Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội thảo, đại diện các hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia đã thảo luận, trao đổi nhằm tìm ra các giải pháp chính sách khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả chính sách tài chính của Trung ương và địa phương thúc đẩy chuỗi liên kết thủy sản ở Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thủy sản là ngành đã chứng minh được lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản đã tạo nên sự tăng trưởng liên tục từ 0,102 tỷ USD vào năm 1986, lên hơn 6,5 tỷ USD vào năm 2015. Dự kiến, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu thủy sản sẽ đạt mức 11 tỷ USD và đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2030.
Theo đánh giá của Hội Nghề cá Việt Nam, trong 30 năm qua, hội nhập kinh tế được đánh giá đã đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Chính phủ luôn cam kết hội nhập chủ động hơn, sâu hơn trên cơ sở hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu. Những năm qua, xác định được vai trò của việc phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản nói chung và thủy sản nói riêng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp; trong đó đều chứa đựng các nội dung về chính sách tài chính.
Còn đại diện Bộ Tài chính cho rằng, những năm qua, Bộ Tài chính cũng nhận thức được rõ tầm quan trọng của việc phát triển thủy sản cho phát triển kinh tế-xã hội nên đã nỗ lực không ngừng để xây dựng các chính sách tài chính nhằm thúc đẩy có hiệu quả việc phát triển chuỗi giá trị thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, để thủy sản Việt Nam phát huy được lợi thế cạnh tranh và hội nhập mạnh mẽ, hướng đến phát triển bền vững, luôn cần những chính sách tài chính khuyến khích từ phía Nhà nước.
Ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, các chính sách hỗ trợ tài chính luôn cần được thiết kế cẩn trọng để phù hợp với các cam kết đã được ký kết.
Cũng theo ông Liêm, tuy đã có nhiều nghiên cứu phân tích tác động của các FTA tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam nói chung và của từng ngành nói riêng, vẫn cần một nghiên cứu tổng thể đánh giá chính sách hiện tại, từ đó có được các chính sách tài chính khuyến khích có hiệu quả nhằm khai thác lợi thế đối với thủy sản Việt Nam.
Đồng quan điểm với ông Liêm, PGS. TS Đỗ Thị Phi Hoài (Học viện Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, hỗ trợ tài chính luôn là một vấn đề nhạy cảm trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do; nhưng hiện tại vẫn còn thiếu những nghiên cứu đánh giá về chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản.
Theo đó, hiện nay hệ thống chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản bên cạnh những thành công, đang tồn tại những hạn chế đòi hỏi cần thay đổi cho phù hợp với xu thế hội nhập thị trường, hội nhập quốc tế và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, để có những chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh hội nhập phù hợp, cần hiểu đúng bối cảnh hội nhập, vị thế của ngành thủy sản cũng như hiểu rõ các sản phẩm thủy sản trong hệ thống định vị các sản phẩm; định vị đúng, gắn kết trúng các công cụ chính sách vào chuỗi giá trị liên kết.
Nếu các chính sách này được nghiên cứu đầy đủ sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà tạo lập chính sách điều chỉnh hệ thống chính sách hiện hành, ban hành các chính sách mới phù hợp, giúp ngành thủy sản trong nước phát huy được lợi thế, chủ động hội nhập, hướng đến một mô hình phát triển bền vững.