Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 7
(Chinhphu.vn) - Vấn đề tiêm vaccine phòng chống COVID-19, gỡ vướng lưu thông hàng hóa, các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... là những nội dung được báo chí quan tâm, đặt nhiều câu hỏi tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 chiều 11/8.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
PV Khánh Huyền (VTV): Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã gây thiệt hại lớn cho kinh tế và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Được biết Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất Thường trực Chính phủ để gỡ rối cho doanh nghiệp. Xin hỏi đến nay, Chính phủ đã trình UBTVQH phê duyệt gói hỗ trợ này chưa và dự kiến sẽ miễn giảm những loại thuế gì?
Hiện nay hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán HOSE đã thông suốt, ổn định. Xin hỏi bao giờ thì có thể thực hiện giao dịch lô 10 để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Bộ Tài chính đã có chỉ đạo đối với việc triển khai các giải pháp để sớm nhất trong tháng 8 có thể quay lại lô giao dịch 10 trước khi tăng lô lên. Tôi cũng vừa nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, báo cáo tình dịch dịch bệnh ở TPHCM, nơi Sở Giao dịch Chứng khoán đóng trụ sở, rất căng thẳng. Ngay chính Sở Giao dịch Chứng khoán cũng có F0 nên việc triển khai test hệ thống rồi giao dịch chuyển thử có khả năng chậm lại. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để khi tình hình dịch bệnh ở TPHCM cũng như ở Sở GDCK TPHCM cho phép thì ngay lập tức hoạt động trở lại. Hy vọng với tiến độ kiểm soát dịch bệnh ở TPHCM, chúng ta có thể trở lại trong tháng 8 này.
Liên quan đến các chính sách sắp tới theo Nghị quyết cũng như chỉ đạo của Quốc hội đối với việc hỗ trợ các DN và các tổ chức, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh, như các đồng chí đã biết, các chính sách của năm 2020 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện là gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm các khoản thuế phí, lệ phí. Dự kiến trong năm 2021, khoản hỗ trợ là 118.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định một số giải pháp:
Tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ, chúng tôi dự kiến có doanh thu dưới 200 tỷ đồng; giảm các loại thuế phải nộp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh hàng quán với mọi hình thức khai nộp thuế, chúng tôi dự kiến là sẽ giảm 50%.
Giảm thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như GTVT, kinh doanh lưu trú, du lịch…
Miễn tiền chậm nộp thuế cho người nộp thuế gặp khó khăn.
Giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn, tổng giá trị ước tính của gói hỗ trợ tiếp theo mà Bộ Tài chính đang đề xuất là trên 20.000 tỷ đồng.
Về tiến độ triển khai, chúng tôi đang lấy và tổng hợp các ý kiến để báo cáo các bộ, ngành liên quan, tổng hợp để báo cáo Chính phủ, đảm bảo trong phiên họp gần nhất của UBTVQH, Chính phủ sẽ trình để UBTVQH xem xét, quyết định theo thẩm quyền và theo Nghị quyết của Quốc hội.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
PV Nguyên Ngọc (kênh truyền hình VITV): Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và lan rộng nhưng tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam được cho là còn rất chậm. Xin hỏi Bộ Y tế có thể cho biết tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam, đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, như thế nào? Trong thời gian tới để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, Bộ Y tế có giải pháp như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Hiện tại trên cả nước đã tiêm được hơn 11 triệu liều vaccine trên tổng số khoảng 18 triệu liều vaccine đã cấp, chiếm khoảng 65%.
Hiện tại, tổng số vaccine được cấp tại TPHCM là 4.075.270 liều. Thành phố đã tiêm được 3.598.687 liều, chiếm 88,2%. Trong hôm nay 11/8 và ngày mai (12/8), Thành phố sẽ tiêm hết số vaccine được cấp, đồng thời dự kiến tiếp tục triển khai tiêm vaccine khác như Sinopharm.
Đối với TP. Hà Nội, hiện Thành phố được cấp 2.944.910 liều, đã tiêm được khoảng 1 triệu rưỡi liều, chiếm khoảng trên 50%, trong thời gian tới, TP. Hà Nội cũng tăng tốc tiêm vaccine.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho Hà Nội, TPHCM cũng như các địa phương khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch cụ thể với lượng vaccine dự kiến phân bổ theo từng tháng để các tỉnh, thành phố chủ động hơn trong công tác triển khai tiêm chủng.
Thứ hai, Bộ Y tế cũng đã có công văn đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương tiêm vaccine, không để tồn vaccine, nếu không sẽ điều chuyển cho các tỉnh khác. Qua một số văn bản như vậy thì thấy tốc độ tiêm tại các tỉnh, thành phố nhanh hơn.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng phải an toàn, bảo đảm tiêm mũi nào an toàn mũi ấy. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị, đặc biệt là các dụng cụ, thuốc men cũng như xe lưu động, các cơ sở, đặc biệt là hồi sức, cấp cứu được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Tới đây, khi lượng vaccine về nhiều hơn, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng tốc công tác tiêm chủng, ngành y tế phối hợp với lực lượng quốc phòng, công an có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi vaccine trong một ngày.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phóng viên VOV: Hiện nay các DN đang găp khó khăn khi vừa tuân thủ các biện pháp chống dịch, vừa phát triển kinh tế, trong đó có việc lưu thông hàng hóa. Xin hỏi về việc tháo gỡ những khó khăn trong lưu thông hàng hóa?
