mạng internet, các website, mạng xã hội... Nhiều cá nhân, tổ chức đã tham gia truy cập, rà soát, bóc gỡ miễn phí cho hàng nghìn máy tính của doanh nghiệp, cá nhân bị nhiễm virus, mã độc. Số lượt đơn vị, cá nhân liên hệ phản hồi qua các kênh thông tin về chiến dịch đạt khoảng 17.000 lượt.
Theo nghiên cứu của một số hãng bảo mật uy tín đã khảo sát trên phạm vi toàn cầu, tình trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam thời gian gần đây mặc dù có giảm song vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới.
Số liệu thống kê thực tế tại thời điểm trung tuần tháng 9/2020 cho thấy, Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ máy tính đang theo giao thức internet thế hệ 4 (gọi tắt là IPv4), trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; hơn 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng máy tính bị nhiễm virus lớn nhất toàn khu vực và quốc tế.
BT