Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022. Một bất ngờ là Bắc Giang là tỉnh đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng PCI 2022.
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang những vấn đề xung quanh về kết quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền tỉnh, cũng như phương hướng của tỉnh trong thời gian tới trong bối cảnh thế giới đang có nhiều bất ổn, phức tạp.
Chính quyền tìm doanh nghiệp, chứ không để doanh nghiệp loay hoay với chính quyền
PCI là một chỉ số có vai trò rất quan trọng, phản ánh chất lượng công tác điều hành, nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Xin ông cho biết, để đạt được trong top 5 địa phương có chỉ số PCI cao nhất năm 2022, Bắc Giang đã có những chỉ đạo và chính sách gì để đạt được thứ hạng này?
Ông Mai Sơn: Chúng tôi rất mừng vì đây là lần đầu tiên Bắc Giang có mặt trong top 5 địa phương có chỉ số PCI cao nhất. Tổng điểm PCI năm 2022, Bắc Giang đạt 72,8 điểm trên thang điểm 100, đứng thứ 2 cả nước. Đây chính là kết quả của cả quá trình nỗ lực không ngừng của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; là sự khẳng định về hình ảnh, vị thế và khát vọng vươn lên của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Xét về chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, Bắc Giang áp dụng đầy đủ các chính sách do Trung ương quy định. Điều cốt lõi giúp Bắc Giang thành công chính là công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện đầu tư và sản xuất kinh doanh tại tỉnh, đặc biệt là trong thời gian vừa qua.
Xác định được mục tiêu phải nâng hạng chỉ số PCI, tỉnh thường xuyên có các nội dung chỉ đạo cụ thể và mạnh mẽ để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính và các nội dung liên quan tới doanh nghiệp.
Chúng tôi chỉ đạo thực hiện rà soát toàn bộ thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết, loại bỏ yếu tố mà cán bộ, công chức còn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Đồng thời, chúng tôi chú trọng tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Để làm được điều này, các cấp các ngành công khai, minh bạch tất cả các thông tin, nhất là về quy hoạch, đất đai, các dự án đầu tư, đấu giá tài sản... Tỉnh áp dụng mạnh mẽ đấu thầu qua mạng, tránh việc các nhà thầu thông thầu, ngăn những nhà đầu tư lớn bắt tay với nhau làm khó doanh nghiệp nhỏ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ quy định của pháp luật, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng…để nhà đầu tư sớm triển khai dự án và đi vào sản xuất ổn định.
Đối với các dự án có tác động lớn đến kinh tế-xã hội của địa phương, tỉnh đều thành lập các tổ công tác do một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Hàng tháng hoặc đột xuất các tổ công tác tổ chức họp để kiểm điểm, lắng nghe lại các kế hoạch. Vấn đề nào hoàn thành tốt thì tiếp tục phát huy. Vấn đề nào chưa hoàn thành thì phải nêu được lý do tại sao chậm, khắc phục thế nào. Hoạt động này được duy trì đều đặn, ngày càng cải tiến thiết thực hơn, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Đặc biệt là tỉnh thực hiện linh hoạt, hiệu quả các biện pháp bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp an toàn trước các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; thực hiện hỗ trợ Doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả với các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch bệnh.
Quyết liệt giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội
Để đạt được kết quả trên, ông có thể cho biết chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cấp cơ sở của tỉnh như thế nào?
Ông Mai Sơn: UBND tỉnh Bắc Giang đã quán triệt sâu sắc đến các sở, ngành, địa phương phải thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục ngay tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", đùn đẩy trách nhiệm, chuyển tư duy "cho phép", "cấp phép" sang tư duy "phục vụ"; quy rõ trách nhiệm và thời gian giải quyết của từng nội dung, công việc liên quan đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Chúng tôi quyết liệt giải quyết tốt các điểm nghẽn, các nút thắt, các rào cản để tạo thuận lợi nhất cho công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, như: Cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết nhằm cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong giải quyết công việc.
Tôi có thể nêu rõ vấn đề này là UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng nhằm cải cách hành chính; tăng sự chủ động cho các ngành, địa phương; cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp.
Trong 2 năm qua, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện ủy quyền đối với 50 TTHC. Trong đó, có 20 TTHC thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh; 30 TTHC thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh cho Giám đốc sở, Chủ tịch UBND huyện, thành phố. Qua đánh giá cho thấy, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền được thực hiện rất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần rất lớn vào việc xây dựng và tạo lập môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch. Đồng thời, cũng nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể được phân cấp, ủy quyền.
Các TTHC thường xuyên được rà soát, kịp thời bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà; cơ chế một cửa, một cửa điện tử hiện đại liên thông được nhân rộng và duy trì thực hiện tốt góp phần công khai hoá, minh bạch hoá các quy định về thủ tục hành chính, giảm phiền hà, thời gian chờ đợi cho người dân và tổ chức, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh từng bước được nâng lên. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) của tỉnh năm 2021 duy trì nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước (PAR Index đạt 88,65/100 điểm, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố; SIPAS đạt 90,01%, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố).