Xin hỏi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn về lãi suất vốn vay cho người dân và DN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Như các nhà báo đã biết, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, nhưng trên thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương hiểu và áp dụng các quy định nêu trên khác nhau gây ra khó khăn thậm chí ách tắc trong lưu thông hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản trao đổi với Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng…và hướng dẫn các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp để có tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong lưu thông hàng hóa nhưng chưa khắc phục được hoàn toàn tình trạng này.
Ngày 27/7 vừa qua, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 4482/BCT-TTTN báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất về việc tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Tại Công văn này, Bộ Công Thương đề nghị tất cả hàng hóa đều được lưu thông bình thường (trừ hàng hóa trong Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật). Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã hành động rất quyết liệt và kịp thời khi chỉ 2 ngày sau, ngày 29/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có Công văn số 5187/VPCP-CN về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, tất cả các loại hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, sinh hoạt của người dân được vận chuyển, lưu thông bình thường (trừ hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành).
Đến nay, có thể đánh giá, hàng hóa về cơ bản đã được lưu thông thuận lợi, ổn định. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp vẫn còn hiện tượng tài xế gặp khó khăn khi lưu thông qua một số chốt kiểm dịch tại một số địa phương. Vì thế, chúng tôi tha thiết mong muốn và đề nghị các địa phương bên cạnh việc tập trung kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại địa phương, cũng cần quan tâm thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đó là "vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất ", trong đó có việc tạo điều kiện cho hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lưu thông thuận lợi, nhanh chóng.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, Bộ GTVT đã khẩn trương có các văn bản gửi UBND các địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tại các địa phương thực hiện đồng loạt một số giải pháp chủ yếu để tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.
Thứ nhất, không thực hiện kiểm tra tại các chốt kiểm soát, trên tất cả các tuyến đường đối với các phương tiện đã được cấp mã QR do ngành giao thông cấp. Phương tiện vận chuyển hàng hóa nào chưa được cấp mã QR, lái xe phải trình giấy xét nghiệm kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72 tiếng.
Chỉ thực hiện hậu kiểm tại các điểm bốc xếp hàng hóa và đề nghị các địa phương cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định này. Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xem xét ưu tiên tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 cho đội ngũ lái xe vận tải, các phụ xe, công nhân bốc xếp hàng hóa. Đồng thời Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị chuyên ngành của Bộ công bố đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong việc lưu thông hàng hóa.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải theo dõi và nắm bắt kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19, của Bộ Y tế để có tham mưu kịp thời đưa ra phương án tổ chức giao thông vận tải hàng hóa, đảm bảo không xảy ra tình trạng ùn tắc.
![]() |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Trước hết, về lãi suất của các DN, ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo các NHTM hạ các mức lãi suất. Trong năm 2020, NHNN đã hạ lãi suất điều hành và các NHTM đã hạ lãi suất cho vay. Mức giảm trung bình khoảng 1,2-1,5% trong năm 2020 so với mức lãi suất trước đó. 7 tháng đầu năm 2021, lãi suất đã giảm thêm khoảng 0,5% nữa.
Trước tình hình dịch bệnh lan rộng tại các địa phương và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng và thiết yếu đối với DN lúc này. Vì thế, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM vừa cắt giảm chi phí hoạt động tối đa để tạo điều kiện giảm lãi suất và chia sẻ lợi nhuận của NHTM để giảm lãi suất cho DN hiện nay. Thực hiện chỉ đạo này, Hiệp hội Ngân hàng (16 NHTM) có quy mô lớn nhất đã nhất trí và cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất tiếp cho các nhóm đối tượng trên tinh thần "khó khăn ít thì giảm ít, khó khăn nhiều thì giảm nhiều". Các NHTM đã cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỷ đồng.
Vừa qua có thông tin về việc NHNN đưa ra gói hỗ trợ 20.500 tỷ đồng. Tôi xin đính chính là không có gói này, chủ yếu là các NHTM công bố lãi suất sẽ giảm và bằng các phương pháp giảm khác nhau, tùy theo quy mô điều kiện của mỗi ngân hàng.
Ngoài ra, 4 NHTM có vốn Nhà nước gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng thuận và nhất trí sẽ giảm lãi suất vay thêm mỗi ngân hàng khoảng 1.000 tỷ đồng. Tổng cộng 4 ngân hàng sẽ giảm thêm 4.000 tỷ đồng cho những địa phương cho một số địa phương như TPHCM, Bình Dương, một số tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 hiện nay, đây đều là những địa phương đang rất khó khăn nên sẽ tập trung giảm thêm. Bên cạnh việc giảm lãi suất này, 4 ngân hàng cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương nói trên.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc giảm lãi suất một cách thực chất cũng như việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp của các DN thì NHNN sẽ tiếp tục tăng cường việc giám sát việc giảm lãi suất này của các NHTM, đảm bảo từ nay đến cuối năm các cam kết này được thực hiện. Hy vọng rằng dịch bệnh sớm kết thúc và việc khôi phục nền kinh tế thông qua việc tăng cường năng lực về nguồn lực cho DN để phục hồi sẽ là vấn đề mà NHNN ưu tiên trong thời gian sắp tới.
