Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đánh giá quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN phải hết sức khách quan, đánh giá đúng mặt được, chưa được, rút ra bài học kinh nghiệm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trên cơ sở phân tích những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, Đề án đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
Trước hết, tiếp tục khẳng định khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước trong đó DNNN là lực lượng nòng cốt, đảm bảo kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Cần xác định cụ thể các mục tiêu, thứ tự ưu tiên các mục tiêu, nhiệm vụ của từng nhóm DNNN và xây dựng được các phương thức, các tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đối với từng nhóm DNNN, từng tập đoàn kinh tế nhà nước.
Cần nghiên cứu, kịp thời điều chỉnh những chủ trương, đường lối của Đảng và cơ chế, chính sách của Nhà nước cho phù hợp, giải quyết những vấn đề mới phát sinh cho phù hợp với yêu cầu và thực tiễn đổi mới.
Việc kiên định, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN là yêu cầu khách quan của cải cách DNNN nhưng phải luôn đi cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ có hiệu quả.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của người lao động và vai trò của các đoàn thể quần chúng ở tất cả các cấp, các ngành cũng được coi là bài học quan trọng cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Đến năm 2020, mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước là hoàn thành đổi mới, điều chỉnh cơ cấu, phát triển, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN để DNNN đóng góp phần quan trọng bảo đảm cung cấp dịch vụ công thiết yếu của xã hội và nhu cầu cần thiết của quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh năng lượng; thực hiện các nhiệm vụ phát triển quốc gia trên các lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc chưa làm được; đảm bảo kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đề án đã nêu lên các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là hoàn thành cơ bản quá trình tái cơ cấu DNNN; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đổi mới cơ chế để DNNN có cơ chế quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế. Thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng ở DNNN.
Phát biểu thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tổng kết quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN là vấn đề khó, quan điểm, cách nhìn nhận còn nhiều ý kiến khác nhau, do vậy phải hết sức khách quan, đánh giá đúng mặt được, chưa được, rút ra bài học kinh nghiệm.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ trì Đề án là Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng các Bộ, ngành cần xác định tiêu chí rõ ràng, đánh giá khách quan, khoa học về hiệu quả hoạt động, vai trò, đóng góp của DNNN cho nền kinh tế đất nước; bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI để tập trung đánh giá hiệu quả thực hiện những vai trò, nhiệm vụ được Đảng, nhà nước giao; đánh giá về quản lý nhà nước, chủ sở hữu...
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là có những chủ trương chưa rõ, dẫn đến trong khâu tổ chức thực hiện có nhiều kẽ hở; tình trạng giao nhiệm vụ quá sức, không kiểm tra, giám sát. Luật còn nhiều hạn chế, cản trở, chưa phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng cũng nêu ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian tới để các thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận, hoàn thiện Đề án.
Xuân Tuyến