Đặc biệt, công tác phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số luôn được tỉnh quan tâm và tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả. Kết quả, 2 năm liên tiếp 2021 và 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI tỉnh Bắc Giang đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố (trong đó chỉ số hiện đại hóa nền hành chính đứng thứ 1).
Chúng tôi luôn chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Hiện nay, tỉnh có 1 trường đại học, 5 cao đăng nghề, 6 trung cấp nghề và 25 trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm đào tạo khoảng 29.000 lao động bảo đảm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đến hết năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 74%, tỉ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 32% (cao hơn bình quân chung của cả nước 5%).
Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh có khả năng kết nối, cung ứng cho doanh nghiệp trong tỉnh trên 25.000 lao động/năm. Trên cơ sở nhu cầu của nhà đầu tư, tỉnh cam kết là cầu nối giữa nhà đầu tư với trường đại học trên đại bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các trường cao đẳng, trung cấp nghề phối hợp với nhà đầu tư để đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Chúng tôi luôn xác định cần phải thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp an toàn trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Trong đó, tập trung cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp để chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn do dịch COVID-19, giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; chính sách gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; chính sách miễn giảm thuế, tiền chậm nộp; …
Chúng tôi chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thường xuyên duy trì các cuộc gặp mặt, đối thoại trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.
UBND tỉnh sẵn sàng thành lập các tổ công tác để hướng dẫn và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải; tập trung ưu tiên các nguồn lực giải quyết các nội dung, công việc liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Duy trì và đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chế độ công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc có liên quan tới doanh nghiệp, nhà đầu tư của các cơ quan quan, địa phương.
Những thành quả trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết quả thu hút đầu tư trong năm qua đã khẳng định niềm tin đúng đắn của các nhà đầu tư với tỉnh Bắc Giang - một điểm đến hấp dẫn, tin cậy, an toàn. Đây là sẽ tiền đề quan trọng để trong giai đoạn sắp tới, Bắc Giang sẽ phát triển nhanh và đạt được những kết quả tốt hơn.
Hướng tới mô hình 'Hệ sinh thái công nghiệp'
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang có hoạch định, đẩy mạnh thêm chính sách gì để thu hút đầu tư gần với phát triển bền vững không, thưa ông?
Ông Mai Sơn: Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính mà trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây chính là khâu cần tập trung và là vấn đề đặt ra đối với tỉnh hiện nay. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc xác định vùng động lực, sản phẩm chủ lực; kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn, sản xuất công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động…
Hiện nay, tỉnh chủ trương ưu tiên thu hút FDI theo hướng bền vững với quan điểm "1 không" không ô nhiễm; "2 ít" sử dụng ít đất, ít lao động; "3 cao" công nghệ cao, suất vốn cao, hiệu quả kinh tế cao; "5 sẵn sàng" sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch hiệu quả.
Song song với đó là nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang hướng tới mô hình "Hệ sinh thái công nghiệp" trong giai đoạn tới. Theo đó, gắn kết khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với khu đô thị, khu dịch vụ, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại (cấp thoát nước, bãi đỗ xe, cây xanh, công trình xử lý môi trường, không gian sinh hoạt cộng đồng, các khu dịch vụ, vui chơi giải trí, đặc biệt là trường học, cơ sở y tế...). Quan tâm phát triển các dịch vụ hậu cần tại các khu, cụm công nghiệp, như logistics, ngân hàng, hải quan, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe… với các dịch vụ tiện ích khác biệt, tạo ra môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, an toàn, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động cả trong và ngoài nước làm việc tại tỉnh. Qua đó, tạo thành một hệ sinh thái công nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và thu hút chọn lọc các dự án đầu tư. Nghiên cứu đổi mới cách thức hoạt động của cơ quan xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư. Chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang thu hút đầu tư chủ động và có chọn lọc các dự án đầu tư. Tăng cường sự phối hợp, liên kết với các cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội trong công tác xúc tiến đầu tư.
Đồng thời tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại, vành đai kết nối với các địa phương lân cận, kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, kết nối giữa các tuyến đường tỉnh với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai; hạ tầng phát triển công nghiệp đồng bộ để thu hút đầu tư; hạ tầng đô thị để đẩy mạnh phát triển dịch vụ và là trung tâm phát triển các khu vực, tiểu vùng; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; phát triển hạ tầng xã hội bảo đảm nhu cầu xã hội và đẩy mạnh phát triển dịch vụ xã hội.
Đặc biệt chúng tôi phấn đấu thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao. Thực hiện liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn và mạng lưới trung tâm giới thiệu việc làm các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng trong hoạt động giới thiệu việc làm. Nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng cả số lượng và chất lượng đảm bảo cho nhu cầu thị trường với cơ cấu hợp lý.
Trân trọng cảm ơn ông!
Giang Oanh (thực hiện)