Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 10/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2023.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển KT-XH, về xây dựng pháp luật, công tác nhân sự…
Cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính.
Thường trực Chính phủ sâu sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát…
Phản ánh về những băn khoăn lo lắng của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân lo lắng về tình trạng nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, sức mua giảm, nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân; kết quả triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn…
Cử tri và nhân dân cũng lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân... gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết 5/5 kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn; đồng thời chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)… và quan tâm đầu tư thêm để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri (KNCT) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, 2.588 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8 %.
Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 91/91 kiến nghị. Cử tri hoan nghênh và rất đồng tình với sự đổi mới mạnh mẽ đem lại hiệu quả toàn diện trong hoạt động của Quốc hội thời gian vừa qua, tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Tiếp thu kiến nghị, Quốc hội đã không ngừng thay đổi phương thức hoạt động, đưa hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng kịp thời với mục tiêu đặt lợi ích của cử tri và nhân dân lên hàng đầu.
Một số vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được UBTVQH tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới các Đoàn ĐBQH, gồm: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng…
Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị. Nhìn chung, Chính phủ, các bộ, ngành đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết KNCT, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu kiến nghị khi thực hiện công tác quản lý, điều hành.
Nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị rõ ràng. Đối với những kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay, các bộ, ngành đều ghi nhận, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4/2023, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri và nhân dân vui mừng trước sự kiện khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây; về việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm lãi suất của Ngân hàng thương mại; tin tưởng vào kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua…
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng cao trong thời gian gần đây; vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm; tình trạng bạo lực học đường, trẻ hóa độ tuổi phạm tội; việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy và chất cấm có chiều hướng phức tạp…
Trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2588/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 4, kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV (đạt 99,9%).
Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 486 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua tiếp công dân, đã chuyển 66 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 16 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 392 vụ việc.
Trong kỳ báo cáo, qua công tác theo dõi việc giải quyết đối với đơn đã được các cơ quan của Quốc hội chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết, Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc kéo dài.
Trên cơ sở đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong các báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết báo cáo của MTTQ đã tương đối đầy đủ, nhưng cần bổ sung thêm một số nội dung quan trọng vào báo cáo tóm tắt để trình bày trước Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, các Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch ngành than vẫn được triển khai cho đến khi có quy hoạch mới. Tuy nhiên, do Quy hoạch Năng lượng chưa được phê duyệt, Quy hoạch Điện VIII chưa hoàn thiện, gây nhiều vướng mắc cho việc triển khai phát triển ngành than.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần kịp thời triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường… để xử lý đúng sai phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện được duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng phát triển.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần đánh giá tính thống nhất, tính logic giữa các phần trong báo cáo, lựa chọn nội dung đưa vào báo cáo chính thức đảm bảo hợp lý, có trọng điểm, tránh dàn trải.
Về tình hình phát triển kinh tế, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng nhiều địa phương còn tăng trưởng thấp, nhất là những địa phương có đóng góp lớn từ nhiều năm trước thì mất đà tăng trưởng. Về tình hình lao động, báo cáo còn có một số chi tiết không thống nhất, cần lưu ý rà soát, cân nhắc lựa chọn nội dung, cách thể hiện đảm bảo chính xác, chặt chẽ và ngắn gọn và thống nhất.
Lê Sơn