• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp

(Chinhphu.vn) - Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp, công cụ thuộc thẩm quyền để bảo đảm cung cầu, kiểm soát lạm phát, đồng thời cũng nghiên cứu các giải pháp về giảm thuế, phí báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để giảm áp lực tăng giá xăng dầu, tránh tác động tăng giá dây chuyền…

02/06/2022 16:10
Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, nhất là về điều hành kinh tế vi mô, giải ngân vốn đầu tư công, việc thực hiện chương trình 3 chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội vào sáng 2/6, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, nhất là về điều hành kinh tế vi mô, giải ngân vốn đầu tư công, việc thực hiện chương trình 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, nhìn chung, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đánh giá năm 2021 là năm rất khó khăn khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở Việt Nam đã tác động mạnh mẽ tới mọi mặt, từ phát triển kinh tế-xã hội, đến sức khỏe, tinh thần và tính mạng của nhân dân.

Trong khi ở trong nước hệ thống y tế của chúng ta còn nhiều hạn chế. Kinh nghiệm phòng, chống dịch không nhiều. Vaccine và vật tư, trang thiết bị, thuốc điều trị y tế khan hiếm. Năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống còn nhiều bất cập. Kỹ năng phòng, chống dịch bệnh của người dân chưa được trang bị cao.

Nhưng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp… nước ta đã thực hiện thành công mục tiêu kép, đó là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, tạo điều kiện cho nền kinh tế thích nghi nhanh chóng chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển.

"Có thể nói, đây là một chiến thắng của ý chí, của lòng quả cảm, của sự đoàn kết, nhân ái của một dân tộc anh hùng. Đóng góp vào thành công này, chúng ta không quên và xin gửi lời cảm ơn và tri ân tới sự hy sinh cao cả, sự đóng góp to lớn của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là lực lượng y tế, công an, quân đội, hệ thống chính trị cơ sở và bạn bè quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Về bối cảnh năm 2022, Bộ trưởng cho rằng, đa số các đại biểu đều đánh giá là năm đặc biệt khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, khó khăn chồng chất khó khăn.

Ngay từ đầu năm đã có nhiều biến động trong và ngoài nước, như giá gia tăng, căng thẳng địa chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát tăng cao tại các quốc gia là đối tác kinh tế quan trọng của nước ta, đi kèm với cả điều chỉnh chính sách tiền tệ, giá xăng dầu, lương thực, nguyên vật liệu tăng cao, nguồn cung biến động mạnh, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Ở trong nước, nền kinh tế đang dần phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Bên cạnh việc phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên xử lý các tồn tại trước đây, nước ta phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ mới phát sinh, đó là thực hiện Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhưng trong bối cảnh khó khăn, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách đúng đắn, chính xác và kịp thời. Do vậy, phát triển kinh tế-xã hội của 4 tháng đầu năm đạt được kết quả khá tích cực và toàn diện. Đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, nền kinh tế trên đà phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng.

tăng trưởng kinh tế của quý I đã tiệm cận với các kỳ của các năm trước khi có dịch COVID-19. An sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giám sát, điều hành của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự quan ngại với những khó khăn, thách thức, rủi ro tiềm ẩn trong những tháng còn lại, có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, cũng như đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách để giảm bớt hoặc hóa giải những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn, tận dụng những cơ hội để phát triển, những vấn đề về tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, xăng, dầu, than, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

"Các ý kiến phát biểu của các đại biểu rất sâu sắc và xác đáng, phong phú, toàn diện, tâm huyết, chạm tới tất cả những vấn đề, những khó khăn, thách thức hiện nay, phản ánh được những bức xúc của cử tri và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với nhân dân và đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cũng như xin tiếp thu để nghiên cứu, xây dựng các giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành trong những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp - Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tích cực

Đối với một số vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu làm rõ 3 vấn đề lớn, đó là điều hành kinh tế vi mô, giải ngân vốn đầu tư công và việc thực hiện chương trình 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, về điều hành kinh tế vi mô, đến hết tháng 5/2022, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tích cực, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về cung cầu năng lượng, lương thực, cán cân thanh toán ngân sách nhà nước được bảo đảm, hàng hóa, năng lượng cũng không bị thiếu hụt, đáp ứng được nhu cầu phát triển. Riêng đối với lạm phát của tháng 5 và 5 tháng cơ bản được kiểm soát.