PV Hiếu Công (Zing News): Hiện tại, rất nhiều DN, hiệp hội có đề xuất thay đổi phương án sản xuất “3 tại chỗ” tại các tỉnh phía nam. Xin hỏi Chính phủ, các bộ liên quan: KH&ĐT, Công Thương có giải pháp nào để gỡ rối cho DN có phương án sản xuất mới hay không?
Ở các tỉnh phía nam có gặp khó khăn trong việc điều trị các F0 hay không? Có hiện tượng quá tải hay không?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Liên quan đến Phương án sản xuất “3 tại chỗ”, chúng tôi đánh giá trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến xấu hiện nay phương án “3 tại chỗ” áp dụng cho hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, vẫn là phương án tốt, phù hợp đối với một số địa phương.
Tuy nhiên, mặc dù phương án này đã được triển khai, áp dụng thành công tại các tỉnh `Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi áp dụng tại các địa bàn khác, đặc biệt ở 19 tỉnh, thành phố phía nam, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh lại gặp một số bất cập, cụ thể:
Thứ nhất, các doanh nghiệp phía Bắc có hệ thống nhà xưởng mới và rộng rãi hơn, mật độ lao động không quá cao nên có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện “3 tại chỗ”. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp phía Nam có số lượng lao động tập trung rất lớn (có thể lên tới hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn lạo động), quy mô cơ sở vật chất tại nhiều nơi không đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc triển khai Phương án “3 tại chỗ”.
Thứ hai, khác với các doanh nghiệp phía bắc, phần lớn các doanh nghiệp phía nam có số lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác rất lớn. Việc áp dụng “3 tại chỗ” có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề về tâm lý đối với người lao động khi họ buộc phải cách ly với gia đình quá lâu từ đó dẫn đến giảm năng suất lao động và các vấn đề khác về an sinh xã hội.
Thứ ba, do mức độ tập trung công nghiệp cao, các hoạt động logistics, lưu thông, cung ứng hàng hóa và lao động tại khu vực phía nam bị đứt gãy sớm và nghiêm trọng hơn nhiều so với khu vực phía Bắc, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn cho việc bố trí sản xuất đồng thời với việc bố trí ăn ở cho người lao động theo Phương án “3 tại chỗ”
Thứ tư, chi phí để tổ chức sản xuất theo phương án này tăng cao, nhiều doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hoặc doanh nghiệp có số lượng lao động lớn không có đủ năng lực tài chính để thực hiện. Một số doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày… hiện đang buộc phải chịu lỗ để thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký kết, tuy nhiên do sức ép về tài chính, các doanh nghiệp sẽ không thể triển khai giải pháp này trong dài hạn.
Thứ năm, bên cạnh đó, quy định và hướng dẫn của các địa phương về các biện pháp phòng dịch, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất. Việc này đã gây lúng túng cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ và thực thi các chủ trương của Chính phủ về việc duy trì sản xuất trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (ví dụ, có tỉnh đã quyết định đóng cửa toàn bộ cả Khu công nghiệp không thời hạn khi một doanh nghiệp trong khu công nghiệp phát hiện có ca F0, trong khi các doanh nghiệp khác vẫn đang hoạt động ổn định và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch).
Chính vì vậy, ngày 6/8, Bộ Công Thương đã có Văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký gửi Bộ Y tế đề xuất một số biện pháp, theo chúng tôi là phù hợp hơn so với quy định tại Phương án “3 tại chỗ” hiện nay để thích nghi trong điều kiện mới khi tình hình dịch COVID-19 có diễn biến xấu và khả năng sẽ còn kéo dài.
Trong đó có nhiều đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quyết định 2787/QĐ-BYT: Bổ sung các quy định về hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; Bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia “ 3 tại chỗ” giữa chừng và trở về nơi cư trú; Bổ sung nội dung hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp; Bổ sung quy định về quy trình, thời hạn các cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác của Doanh nghiệp yên tâm làm việc…Ngoài ra, Bộ Công Thương còn có nhiều đề xuất kiến nghị khác với Bộ Y tế.
Duy trì sản xuất, thực hiện mục tiêu kép là việc phải làm. Đó là nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Nhưng trước hết phải đảm bảo, ưu tiên công tác chống dịch. Bộ Y tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa ra các quy định phù hợp để có thể vừa chống dịch vừa tiếp tục duy trì sản xuất, thực hiện mục tiêu kép. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để có thể ban hành sớm nhất văn bản, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất (nhất là sản xuất công nghiệp), phát triển kinh tế.