Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ấn Độ đang là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới. Dự tính đến năm 2025, nước này sẽ soán ngôi của Trung Quốc.
Dân số Ấn Độ hiện là 1,21 tỉ người nhưng số liệu này ít khi nào chúng ta thấy xuất hiện trên trang nhất các tờ báo và ít khi là đề tài tranh luận chính trị. Khi đề cập đến chủ đề này, truyền thông luôn ca ngợi và xem đó là dấu hiệu của một sự hùng mạnh.
Thế nhưng, trong khi một số chuyên gia thì xem đây là một sự hứa hẹn phục hưng kinh tế, nhờ vào dân số trẻ trên thị trường lao động, thì sự bùng nổ dân số cũng gây ra nhiều áp lực lên môi trường, cơ sở hạ tầng, tài nguyên hay tổ chức xã hội.
Ấn Độ đã thiết lập chương trình kế hoạch hóa gia đình từ năm 1952 và sau đó là việc cần phải quảng bá nhanh chóng kiểu mẫu gia đình có hai con. Chiến dịch khốc liệt nhất diễn ra vào năm 1976-1977, đã gây thương tổn cho dân chúng cả nước. Trong vòng một năm, 5 triệu dân nghèo Ấn Độ bị cưỡng bức triệt sản.
Tại đất nước này, việc điều chỉnh sinh sản vấp phải một số rào cản tâm lý về văn hóa, tôn giáo và kinh tế. Vấn đề dân số chính là một điều cấm kỵ xã hội. Trong tâm thức người Ấn Độ, nếu phải sinh con ít hơn thì ít ra phải có được con trai. Kết quả là việc lựa chọn giới tính phôi thai bất hợp pháp một cách tàn bạo đã diễn ra, với 500.000 phôi thai nữ bị phá hàng năm. Hiện tượng này dẫn đến tình trạng bất cân bằng dân số và sẽ trở nên nghiêm trọng với tỉ lệ 914 phụ nữ/1.000 đàn ông vào năm 2011.
Giờ đây, chính sách kiểm soát sinh sản dựa trên trách nhiệm cá nhân, thông qua các cuộc vận động tuyên truyền và những quyền lợi cho những công dân “gương mẫu”. Bộ trưởng Y tế và Gia đình khuyên dân chúng nên “xem ti vi thay vì sinh con”. Bộ này cũng khuyến cáo người dân nên triệt sản, dùng vòng tránh thai hay bao cao su.
Trên thực tế, hai lựa chọn cuối cùng được rất ít người Ấn Độ sử dụng bởi vì họ có cái nhìn ngờ vực về hai biện pháp này. 37% người Ấn Độ đã lập gia đình lựa chọn triệt sản và biện pháp này hoàn toàn miễn phí. Chính sách quốc gia khuyên người dân nên kết hôn trễ hơn, giãn khoảng cách sinh con đầu lòng và con thứ hai. Sự đô thị hóa và thu nhập gia tăng cũng góp phần hạn chế sinh sản./.
Huyền Anh