CPI của tháng 5 tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung của 5 tháng là tăng 2,25%, tương đương với cùng kỳ của các năm 2018 đến 2021.

Tuy nhiên, áp lực điều hành và thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm dưới 4% là rất lớn, do các yếu tố từ cả bên trong và bên ngoài của nền kinh tế. Đó là giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, rủi ro, gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu dùng do xung đột Nga và Ukraine.

Ở trong nước thì lạm phát đến từ 4 yếu tố. Thứ nhất là, về giá xăng, dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải tăng cao. Thứ hai là sức mua tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ. Thứ ba là tăng học phí năm học 2022-2023. Thứ tư là giá đầu vào và mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tiếp tục tăng, làm áp lực lên chi phí vốn vay và chi phí sản xuất, tạo sức ép cho tăng giá bán đầu ra.

Qua theo dõi, chỉ số giá CPI của 5 tháng năm 2022 so với cuối năm 2021 đã tăng 2,48%, tức là gấp khoảng 1,5 lần cùng kỳ của năm trước dịch và đây là mức tăng cao phản ánh khá rõ xu thế tăng giá của các mặt hàng trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp, công cụ thuộc thẩm quyền để bảo đảm cung cầu, kiểm soát lạm phát, đồng thời cũng nghiên cứu các giải pháp về giảm thuế, phí báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để giảm áp lực tăng giá xăng dầu, tránh tác động tăng giá dây truyền, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc tăng giá.

Về giải ngân vốn đầu tư công

Đây là một vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu rất nhiều. Cụ thể, về thực trạng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nhiều năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách và quy định liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

"Chúng ta cũng có nhiều đổi mới quan trọng căn bản như là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn liền với thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp. Đổi mới tư duy, phương pháp, kế hoạch từ ngắn hạn hàng năm sang trung hạn 5 năm và từ quản lý bằng văn bản dưới luật đến bằng Luật Đầu tư công", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực trạng tình hình đầu tư công cũng như các nguyên nhân và giải pháp có rất nhiều vấn đề. Về đầu tư công không những chi phối bởi Luật Đầu tư công mà còn bị chi phối bởi rất nhiều các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản, rất nhiều luật.

Trong cùng một lúc chúng ta phải tuân thủ thực hiện tất cả các luật đó, mà các khâu trong một quy trình đó không được làm trước, phải xong cái này mới được làm cái kia, thế nên mỗi một khâu theo từng luật đó phải trải qua các công đoạn và mất rất nhiều thời gian như vậy.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới giải pháp căn cơ là chúng ta phải rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công, cũng như các quy định của các pháp luật khác liên quan, chứ không phải là chỉ Luật Đầu tư công, chúng ta không thể giải quyết ngày một, ngày hai vấn đề này là vì như vậy.

Về điều hành, Chính phủ cũng đang rất quyết liệt chỉ đạo điều hành với rất nhiều các giải pháp đã trình bày ở trong báo cáo.

"Hy vọng là chúng ta sẽ đạt được các kết quả cao hơn và tích cực hơn trong thời gian tới và cũng mong các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát ở các bộ, các ngành cũng như ở các địa phương của mình, để làm sao giúp cùng với Chính phủ trong việc đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy giải ngân ở các bộ, ngành và địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, sau khi Quốc hội ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ cũng đã ban hành các quyết định phê duyệt đầu tư của từng chương trình cũng như là các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ, danh sách các đối tượng phân bổ vốn, phê duyệt các nội dung, đề án, chương trình.

Vấn đề này, Thủ tướng đã có các quyết định và cũng đã giao cho các bộ, ngành, cơ quan chủ quản các chương trình, mục tiêu căn cứ vào dự toán mục tiêu, nhiệm vụ được giao thực hiện phân bổ, giao chương trình và triển khai nhanh trong thời gian tới.

"Những nội dung trên Chính phủ đã xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng trong chỉ đạo, điều hành và sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Hải Liên