Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn tại Quốc hội. |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát và lan rộng, trong đó có các địa phương trọng điểm kinh tế, đông dân cư, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân, nhất là người lao động, tác động lớn đến tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN).
Trong bối cảnh đó, toàn ngành tài chính đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung phấn đấu thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp tài chính-NSNN, tích cực thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhờ thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động, kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính-NSNN 6 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực. Thu NSNN 6 tháng đầu năm bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất-kinh doanh đạt hơn 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh tình hình sản xuất-kinh doanh của nhiều DN, hộ kinh doanh còn khó khăn, kết quả thu NSNN 6 tháng là tích cực.
Các địa phương cũng đã chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN. Có 60/63 địa phương bảo đảm tiến độ dự toán thu nội địa (đạt hơn 50%), trong đó 48 địa phương đạt hơn 55% dự toán; 54/63 địa phương tăng trưởng thu...
Người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định, việc bảo đảm thu ngân sách có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Có được kết quả nêu trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực chủ động, sáng tạo của toàn ngành tài chính, sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ngành và các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ tài chính-ngân sách.
Nghiên cứu, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ DN, hộ kinh doanh gặp khó khăn
Lãnh đạo ngành tài chính thẳng thắn chia sẻ, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp mang lại những hệ lụy rất lớn, trong đó có việc thực thi nhiệm vụ của ngành tài chính.
Thu NSNN 4 tháng đầu năm bảo đảm tiến độ dự toán, tuy nhiên, từ tháng 5 trở đi, số thu đã sụt giảm do dịch bệnh cũng như việc gia hạn nhiều khoản thuế, tiền thuê đất và giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí.
Trong bối cảnh thu ngân sách còn khó khăn, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để ứng phó với đại dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…
Tính trong 6 tháng đầu năm, thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 27,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: Gia hạn thuế, tiền thuê đất khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí. Từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, NSNN đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
"Để triển khai thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn sát sao, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai ngay các giải pháp để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống. Trong thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chúng tôi tuyệt đối không vì áp lực thu mà gây sức ép cho DN, người dân", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Đáng lưu ý, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 để huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, Quỹ đã huy động được hơn 8.000 tỷ đồng, cùng với kinh phí bố trí từ NSNN, tổng nguồn lực để thực hiện mua vaccine phòng COVID-19 vào khoảng 25.000 tỷ đồng để mua đủ 150 triệu liều tiêm cho 70% dân số cả nước.
Nhận định tình hình DN vẫn còn nhiều khó khăn do dịch COVID-19, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, ngành tài chính đã tham mưu, ban hành quy định kéo dài thêm thời gian áp dụng đối với một số giải pháp hỗ trợ chủ yếu đã thực hiện như: Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không; kéo dài thời gian thực hiện việc giảm nhiều khoản phí, lệ phí đến giữa năm 2021.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành để sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Trong đó, đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi nhiều mặt hàng nguyên vật liệu tăng giá mạnh, góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nước cũng như kéo dài chương trình ưu đãi thuế đối với một số DN, thúc đẩy phát triển sản xuất .
Với quyết tâm đồng hành cùng DN, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của DN, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục cải cách trên mọi mặt như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành tài chính, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới DN.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ DN, người dân và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện các giải pháp đã ban hành, Bộ Tài chính đang theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Những gói hỗ trợ này bảo đảm trong ngắn hạn cho người dân và DN, từ đó thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Hoàn thiện thể chế tài chính, tạo động lực mạnh mẽ phát triển
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngành tài chính đang tập trung triển khai nhóm 5 trụ cột thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đó là: Xây dựng thể chế; quản lý nợ công; quản lý thị trường tài chính; dự trữ quốc gia; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, các chính sách tài chính, ngoài đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì vấn đề cốt yếu, trọng tâm là bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, bảo đảm sự an toàn và bền vững của nguồn lực tài chính quốc gia, bảo đảm cho tài chính nhà nước, tài chính DN và tài chính dân cư phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế-xã hội, ngân sách phát triển bền vững, ổn định, giảm nợ công…
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền số lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ đã trình Chính phủ ban hành 16 nghị định, xem xét ban hành 6 dự thảo nghị định và 9 đề án khác, 50 thông tư…
Đặc biệt, có nhiều quy định được các chuyên gia đánh giá là “mở đường cho sự phát triển và giải phóng nguồn lực” do Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành, như: Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công...
Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo chương trình đề ra, trong đó có nhiều đề án quan trọng, như: Chiến lược tài chính đến năm 2030; Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện Báo cáo kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 Hội nghị Trung ương 7, khóa XII… Đồng thời, trong 6 tháng cuối năm, ngành tài chính tập trung phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu NSNN Quốc hội quyết định; điều hành NSNN chặt chẽ, bảo đảm nguồn chi cho các khoản trong dự toán và các khoản cấp bách phát sinh, nhất là cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Huy Thắng