Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về các kết quả phát triển KT-XH và giải pháp của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh: Năm 2023 và đầu năm 2024, mặc dù tình hình thế giới còn nhiều biến động, khó khăn và khó lường nhưng KT-XH nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Về hoàn thiện thể chế, đại biểu đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng đã quyết liệt chỉ đạo công tác hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành nhiều văn bản quan trọng; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết được khắc phục cơ bản.
Đặc biệt là Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan đã hoàn thành sớm việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17/05/2024 về việc lập đề nghị trình Quốc hội cho phép áp dụng Luật Đất đai và các Luật liên quan sớm hơn thời hạn Quốc hội đã quyết định.
Về công tác lập quy hoạch, 3 quy hoạch quan trọng nhất của quốc gia đã được ban hành để định hình không gian, lộ trình và nguồn lực phát triển của đất nước.
Ở cấp độ vùng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 6/6 quy hoạch vùng. Trong đó, 5/6 quy hoạch vùng được phê duyệt ngày 4/5/2024.
Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và ngành được đẩy nhanh. Đến nay, theo Báo cáo của Chính phủ đã có 110/111 quy hoạch hoàn thành việc lập, thẩm định hoặc phê duyệt.
Trên cơ sở này, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, HĐND các cấp quan tâm giám sát quá trình thực hiện các quy hoạch. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật hoặc Nghị quyết về cơ chế liên kết vùng để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đưa các quy hoạch này vào cuộc sống.
Về hạ tầng giao thông, đại biểu cho biết, năm 2013, nước ta đã khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam; trong năm 2023 đã đưa vào sử dụng 475 km đường bộ cao tốc, lớn nhất từ trước đến nay, chiếm gần 20% trong số gần 2000 km hiện có của cả nước.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến 3 vấn đề như sau không chỉ cho năm 2024 mà còn cho giai đoạn sắp tới.
Về công tác dự báo, Báo cáo số 230/BC-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ cho biết: Tình hình thế giới, khu vực thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, rất khó dự báo, tạo thách thức, áp lực lớn lên chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển KTXH nước ta.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết: Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đầu năm 2024 đã công bố Báo cáo về những rủi ro toàn cầu với 5 nhóm rủi ro hàng đầu trong 10 năm tới, gồm: Môi trường (khí hậu cực đoan); Công nghệ (thông tin xấu độc, AI không kiểm soát..); Kinh tế (lạm phát, suy giảm kinh tế); Xã hội (khoảng cách giàu nghèo, di cư bắt buộc) và Xung đột địa chính trị.
Trong đó, vấn đề môi trường là có nhiều nguy cơ rủi ro nhất đối với nhân loại nói chung.
Việt Nam được dự báo là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Vì vậy, tác động của các rủi ro toàn cầu, đặc biệt là về môi trường, cần được quan tâm, nghiên cứu thấu đáo làm cơ sở cho việc hoạch định các chiến lược, chính sách tương lai.
Về thủ tục hành chính, theo Báo cáo số 176/BC-CP ngày 23/4/2024 của Chính phủ, từ năm 2021 đến hết tháng 3/2024, có 2.886 quy định kinh doanh (trong đó có 1.479 thủ tục hành chính) được cắt giảm, đơn giản hóa trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh. Như vậy, vẫn còn gần 13.000 thủ tục, quy định về điều kiện kinh doanh.
Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến Kỳ họp này nêu: Vẫn còn một số quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, song chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp để cắt giảm, rút ngắn thời gian, giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho người dân, cho doanh nghiệp.
Lê Sơn