Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: Reuters
Theo sáng kiến này, Đài Loan xác định 3 công nghệ cốt lõi là ưu tiên chiến lược: Quang điện tử silicon, công nghệ lượng tử và robot AI.
Trong đó, công nghệ quang điện tử silicon là lĩnh vực mà TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - cùng nhiều công ty trong ngành đang phát triển tích cực.
Đây là lĩnh vực được Đài Loan định vị dẫn đầu thế giới nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển AI trong tương lai.
Bên cạnh đó, Đài Loan cũng kỳ vọng trở thành trung tâm lớn về robot AI nhờ khai thác chuỗi cung ứng phần cứng và ICT nội địa.
Các nhóm doanh nghiệp, trong đó có liên minh do Chủ tịch Foxconn Young Liu đứng đầu, đã hỗ trợ sáng kiến này bằng việc thành lập Liên minh Công nghiệp robot AI Đài Loan vào ngày 22/7 nhằm thúc đẩy phát triển robot AI và hệ sinh thái liên quan trong nước. Ngoài ra, Đài Loan cũng lên kế hoạch xây dựng chuỗi công nghiệp công nghệ lượng tử.
Chính quyền cũng kêu gọi mở rộng đầu tư vào đổi mới AI với hơn 100 tỷ Đài tệ (tương đương 3,08 tỷ USD) vốn đầu tư mạo hiểm, nhằm hướng tới trở thành trung tâm toàn cầu về tài năng và đầu tư AI.
Sáng kiến đặt mục tiêu tạo ra 500.000 việc làm và thành lập 3 phòng thí nghiệm nghiên cứu cấp quốc tế.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, sự ngăn cách bởi các biện pháp phòng dịch đã khiến thị trường sản phẩm công nghệ thế giới đạt tăng trưởng ở mức hai con số. Khái niệm "họp trực tuyến" trước đó chỉ xuất hiện ở những tập đoàn đa quốc gia, công ty công nghệ lớn thì giờ đây đã phổ biến và phổ cập tới khắp mọi nơi với hàng trăm phần mềm, giải pháp công nghệ để thực hiện.
Cũng trong giai đoạn đó, chính quyền Đài Loan đã xây dựng kế hoạch táo bạo, quyết tâm trong thời gian tới biến Đài Loan trở thành "hòn đảo AI" và chiến lược cốt lõi trong kế hoạch đó là chuyển đổi từ "cứng" sang "mềm".
Các sản phẩm chủ lực là điện tử, công nghệ, bán dẫn đã thành công trong việc đưa Đài Loan vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành một trong bốn "con rồng châu Á" ở thập niên 90 của thế kỷ trước. Cho đến nay, Đài Loan vẫn là nhà sản xuất máy tính, thiết bị mạng, điện thoại thông minh, máy chủ và các sản phẩm công nghệ khác lớn nhất thế giới.
Như vậy, có thể nói, Đài Loan đã rất thành công trong sản xuất "phần cứng". Nhưng đại dịch COVID-19 cũng cho thấy, thế giới cần AI và AI sẽ là xu thế chủ đạo của ngành công nghệ thế giới tối thiểu trong 10 năm tới.
Do đó, tập trung nguồn lực để phát triển AI là chiến lược mà Đài Loan đưa ra, không chỉ để có đột phá trong tăng trưởng kinh tế, mà còn cố gắng khỏa lấp sự phát triển thiếu cân bằng ở ngành phần mềm trong nước như hiện nay.
Theo kế hoạch, tới năm 2026, tỉ lệ ứng dụng AI trong sản xuất tại Đài Loan sẽ đạt trên 50%, các giá trị kinh tế từ AI sẽ đạt từ 30 tỷ USD/năm trở lên và bắt đầu ứng dụng rộng rãi mạng 6G.
Thông qua đó, Đài Loan kỳ vọng có thể tạo ra nhiều giá trị cộng thêm cho các ngành công nghiệp nội địa bằng cách hợp nhất các thế mạnh sản xuất phần cứng vào lĩnh vực ứng dụng phần mềm, nhất là ứng dụng AI.
Sự thay đổi về chiến lược thu hút cùng những chính sách tiếp cận phù hợp đã giúp cho Đài Loan thu hút được nhiều ông lớn trong ngành công nghệ AI tới lập trụ sở.
Năm 2022, Tập đoàn Google đã khởi công xây dựng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Đài Loan. Cho đến nay, Google đã mở thêm 8 văn phòng tại Đài Loan với tổng số 2.500 nhân viên.
Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Đài Loan là trung tâm đầu tiên của Google tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là trung tâm áp dụng nhiều công nghệ AI nhất của Google hiện nay.
An Bình