Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 3, sau khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày thẩm tra Báo cáo của Chính phủ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng động doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cùng với sự chuyển hướng từ chiến lược "phòng, chống dịch COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19". Kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, GDP quý IV tăng 5,22%, cả năm đạt 2,58%, nhờ đó, đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Có 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 đạt và vượt kế hoạch. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát. Nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. GDP quý I năm 2022 tăng 5,03%. Kinh tế vĩ mô ổn định. Các ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng trở lại.
Trong 4 tháng đầu năm, hơn 30.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so với cùng kỳ. Đời sống, việc làm người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại được tăng cường. SEA Games 31 được tổ chức rất thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong và ngoài nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, dự báo từ nay đến cuối năm 2022, KTXH còn gặp nhiều thách thức. Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH) và cả giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tới khoảng 6,5-7%, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần lưu ý các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Đó là, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; bao phủ tiêm vaccine phù hợp; nâng cao năng lực phòng, chống dịch, điều trị bệnh; bảo đảm nguồn cung, kiểm soát chặt chẽ việc mua, sử dụng thuốc, vật tư y tế cho phòng, chống dịch.
Bám sát diễn biến của dịch COVID-19, căng thẳng địa kinh tế, địa chính trị và chính sách phòng, chống dịch COVID-19 của các nước, động thái chính sách của các ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn; kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn; kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh.
Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư; có chính sách bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là điện, than, xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng.
Có giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, tránh gián đoạn sản xuất, xuất khẩu và mở cửa du lịch, phát triển thị trường nội địa. Lưu ý vấn đề an ninh năng lượng, bảo đảm điện năng cho sản xuất và tiêu dùng.
Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, các chính sách an sinh xã hội; mở cửa trở lại trường học phù hợp, bảo đảm chất lượng dạy và học. Tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm; bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Cần đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, đặc biệt chú ý tới chất lượng các quy hoạch trước khi phê duyệt. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cân đối hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng; thúc đẩy quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; khẩn trương hoàn thiện danh mục dự án của các nguồn vốn đầu tư chưa được phân bổ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định.
Tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả. Chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công; tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Tiếp tục rà soát, thu hồi, cắt giảm, tiết kiệm nguồn kinh phí theo đúng Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; chú trọng việc dự báo, bảo đảm tính kịp thời trong thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó tập trung cho một số luật quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Thực hiện tốt việc kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư cho công tác quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai và cải thiện các chỉ số chất lượng quản lý hành chính đất đai.
Ttăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; có giải pháp, phấn đấu giảm số đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.
Hải Liên