Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TTXVN dẫn tuyên bố của lực lượng hải quân Mỹ cho biết, vụ va chạm xảy ra khi tàu khu trục đang thực hiện chuyến hành trình tới thăm một cảng ở Singapore và địa điểm xảy ra vụ va chạm là phía Đông eo biển Malacca và Singapore.
Ngày 21/8, các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã được tiến hành khẩn trương với sự phối hợp của chính quyền sở tại nhằm tìm kiếm 10 thủy thủ mất tích trong vụ va chạm giữa tàu khu trục tên lửa USS John S.McCain với tàu chở dầu Alnic MC ở vùng biển phía Đông Singapore sáng cùng ngày.
Theo thông tin mới cập nhật, 5 người bị thương trong sự cố hy hữu này. Một thủy thủ tàu Alnic MC cho biết vỏ tàu bị hư hại, song khẳng định rất may không xảy ra sự cố tràn dầu.
Tàu RSS Gallant của Hải quân Singapore, các máy bay trực thăng và tàu Basking Shark của Cảnh sát biển Singapore đang hoạt động tại khu vực này đã được đề nghị hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm cứu hộ, trong khi máy bay Osprey và các máy bay trực thăng Seahawk SH-60 từ tàu tấn công USS của Mỹ cũng tham gia chiến dịch này.
Giới chức Malaysia cũng cho biết đã triển khai lực lượng hải quân, không quân và Cục chấp pháp hải sự Malaysia tham gia chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ nêu trên.
Vụ va chạm xảy ra ở phía Đông eo biển Malacca và Singapore, khi tàu Alnic MC chở gần 12.000 tấn dầu đang trên đường từ Đài Loan (Trung Quốc) tới Singapore. Các báo cáo ban đầu cho thấy mạn trái phần đuôi tàu John S.McCain bị hư hại trong vụ va chạm.
Tàu hàng Alnic MC được miêu tả gắn cờ Liberia, có trọng tải 30.000 tấn, là tàu chở dầu và chất hóa học dàu 183 m. Tàu đang trên đường cập bến Singapore khi chở hàng từ cảng Pyeongtaek (Hàn Quốc).
Sự cố trên là vụ va chạm thứ hai liên quan tới một tàu hải quân ở Thái Bình Dương trong 2 tháng qua. Vụ va chạm trước đó hồi tháng 6/2017 đã khiến 7 thủy thủ thiệt mạng khi tàu USS Fitzgerald va chạm với một tàu hàng ở ngoài khơi Nhật Bản.
Trong một diễn biến liên quan, sau vụ va chạm, ngày 21/8, Hải quân Mỹ đã ra lệnh "tạm ngừng hoạt động" trên toàn cầu để đánh giá lại các hạm đội nước này.
Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, nêu rõ: "Chiều hướng hiện nay đòi hỏi hành động mạnh mẽ hơn. Vì thế, tôi đã chỉ đạo tạm ngừng hoạt động đối với tất cả các hạm đội trên toàn thế giới".
Được biết USS John S. McCain (DDG-56) là tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Nó là một phần của Hạm đội 7, đóng tại căn cứ Hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản. Tàu USS John S. McCain được hạ thủy ngày 2/7/1994 tại Bath Iron Works. Đích thân Tổng thống Mỹ George HW Bush (Bush cha) đã chủ trì buổi lễ biên chế USS John S. McCain.
Là tàu chiến thuộc lớp Arleigh Burke, USS John S. McCain sở hữu đầy đủ khả năng tác chiến hoàn hảo của lớp chiến hạm này. Theo đó, các chiến hạm lớp Arleigh Burke sở hữu chiều dài 154 m, nơi rộng nhất đạt 20 m. Với 4 động cơ cực khỏe tương đương 100.000 sức ngựa, các tàu lớp này di chuyển với vận tốc 30 hải lý/h (56 km/h).
Các tàu thuộc lớp Arleigh Burke có độ choán nước tối đa lên tới 8.900 tấn và tầm hoạt động đạt 8.100 km với vận tốc trung bình 37 km/h.
Các tàu thuộc lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis tối tân nhất thế giới, cho phép nó đánh chặn 80% tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở mọi độ cao, đồng thời phát hiện tất cả những mối nguy trên bề mặt hoặc dưới biển.
Về cơ số vũ khí, Arleigh Burke được trang bị giàn phóng tên lửa thẳng đứng MK-41, cho phép nó triển khai 90 tên lửa các loại bao gồm tên lửa đối không RIM-156 SM-2, tên lửa hành trình đối đất BGM-109 Tomahawk hoặc tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-Asroc.
Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị pháo bắn nhanh Mark 45 cỡ nòng 127/54mm, 2 súng máy phòng không cỡ nòng 25mm, 4 súng máy M2 Browning cỡ nòng 12,7mm và 2 súng máy được điều khiển bằng radar cỡ nòng 20mm.
Ngoài ra, Arleigh Burke còn được trang bị 2 hệ thống phóng ngư lôi Mk-32 với 3 ống phóng/bệ. Chiến hạm lớp Arleigh Burke còn được trang bị một chiếc trực thăng SH-60 Sea Hawk, cất và hạ cánh từ sân đỗ được thiết kế phía sau các tàu.