Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Tin nhắn của các thợ mỏ. Ảnh: TTXVN |
Sáng nay, 14/10 (giờ Việt Nam), người thợ mỏ cuối cùng trong số 33 thợ mỏ bị mắc kẹt, Luis Urzua, 54 tuổi, đã được đưa lên mặt đất an toàn, đánh dấu việc hoàn tất cuộc giải cứu lịch sử.
"Chúng tôi vẫn ổn"
Đó là tin nhắn mà đội cứu hộ nhận được từ những người thợ mỏ Chile bị mắc kẹt dưới lòng đất sau nhiều ngày nỗ lực giải cứu.
Ngày 5/8/2010, một mỏ đồng và vàng ở San José, phía Bắc Chile bị sập làm 33 thợ mỏ bị mắc kẹt dưới độ sâu 700m. Các thợ mỏ đã kịp chạy vào hầm trú ẩn. Tại đây có thực phẩm đủ dùng cho họ trong 4 ngày. Hy vọng sẽ được giải cứu, những người thợ mỏ chỉ 2 ngày mới ăn 1 lần, mỗi lần 2 muỗng cá ngừ, 1 mẩu bánh quy và “tráng miệng” bằng một ngụm sữa.
Hàng trăm nhân viên cứu hộ Chile nỗ lực đào một đường hầm mới nối với hầm cứu hộ để đưa những thợ mỏ mắc kẹt trên ra ngoài. Đến ngày thứ 17 (ngày 22/8), khi cánh tay robot của đội cứu hộ được đưa xuống căn hầm, các thợ mỏ đã đính kèm một mẩu giấy ghi dòng chữ: “33 người chúng tôi đều ổn cả”.
Mẩu giấy đã khiến cả đất nước Chile vui sướng đến nghẹn ngào. Bởi, trong 17 ngày nghẹt thở, các đội cứu hộ đã 7 lần thất bại khi cố gắng tiếp cận căn hầm lánh nạn. Phải đến lần thứ 8 thì mũi khoan mới chạm căn hầm thành công.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Pinera đã cho công chúng xem một tin nhắn được viết bằng bút chì đỏ của những người thợ mỏ, thông báo họ đang trú trong một hầm cứu hộ có đầy đủ oxy, nước uống và lương thực.
Kể từ đó, các thợ mỏ được cung cấp lương thực, nước uống và các phương tiện liên lạc thông qua các đường ống nhỏ nối với hầm cứu hộ.
![]() |
Chiếc lồng đặc biệt Phượng Hoàng dùng để đưa các thợ mỏ lên mặt đất. Ảnh: VnExpress. |
Chiến dịch giải cứu chưa từng có
Lực lượng cứu hộ bắt tay vào cuộc giải cứu những người thợ mỏ với quyết tâm cao độ. Họ dùng 1 máy khoan mỏ có thể khoan sâu 2km với tốc độ 20-40m/ngày. Và đến ngày 16/9, mũi khoan đã tiếp cận được vị trí các thợ mỏ mắc kẹt.
Chiến dịch giải cứu cuối cùng bắt đầu từ sáng 13/10 (giờ Việt Nam).
Theo đúng kế hoạch, các nhân viên cứu hộ Chile đã xuống lòng đất. Ngay sau đó, đội cứu hộ sẽ tổ chức sắp xếp thứ tự cũng như chuẩn bị tâm lý giúp những người thợ mỏ chinh phục quãng đường “trở lại mặt đất”. Những người nhanh nhẹn sẽ được đưa lên đầu tiên, tiếp theo là những người yếu nhất và cuối cùng là những người còn sung sức nhất.
Để đưa 33 thợ mỏ từ độ sâu 700 m lên mặt đất, người ta dùng chiếc cabin đặc biệt Fenix II (Phượng Hoàng) nặng 400kg, được neo bằng hệ thống ròng rọc với thời gian dự tính là 48 tiếng đồng hồ.
Và rồi sự khát khao, nỗi mong chờ của gia đình 33 người thợ mỏ bị mắc kẹt cũng như 17 triệu người dân Chile đã trở thành hiện thực khi Florencio Avalos, 31 tuổi, người đầu tiên trong nhóm đã được giải cứu thành công.
![]() |
Tổng thống Chile ôm hôn người thợ mỏ đầu tiên được giải cứu, anh Florencio Avalos. Ảnh: TTXVN |
Đến 7h30 tối 13/10 (giờ Việt Nam), thợ mỏ thứ 11 Jorge Galleguillos đã được đưa lên mặt đất. Hai đồng nghiệp được giải thoát trước anh là Alex Vega Mario Gomez.
Với tốc độ tăng dần và không có sai sót, lần lượt toàn bộ 33 thợ mỏ Chile đã vượt qua đường hầm dài 700m lên tới mặt đất. Quá trình giải cứu những người mắc kẹt trong lòng đất lâu nhất thế giới đã thành công.
Thợ cả Luis Alberto Urzua, 54 tuổi, là người cuối cùng lên mặt đất, đánh dấu sự kết thúc quá trình giải cứu hoàn hảo khiến cả thế giới dõi theo.
Không khí như nổ tung khi Urzua bước ra khỏi chiếc lồng Phượng Hoàng. Tiếng vỗ tay, tiếng còi rú, tù và vang lên hồi lâu. Urzua ôm lấy Tổng thống Chile Sebastian Pinera và nói rằng những người thợ mỏ đã chiến thắng hoàn cảnh khó khăn. Tổng thống Pinera cùng đám đông hát vang quốc ca Chile.
Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich nói rằng một số người trong tình trạng sức khỏe tốt có thể rời bệnh viện ngay trong tối nay, sớm hơn dự định rất nhiều. Tuy nhiên nhiều người trong số họ không ngủ được vì muốn nói chuyện với người thân…
Chiến dịch cứu hộ với chi phí khoảng 22 triệu USD thành công khi cứu được 33 thợ mỏ bị mắc kẹt trong lòng đất 69 ngày là khoảng thời gian dài kỷ lục mà con người bị kẹt dưới lòng đất và sống sót trở về.
Cuộc giải cứu đã thu hút sự quan tâm lớn của công chúng, được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình từ Mỹ đến châu Âu và Trung Đông, còn tại hiện trường, có hơn 1.000 nhà báo đến theo dõi đưa tin.
Nguyễn Chiến