Chiến khu D: Căn cứ sống mãi với thời gian
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chiến khu D được coi như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Mặc dù phải đối mặt với bao khó khăn, gian khổ và sức tàn phá khủng khiếp của kẻ thù nhưng với tinh thần bất khuất, tấm lòng kiên trung với cách mạng, sự che trở đùm bọc của nhân dân, Chiến khu D đã đứng vững trước mọi thử thách của lịch sử, cùng cách mạng cả nước làm nên chiến thắng oanh liệt, vang dội trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc.
Kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4) là dịp để những đồng chí, đồng đội và nhân dân thắp nén hương thơm tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống vì nền độc, tự do của dân tộc. Cùng với cả nước, ngày từ đầu của cuộc kháng chiến Nam Bộ, trong chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 25/12/1945, việc xây dựng căn cứ địa đã được đặt ra: “Phải chọn đóng ở những địa điểm chiến lược lợi hại: tiến có thể đánh, lùi có thể giữ…kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui phải hết sức chu đáo…”. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 20-2-1946, Khu bộ Khu 7 tổ chức cuộc họp tại Lạc An và quyết định thành lập căn cứ địa kháng chiến tại 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An. Công tác quy hoạch, xây dựng căn cứ được triển khai: các cơ quan, đơn vị, công xưởng được bố trí từng khu vực. Mỗi khu vực đều có phương án di chuyển và mang một mật danh là A, B, C, D. Trong đó, D là khu vực tổng hành dinh Khu 7 đóng ở hố Ngãi Hoang và thường được gọi là "Chiến khu Đ". Đây được xem là sự ra đời của Chiến khu D, căn cứ cách mạng chính thức và đầu tiên của tỉnh Biên Hòa. Cùng với Chiến khu D, một hệ thống căn cứ địa lớn của hệ thống căn cứ kháng chiến của Nam Bộ đã ra đời, gồm: Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đồng Tháp Mười, Chiến khu U Minh, có nhiệm vụ vừa sản xuất, gây dựng cơ sở cách mạng trong các buôn sóc, trong đồng bào dân tộc, vừa bảo đảm nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ và cơ quan lãnh đạo, chiến đấu và tiếp nhận hàng hóa của Trung ương để từ đó phân phát cho các đơn vị trên chiến trường.
Để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, căn cứ Chiến khu D không ngừng được mở rộng. Từ năm 1948 trở đi, Chiến khu D được mở rộng ra, lấy đường 16 từ phía tây và sông Đồng Nai từ phía nam làm ranh giới để không ngừng mở mang lên phía bắc tới Phước Hòa về phía đông tới sông Bé; rồi vượt qua sông Bé phát triển mãi lên phía bắc và đông bắc. Mặc dù vậy, phạm vi chủ yếu của chiến khu nằm trên vùng đất: tây giáp đường 16, đoạn từ thị trấn Tân Uyên lên Cổng Xanh; bắc giáp sông Bé, đoạn từ cầu Phước Hòa lên Chánh Hưng đến ngã ba Hiếu Liêm và nam giáp sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba Hiếu Liêm về thị trấn Tân Uyên. Sự tồn tại, phát triển của lực lượng cách mạng từ Chiến khu D trở thành mối đe dọa cho sự tồn tại của quân Pháp ở Nam bộ, chúng xem Chiến khu D là trọng điểm cần phải tiêu diệt nên đã dùng thủ đoạn: từ hành quân càn quét quy mô lớn kết hợp cả bộ binh, hải quân, không quân đến thủ đoạn tâm lý chiến, gián điệp, biệt kích để đánh phá Chiến khu D nhưng tất cả đều thất bại. Bằng sự tinh thần bất khuất và tấm lòng kiên trung với cách mạng, quan dân Chiến khu D đã đứng vững và đập tan mọi cuộc tấn công của kẻ thù, giữ vững vùng căn cứ cách mạng.
Chiến khu D là nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, do qui mô cuộc chiến tranh ở mức cao hơn, từ phạm vi chiến khu cũ (chủ yếu nằm trên địa bàn Tân Uyên), trung tâm chiến khu chuyển dần lên phía đông bắc. Đến đầu năm 1975, sau khi giải phóng Phước Long, các khu căn cứ được xây dựng hoàn chỉnh, phạm vi phát triển đến mức cao nhất. Toàn bộ Chiến khu D nằm ở phía bắc sông Đồng Nai, phía tây giáp tỉnh Bình Dương và cắt qua địa phận hai tỉnh Phước Long, Bình Long (nay là Bình Phước), phía bắc vươn xa giáp biên giới Việt Nam-Campuchia (đoạn từ Bù Đốp đến Bù Đăng), phía đông giáp các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, diễn biến vùng căn cứ có nhiều thay đổi, nhưng địa danh Chiến khu D luôn gắn bó với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng chiến khu như máu thịt. Đối với nhân dân cả nước ngày nay Chiến khu D không đơn thuần là một địa danh lịch sử mà là một biểu tuợng hào hùng của đất nước Việt Nam, một Việt Bắc của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc. Cái tên Chiến khu D đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, đẹp đẽ, hào hùng, tiêu biểu cho ý chí cách mạng, đồng thời là nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
B.T