Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về kim ngạch xuất khẩu, với tốc độ tăng trưởng 17 %/năm, gần gấp đôi tốc độ tăng GDP, dự kiến năm nay lượng ngoại tệ thu về từ xuất khẩu là 31,2 tỉ đô la Mỹ, bình quân đầu người đạt 382 đô la Mỹ.
Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Tỷ lệ hàng khoáng sản giảm từ 37,2% vào năm 2000 xuống còn 31,9% hiện nay. Hàng nông, lâm, thủy sản từ 29% xuống còn 27%, trong khi đó hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ 33,8% lên 41%.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan như vậy song nếu đặt trong bối cảnh thị trường toàn cầu thì vị trí của nền ngoại thương Việt Nam thật nhỏ bé, chỉ chiếm 0,3% tổng giá trị thương mại thế giới (số liệu năm 2003).
Hiện nay, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN đã khẳng định được vị trí trên thị trường thế giới nhưng VN vẫn chưa phải là đối tác thương mại quan trọng.
Ông Doanh giải thích, theo tập quán thương mại thế giới, một mặt hàng chiếm không tới 8% thị trường thế giới thì nước xuất khẩu mặt hàng đó chưa phải là đối tác thương mại quan trọng. Trong khi đó, VN chỉ chiếm 5,8% thị trường cà phê thế giới, 5,4% về giày dép, 4,9% về hạt tiêu và gia vị, 4,7% về gạo, 1,7% về hàng may mặc, 1,2% về đồ gỗ nội thất...
Trong điều kiện như thế thì việc xây dựng chiến lược thị trường phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Ông Doanh cho rằng: “Chiến lược thị trường “ngách” là cách tiếp cận thích hợp”. Bằng cách đó, VN có thể tránh đối đầu trực tiếp với các đối thủ cạnh tranh có tiềm lực hơn hẳn trên sân chơi toàn cầu.
Hơn nữa, cũng nên chú ý với một số mặt hàng như cà phê, chè, tiêu... có độ đàn hồi của thị trường thấp, tức là nhu cầu tiêu dùng không thể tăng hoặc giảm thật mạnh, thì việc gia tăng xuất khẩu một cách ồ ạt có thể dẫn đến nguy cơ giá cả bị sụt giảm. Trong trường hợp này nên chuyển sang chế biến để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Một điểm đáng chú ý khác là sự hỗ trợ của Nhà nước cho các ngành xuất khẩu cũng cần kịp thời và chính xác. Một dẫn chứng được ông Doanh nêu ra là trường hợp ngành cao su và chế biến hạt điều. Tuy kim ngạch xuất khẩu cao su và hạt điều hiện nay xấp xỉ nhau nhưng thời gian qua cây cao su được Nhà nước đầu tư rất lớn (3,2 tỉ đô la Mỹ), chiếm những vùng đất màu mỡ, trong khi cây điều không được Nhà nước đầu tư, trồng trên đất khô cằn. Hoặc như ngành sản xuất đồ gỗ nội thất cũng là hiện tượng đáng ghi nhận với sự năng động của khu vực tư nhân trong điều kiện trợ giúp của Nhà nước rất giới hạn.
Những rào cản trong lĩnh vực xuất khẩu còn do các thể chế kinh tế thị trường ở nước ta chưa phát triển như tín dụng xuất nhập khẩu, bảo hiểm hàng hóa. Các dịch vụ trợ giúp như thiết kế kiểu dáng, tư vấn pháp lý thương mại... còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng yếu kém, nền hành chính công chưa phục vụ tốt các yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp chưa có sự đầu tư xứng đáng cho nguồn nhân lực (về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ...), vật lực (công nghệ thông tin).
Tất cả những nguyên nhân kể trên góp phần làm tăng chi phí kinh doanh và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
(Bộ Công nghiệp)